Tạp chí khoa học cũng là lực lượng báo chí cách mạng quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Đảng và Nhà nước coi KH, CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) là động lực cho tăng trưởng; thực hiện Chiến lược Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia và tiến tới mục tiêu chung về phát triển đất nước vào năm 2045.
Ra đời sau, số lượng lớn
Lịch sử thế giới ghi nhận năm 1663 của thế kỉ XVII, lần đầu tiên xuất hiện tờ tạp chí hướng đến độc giả tầng lớp tri thức là Erbauliche Monaths Unterredungen của Đức, nội dung về văn học và triết học. Đến năm 1665, tại London xuất hiện Kỷ yếu Triết học (Philosophical Transactions) do Nhà Triết học Henry Oldenburg, Thư ký của Hội Hoàng gia Anh chủ trì. Đây là ấn phẩm định kỳ đầu tiên dành cho khoa học, nội dung tập trung vào khoa học thực nghiệm và khoa học quan sát.
Gần mười năm sau đó, số lượng các tạp chí bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở châu Âu. Đầu thế kỉ XVIII là sự nổi lên của nhiều loại hình tạp chí ở nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, văn học nghệ thuật và cả thời trang, nở rộ nhất là ở Hoa Kỳ.
Vào nửa đầu thế kỉ XIX, lần lượt là các tạp chí khoa học nổi tiếng khác ra đời như The Journal of Science (1830), tập trung vào các bài viết về khoa học và công nghệ tiên tiến; Scientific American (1845), tập trung truyền thông, phổ biến kiến thức, giải thích các khái niệm khoa học phức tạp một cách dễ hiểu cho công chúng; Nature (1869), tập trung vào các nghiên cứu khoa học đột phá và quan trọng; Science (1880), tập trung vào các nghiên cứu khoa học đột phá; National Geographic (1889).
![]() |
Các Tạp chí khoa học nổi tiếng của thế giới ra đời sớm vẫn trường tồn cho đến ngày hôm nay |
Tại Việt Nam, loại hình báo và tạp chí liên quan đến mảng khoa học, công nghệ bắt đầu xuất hiện vào thời kỳ Pháp thuộc (trước 1945). Đó là Khoa học Tập chí (1923 - 1925) chủ bút là ông Bùi Quang Chiêu; Khoa học Phổ thông (1934 -1942) của chủ bút là ông Lâm Văn Vãng ở Sài Gòn, Tạp chí Khoa học (1931 - 1940) của ông Nguyễn Công Tiễu, Báo Khoa học (1942 - 1944) của ông Nguyễn Xiển và Hoàng Xuân Hãn.
Trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh và các báo/tạp chí chủ yếu được xuất bản thời đó tập trung vào các vấn đề chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật phục vụ cho công cuộc cách mạng của Đảng, loại hình báo chí về KH, CN tuy hoàn toàn mới nhưng bắt nguồn từ thực tiễn: chính quyền Pháp bắt tay xây dựng các nhà máy, công trình có sự tham gia của khoa học kỹ thuật, những thứ mà với người dân Việt Nam lúc đó còn quá lạ lẫm và mới mẻ. Với tư tưởng tân tiến, thấy được lợi ích, giá trị của khoa học kĩ thuật, các chủ bút cũng là các “sĩ phu tây học” gọi đó là một sự “giác ngộ mới” nhằm khích lệ thanh niên tiến vào những miền đất mới.
“Vài lời thanh minh” - giới thiệu về tôn chỉ mục đích của tờ Khoa học phổ thông, chủ bút ông Lâm Văn Vãng viết: “Vấn đề khoa học đối với đồng bào ta thật rất nên mới mẻ và khó khăn vô cùng,... Ý kiến chúng tôi vẫn là khuyến khích anh em nhứt là các bực thanh niên lo phấn đấu trên con đường tân hoá. Lấy ví dụ gần đây mà xét thì cũng đủ rõ rằng dân tộc trên thế giới, nước nào cũng vậy, không trước thì sau, lần lượt trên con đường tấn bộ ai cũng phải để chưn đến cả”.
