Muốn vươn lên dẫn dắt trong thời kỳ suy thoái kinh tế cần xây dựng văn hóa đào tạo nhân lực ngay trong doanh nghiệp. Đây không chỉ là bài học thành công từ các công ty hàng đầu Silicon Valley mà còn nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ông Greg Brown – CEO Nền tảng đào tạo hàng đầu thế giới Udemy phân tích: Lực lượng lao động hiện tại của thế giới đang già hóa. Số lao động trên 50 tuổi chiếm 37% vào năm 2020 nhưng dự báo đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ là 45%. Trong khi đó, tỉ lệ sinh sản của thế giới cũng được dự báo sẽ giảm từ 5% xuống 2,3% trong khoảng 10 năm tới. Đồng thời với các nguy cơ đó là việc ngày càng có nhiều người chuyển hướng nghề nghiệp, các công ty cũng ngày càng không quan trọng bằng cấp, mà quan tâm đến các kỹ năng làm việc thực tế và chấp thuận cách thức làm việc từ xa. Khoảng 5 năm nữa các kỹ năng làm việc truyền thống cũng sẽ bị đẩy lùi thay vào đó là các kỹ năng công nghệ.
Với thực tế đó, tại Hội thảo “Vươn lên dẫn dắt trong thời kỳ suy thoái kinh tế“, ông Greg Brown cho biết 40% lao động trong doanh nghiệp sẽ cần được đào tạo lại, nâng cao kỹ năng. Đối với người lao động, được tham gia đào tạo cũng chính là cảm thấy được gắn bó hơn với doanh nghiệp mà sẵn sàng cống hiến. Ông Greg Brown dẫn chứng nhiều doanh nghiệp tại Silicon Valley – là các đối tác của Udemy đã có mức tăng trưởng là 18 – 20% vì triển khai đào tạo thường xuyên. Đây là cách các công ty ở Thung lũng Silicon đang áp dụng để vươn lên dẫn dắt trong thời kỳ suy thoái.
Ví dụ điển hình là Công ty Lift – đối thủ cạnh tranh của Uber tại Mỹ. Lift đang phải đối mặt với thách thức là có đội ngũ lao động rộng khắp nhưng những nhân viên mới vào thường có nhiều kỹ năng lao động khác nhau, việc học tại bậc phổ thông thường chưa giúp được nhiều trong kỹ năng làm việc mà Lift cần. Do đó, Lift đã hợp tác với Udemy để cung cấp các khóa đào tạo cho quản lý biết khai thác các kỹ năng đặc biệt của nhân viên cũng như trang bị cho các lao động về kỹ năng năng chuyên nghiệp hơn mới thích ứng được với công việc. Kết quả là sau nhiều khóa đào tạo, Lift đã tuyển dụng nhân sự theo cấp số nhân, theo ông Greg Brown.
Không chỉ có Lift, nhiều công ty khác tại Silicon Valley cũng như các công ty khác tại Mỹ đang cho thấy hiệu quả từ việc luôn duy trì văn hóa đào tạo trong doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 51,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Một phần không nhỏ là do ảnh hưởng trực tiếp từ những bất ổn gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Lạm phát, điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, tình trạng khan hiếm nhân lực chuyên môn hóa,… Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc mất đi năng lực cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc Học viện Đào tạo Doanh nghiệp thuộc FUNiX khẳng định: “Lãnh đạo doanh nghiệp cần chọn giải pháp đào tạo nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp một cách tối ưu nhất”.
Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong việc xây dựng văn hóa học tập tại doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hùng Sơn – Ủy viên Ban thường vụ VINASA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển Công nghệ FSI cho rằng, đã có những doanh nghiệp SME tại Việt Nam xây dựng văn hóa học tập tốt mang lại kết quả kinh doanh tốt và bền. Ngược lại, cũng còn nhiều doanh nghiệp chưa coi hoạt động đào tạo, học hỏi thành hoạt động chính được ưu tiên, chủ yếu do tự phát, thiếu tổ chức. Nguyên nhân do doanh nghiệp thiếu tư duy hệ thống, thiếu nguồn lực đầu tư; doanh nghiệp chưa quen, chưa biết các mô hình đào tạo mới dùng công nghệ và đang tự ỉ lại thói quen tự học của người Việt Nam.
Từ thực trạng đó, ông Nguyễn Hùng Sơn cho rằng cần có 3 nhóm giải pháp cho vấn đề này: Thứ nhất nhóm giải pháp về nhân lực, trong đó lãnh đạo doanh nghiệp phải là người tiên phong học tập trọn đời, đưa hoạt động đào tạo thành một trong các nhiệm vụ chính, các trưởng bộ phận phải phổ biến, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học; Thứ hai là nhóm giải pháp về chính sách, trong đó để thúc đẩy việc học thì phải đi đôi với quyền lợi như tăng lương, thưởng,… Thứ ba là nhóm giải pháp công nghệ, trong đó cần tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, sử dụng các nền tảng công nghệ phù hợp cho hoạt động đào tạo.
Đào tạo theo hình thức “may đo”
Trong bối cảnh hiện nay, muốn việc học mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, kinh nghiệm mà ông Greg Brown mang lại là cần xây dựng các chương trình đào tạo theo hình thức “may đo” để phù hợp thực tế doanh nghiệp cần. Muốn vậy doanh nghiệp cần tìm bên thứ 3 để đồng hành, đó là các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp. Ông Greg Brown tự hào vì Udemy for Business cung cấp nền tảng đào tạo và phát triển nhân viên gồm hơn 8.300 khóa học, phân tích học tập, cũng như khả năng lưu trữ và phân phối nội dung riêng cho từng đối tác.
Tại Việt Nam, FUNiX – nền tảng đào tạo lập trình trực tuyến chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam cũng đang có quan điểm đào tạo tương đồng với Udemy, đều hướng người học đến kỹ năng thực tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bà Lê Minh Đức – CEO của FUNiX cho rằng đây là lý do mà Udemy và FUNiX hợp tác với nhau. Thực tế trong thời gian qua FUNiX cùng Udemy đã mang lại cho thị trường lao động Việt Nam những giá trị đáng kể.
Bảo Hà