Các loài thụ phấn như ong ngày càng ít đi, điều đó gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học trên toàn thế giới và có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người do làm suy giảm lương thực. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tampere đã đưa ra giải pháp có thể hỗ trợ vấn đề này trong tương lai thông qua các loài thụ phấn nhân tạo.
Nhóm đã sản xuất robot bay thụ động đầu tiên bằng cơ tổng hợp. Họ đã tạo ra một “người máy cổ tích” tí hon.
Flying Aero-Robots
Theo thông cáo báo chí đại học Tampere, vào ngày 27 tháng 1, nhóm Light Robots hiện đang nghiên cứu tính khả thi của ý tưởng làm cho vật liệu thông minh bay được.
Dự án được gọi là FAIRY, viết tắt của Flying Aero-robots based on Light Responsive Materials Assembly (tạm dịch: Robot bay dựa trên vật liệu đáp ứng ánh sáng). Dẫn đầu dự án này là Hao Zend và Jianfeng Yang từ Đại học Tampere. Nhóm đã tạo ra một robot lắp ráp polyme chạy bằng ánh sáng và bay nhờ gió.
Hạt giống nhân tạo này có cơ cấu truyền động mềm, khiến nó vượt trội hơn so với hạt giống tự nhiên. Theo Hao Zeng, bộ truyền động được cấu tạo từ một chất đàn hồi tinh thể lỏng, nó phản ứng với ánh sáng và làm cho các sợi lông mở ra hoặc đóng lại để đáp ứng với sự kích thích của ánh sáng.
Hạt giống nhân tạo này cũng sở hữu một số đặc điểm sinh học khiến gió dễ dàng đẩy nó đi vì cấu trúc có độ xốp cao (0,95) và trọng lượng nhẹ (1,2 mg).
Ngoài ra, khả năng vận chuyển đường dài nhờ gió có thể thực hiện được thông qua quá trình sản xuất vòng xoáy tách biệt ổn định trong robot.
Theo Zeng, một nguồn sáng như tia laser hoặc đèn LED có thể cung cấp năng lượng và điều khiển nàng tiên.
Điều này ngụ ý rằng cấu trúc nhỏ giống như hạt bồ công anh có thể được thay đổi bằng ánh sáng. “Nàng tiên” có thể tự sửa đổi hình dạng của mình để phù hợp với hướng và lực gió. Chuyển động cất cánh và hạ cánh của tổ hợp polyme này cũng có thể được điều khiển bằng chùm tia laze.
Ứng dụng trong tương lai
Giờ đây, các nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào việc tăng cường độ nhạy của vật liệu để cho phép sử dụng thiết bị dưới ánh sáng mặt trời.
Họ cũng sẽ mở rộng cấu trúc để nó có thể vận chuyển các phân tử sinh học cũng như các thiết bị điện tử nhỏ như GPS và cảm biến.
Các nhà nghiên cứu tin rằng trong tương lai, hàng triệu hạt bồ công anh nhân tạo có thể phân tán phấn hoa nhờ gió tự nhiên và ánh sáng trực tiếp vào những khu vực cụ thể nơi cây cối và thực vật cần thụ phấn.
“Nghe có vẻ giống như khoa học viễn tưởng, nhưng các thí nghiệm chứng minh khái niệm trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy robot mà chúng tôi đã phát triển cung cấp một bước quan trọng hướng tới các ứng dụng thực tế phù hợp cho thụ phấn nhân tạo”, Zeng nói trong một tuyên bố.
“Điều này sẽ có tác động rất lớn đến nông nghiệp trên toàn cầu vì việc mất đi các loài thụ phấn do sự nóng lên toàn cầu đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học và sản xuất lương thực.”
Cao Thị Thủy (theo techtimes)