“Nói tóm lại, ngoài ra sự khuyến khích đồng bào trên đường thực nghiệp, Khoa học Phổ thông lại còn một trách nhiệm khó khăn hơn nữa là sẽ đem hết tài liệu về khoa học để nâng cao trình độ của các bạn thanh niên đồng chí!”.
Qua đó, có thể thấy, mặc dù còn chiến tranh, mặc dù tuổi đời bình quân của các tạp chí này chỉ được 5 - 6 năm, nhưng bên cạnh nhiệm vụ chống Pháp, các “sĩ phu tây học” ngày đó đã rất coi trọng, quan tâm phổ biến kiến thức khoa học cho người dân, mong mỏi nhân dân học hỏi những thứ tân tiến của nhân loại.
![]() |
Hình ảnh một phần trang bìa của các tạp chí phổ biến khoa học đầu tiên của Việt Nam, theo khảo sát của tác giả Hà Dương Tường tại thư viện quốc gia Pháp. Nguồn: Internet |
Sau các tạp chí thời kì Pháp thuộc, đến thời kì Việt Nam độc lập, xây dựng đất nước, năm 1959, Ủy ban Khoa học Nhà nước (tiền thân của Bộ KH và CN ngày nay) đã xuất bản tờ Tin tức Hoạt động Khoa học (Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngày nay). Khi đó, Ủy ban Khoa học Nhà nước cho ra đời tờ tin nhằm phổ biến tin tức cho các độc giả quan tâm đến công tác KH, CN của nước nhà. Thời kì ngoài những năm 1960, mặc dù phải chống Mỹ nhưng cũng là lúc xây dựng phát triển miền Bắc Việt Nam, chính sách của Đảng và Nhà nước đã chú trọng đến phát triển KH, CN nên các cơ quan nghiên cứu bắt đầu thành lập các tạp chí khoa học thuộc các viện chuyên ngành điển hình như tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học (nay là Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam), Ủy ban KHXH Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Đến nay, chỉ tính riêng Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có 34 tạp chí khoa học; Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam có 12 tạp chí khoa học.
Thời kì Đổi mới với sự xuất hiện của các tổ chức xã hội nghề nghiệp là các hội chuyên ngành, các viện nghiên cứu trong khối cơ quan Nhà nước, các trường đại học cũng đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế nên đã kéo theo sự ra đời của các tạp chí khoa học và công nghệ nhằm phục vụ công tác phổ biến kiến thức, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Một số tạp chí khoa học nay có tuổi đời trên 50 năm xuất bản, đa số khoảng 30 năm cho đến các tạp chí mới thành lập sau này chỉ mới khoảng 10 năm.
Theo số liệu công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024, trong số hơn 884 cơ quan báo chí cả nước có 673 tạp chí, trong đó có hơn 319 tạp chí khoa học.
Lực lượng quan trọng trong phát triển KH và CN
Với vị thế và tầm quan trọng của tạp chí khoa học, Luật Báo chí được Quốc hội nước ta thông qua ngày 5/4/2016 lần đầu tiên đưa loại hình “Tạp chí khoa học” vào trong Mục giải thích từ ngữ, trong đó định nghĩa: “Tạp chí khoa học là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ để công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành”. Tạp chí khoa học được hiểu là công cụ, phương tiện chủ yếu trong công bố khoa học, có vai trò quan trọng trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, khẳng định vị thế của quốc gia trên trường quốc tế, từ đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu đa quốc gia.
Tại Việt Nam hiện nay, tạp chí khoa học được phân loại gồm: Tạp chí khoa học chuyên ngành đặc thù (tạp chí học thuật). Đây là những tạp chí công bố các công trình nghiên cứu chuyên sâu, hoàn toàn gắn với ngành nghề đặc thù, cụ thể. Hình thức trình bày và quy trình tổ chức bài phải theo tiêu chuẩn của Hội đồng Giáo sư nhà nước, theo thông lệ quốc tế. Các tạp chí này được xuất bản bởi cơ quan chủ quản là các hội ngành, viện nghiên cứu chuyên sâu hoặc các trường đại học; Tạp chí khoa học ứng dụng là những tạp chí khoa học đại chúng, xã hội hóa về nội dung, chú trọng gắn nghiên cứu với phổ biến kiến thức tới cộng đồng, xã hội, là cầu nối thương mại hóa sản phẩm, thúc đẩy các ứng dụng, góp phần phát triển lĩnh vực chuyên ngành đó trong đời sống xã hội. Các tạp chí này chủ yếu được xuất bản bởi các hội ngành, một số viện nghiên cứu. Ban biên tập của các tạp chí này bao gồm những người làm công tác nghiên cứu, đội ngũ các nhà báo am hiểu lĩnh vực hoạt động sâu rộng của tạp chí.
Ngày nay, tạp chí khoa học trong nước xuất hiện ngày càng nhiều và chất lượng các tạp chí ngày càng đi lên, dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này cho thấy vị thế và vai trò của các tạp chí khoa học ngày càng được ghi nhận trong xã hội cũng như từ cơ quan hoạch định chính sách. Bởi các đóng góp của nó kể cả về mặt học thuật lẫn ứng dụng thực tiễn, thúc đẩy lĩnh vực chuyên sâu, chuyên ngành, góp phần vào sự phát triển của KH, CN nước nhà.
Khẳng định tầm quan trọng của các tạp chí khoa học đối với sự nghiệp phát triển KH và CN nước nhà, Quỹ Phát triển KH và CN Quốc gia (Nafosted) từ khi ra đời đã có hoạt động hỗ trợ nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước.
Mới đây nhất là Dự thảo Luật KHCN và Đổi mới sáng tạo đã có hẳn một Chương (Chương X) về phổ biến, lan tỏa tri thức KH, CN và ĐMST. Trong đó, lần đầu tiên Bộ KH và CN đưa khái niệm về Tạp chí khoa học và công nghệ vào Dự thảo, một số quy định cho hoạt động của khối tạp chí này. Cụ thể, Điều 72 của Chương X, Dự thảo định nghĩa: “Tạp chí khoa học và công nghệ là xuất bản phẩm định kỳ nhằm công bố kết quả nghiên cứu, phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ”. Dự thảo cũng nêu: “Căn cứ nhu cầu của phát triển của ngành, lĩnh vực, các tổ chức khoa học và công nghệ có thể hình thành một hay nhiều tạp chí khoa học và công nghệ”.
Trong một phiên thảo luận góp ý về Dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ KH và CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh: “Chúng tôi coi tạp chí khoa học và công nghệ là lực lượng quan trọng trong phát triển khoa học, công nghệ, có thể không cần nhiều cơ quan tạp chí nhưng cần nhiều ấn phẩm tạp chí khoa học”.
Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam
Theo tổ chức xếp hạng tạp chí SCImago (www. https://www.scimagojr.com/), chỉ tính riêng các tạp chí đã được lập chỉ mục ISI/Scopus thì toàn thế giới hiện nay có gần 31.137 tạp chí khoa học ở tất cả các lĩnh vực. Chưa tính các tạp chí chưa được lập chỉ mục, số liệu này cho thấy số lượng tạp chí khoa học là vô cùng lớn, phản ánh nhu cầu và vai trò của nó trong đời sống xã hội.
Chỉ tính trong khu vực ASEAN, đến năm 2023, Trung Quốc có hơn 5.211 tạp chí khoa học, Nhật Bản có 2.337, Indonexia có hơn 14.000 tạp chí, Malaysia có khoảng 500 tạp chí. Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam mới chỉ có khoảng 400 tạp chí khoa học đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) đưa vào danh mục tạp chí tính điểm công trình khoa học quy đổi.
Từ năm 2016, HĐGSNN ban hành công văn số 37/ CV-HĐGSNN về chất lượng khoa học và thể thức đăng bài trong các tạp chí khoa học được tính điểm, các năm sau này, khi Hội đồng yêu cầu các tạp chí khoa học làm báo cáo đề xuất mức điểm hàng năm đều có bộ tiêu chí rõ ràng cho các tạp chí, tiệm cận với tiêu chuẩn chuẩn quốc tế, chất lượng tạp chí khoa học ngày càng được nâng cao. Năm 2017, Việt Nam mới chỉ có 6 tạp chí nằm trong danh mục Scopus, chưa có tạp chí nào nằm trong danh mục ISI. Đến nay Việt Nam đã có 15 tạp chí được lập chỉ mục ISI/Scopus. So với các nước trong khu vực ASEAN như Trung Quốc có gần 1.400 tạp chí, Nhật Bản có hơn 500 tạp chí, Indonesia 169 tạp chí, Singapore 205 tạp chí, Malaysia 117 tạp chí,… của Việt Nam là con số quá khiêm tốn. Theo nghiên cứu của Vcgate (Vietnam Citation Gateway) do Đại học Quốc gia Hà Nội công bố năm 2021 đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam về các chỉ số như chỉ số ảnh hưởng (Impact factor - IF) và chỉ số Hindex theo thông lệ quốc tế, nhìn về tổng thể, chất lượng các tạp chí của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập, còn xa với nhóm cuối cùng Q4 của các tạp chí quốc tế.
Nếu tính về tỷ lệ bài báo công bố, năm 2023, theo bảng xếp hạng Journal và Country Rank của SCImago, Việt Nam đứng thứ 47/234 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng với 19.196 bài báo đã công bố, tăng so với con số hơn 18.000 bài báo năm 2022. Năm 2024, số liệu này là 19.000 bài.
![]() |
Truyền thông về KH, CN luôn là chính sách ưu tiên của mỗi quốc gia |
Tuy nhiên, tại Tọa đàm xây dựng tạp chí khoa học đạt chuẩn ISI/Scopus/ACI do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 15/7/2024 tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), PGS.TS. Đinh Văn Thuật - Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng thuộc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, mặc dù số bài báo của Việt Nam gửi đăng các tạp chí Scopus/WoS quốc tế là tương đối, nhưng có rất ít bài báo từ nước ngoài gửi đến các tạp chí của Việt Nam. Điều này cho thấy, tạp chí trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được bài trong nước lẫn quốc tế.
Cũng tại tọa đàm, nhiều lãnh đạo tạp chí, các nhà khoa học đều cho rằng việc nâng cao chất lượng tạp chí khoa học để gia nhập các cơ sở dữ liệu quốc tế đã thành đòi hỏi bức thiết và là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Đây là việc làm cần nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, cộng đồng khoa học.
Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: “Những công việc trên không thể chậm trễ bởi các tạp chí trong nước hoàn toàn có tiềm năng, khả năng thực hiện. Cách đây hơn 10 năm chúng ta chưa tự tin trong việc công bố bài báo quốc tế nhưng bây giờ chúng ta đã tự tin. Tương tự, các tạp chí khoa học bây giờ có thể tự tin vào các danh mục tạp chí quốc tế”.
Để KH, CN và ĐMST là động lực cho tăng trưởng, tiến tới mục tiêu chung về phát triển đất nước vào năm 2045 thì truyền thông cho KH, CN phải được đặt lên hàng đầu, trong đó, tạp chí khoa học là lực lượng vô cùng quan trọng. Việc nâng cao chất lượng các tạp chí sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập KH, CN, từ đó nâng cao năng lực trình độ KH và CN trong nước.
Quyết định 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chiến lược phát triển KH, CN và ĐMST đến năm 2030, trong phần Nhiệm vụ, giải pháp có nêu: Phát triển hệ thống các tạp chí KH, CN đạt chuẩn quốc tế đầu tư thỏa đáng cho hệ thống tạp chí, trên cơ sở cân đối các lĩnh vực KH và CN, các đối tượng phục vụ, khuyến khích áp dụng công nghệ số, liên kết với các nhà xuất bản, tạp chí có uy tín trên thế giới, nâng cao trình độ đội ngũ biên tập, tính năng đa dạng quốc tế của hội đồng biên tập; thu hút, khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước đăng tải các bài báo có chất lượng ở các tạp chí trong nước. Có các quy định bắt buộc để các đề tài từ ngân sách nhà nước phải có công bố trên các tạp chí trong nước.
Hiện nay, tạp chí khoa học của các quốc gia phát triển đều hướng tới các chuẩn mực được nhiều người thừa nhận. Với mục tiêu của mình, các tạp chí khoa học của Việt Nam cũng cần hướng đến điều đó bằng quy trình tổ chức bài, biên tập, hình thức trình bày bài báo, kiểm soát chất lượng, quy trình xuất bản và những tiêu chí khác đã được các tổ chức uy tín quốc tế ban hành.
Trà Giang