Hội thảo Khoa học Quốc gia “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới” diễn ra sáng ngày 24/2/2023 tại TP. Hồ Chí Minh. Hầu hết các đại biểu cho biết, chính sách thu hút nhân tài hiện chưa đủ sức thuyết phục, cần có cơ chế đột phá hơn.
Tham dự hội thảo có ông Lại Xuân Môn – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 về công tác trí thức; ông Lê Quang Huy – Chủ nhiệm ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội; ông Huỳnh Thành Đạt – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; ông Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Đây là diễn đàn để trao đổi, thảo luận về xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường thu hút, đào tạo, bồi dưỡng trí thức, nhất là trí thức khoa học, công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tổng kết lý luận và thực tiễn sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của BCH Trung ương Đảng Khóa X.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lại Xuân Môn, cho biết: “Số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ trí thức còn bất hợp lý; vị trí và vai trò của đội ngũ trí thức chưa được phát huy đầy đủ, chưa tạo được môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo của trí thức và đặc thù lao động của trí thức. Chưa xây dựng được mô hình thí điểm, cơ chế chính sách đột phá để thu hút, đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Chưa ban hành chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức”.
“Tại hội thảo này, các đại biểu từ thực tiễn hoạt động tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề về kết quả nổi bật chính đã được đề cập trong dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm, xây dựng và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát huy năng lực, cống hiến nhiều cho đất nước; từng bước tạo chuyển biến trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo, văn hóa văn nghệ được hoàn thiện theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, cơ chế đầu tư, cơ chế đào tạo, sử dụng, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức có trình độ cao. Đồng thời, gợi mở một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện tốt chuyên đề về Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường để thu hút đào tạo, bồi dưỡng trí thức trong giai đoạn mới”, ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Báo cáo tổng kết sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác xây dựng đội ngũ trí thức có nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ trí thức Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng, chất lượng được nâng lên; nhiều trí thức có trình độ cao, năng động, sáng tạo, hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng, lĩnh vực đột phá; đã bắt kịp, tiến cùng một số nước tiên tiến trong khu vực và thế giới ở một số lĩnh vực; tích cực chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và hội nhập quốc tế; từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Môi trường và điều kiện cho hoạt động của trí thức dần được hoàn thiện, công tác xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ đã bước đầu thu được nhiều kết quả.
Trên cương vị Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi, cho biết: “Trong thời gian qua, Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, HĐND Thành phố cũng có nghị quyết để thu hút các trí thức đến làm việc tại các khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh học, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, cùng với ban hành các cơ chế, chính sách về tiền lương, điều kiện ăn ở, đi lại nhưng sau một thời gian thực hiện, Thành phố mới chỉ thu hút được 20 chuyên gia trí thức”.
“Hiện nay, chính sách của Thành phố chưa thực sự động viên được đội ngũ trí thức, bởi vậy, Thành phố đang nghiên cứu để xây dựng chính sách cho đội ngũ này trong thời gian tới. Thành phố sẽ tập hợp đội ngũ trí thức trong và ngoài nước thông qua cơ chế đặt hàng nhiệm vụ; ngoài ra có chính sách động viên bằng cơ chế đào tạo, thu nhập tăng thêm, nhà ở và các quyền lợi khách về để bạt, bổ nhiệm, tham gia sâu hơn vào các chương trình của Thành phố. Tuy nhiên, để hoàn thiện chính sách cho đội ngũ trí thức cũng cần cơ chế tháo gỡ từ Trung ương để Thành phố có thể triển khai thuận lợi trong thời gian tới”, ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.
Trong 15 năm qua, đội ngũ tri thức đã tăng nhanh về số lượng, nhiều tri thức có trình độ cao, năng động sáng tạo, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
Tuy nhiên trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, số cán bộ nghiên cứu trên vạn dân còn thấp so với các nước trong khu vực. Thống kê từ Bộ Khoa học & Công nghệ cho thấy chỉ đạt khoảng 15,6 cán bộ nghiên cứu/vạn dân. Đặc biệt là số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ còn rất thấp, tổng số chỉ là gần 30.000.
Ông Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ một số mặt còn hạn chế tồn tại hiện nay, đó là: “Số lượng cán bộ làm trong lĩnh vực nghiên cứu tính trên vạn dân còn thấp, nhất là cán bộ có trình độ tiến sĩ; tỷ lệ sinh viên nhập khối ngành toán, khoa học công nghệ thấp, có xu hướng giảm, phân bổ không đồng đều, nguy cơ khủng khoảng thiếu – thừa; tỷ lệ nhập học sau đại học khối ngành STEM có xu hướng giảm, nhất là bậc tiến sĩ; đầu tư cho giáo dục đại học so với các nước trong khu vực còn thấp; đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn thấp so với các nước trong khu vực; tỷ lệ sinh viên giỏi muốn làm việc cho khối cơ quan nhà nước còn thấp; có một bộ phận sinh viên của Đại học Quốc TP. Hồ Chí Minh mong muốn được làm việc cho khối cơ quan trung ương ở Hà Nội; dư địa cho công tác phát triển đảng viên là tri thức trẻ còn nhiều”.
Được biết, tại Hội thảo Ban tổ chức đã nhận được 17 bài tham luận từ Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội, Bộ Khoa học & Công nghệ, đại diện trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các Trường đại học, viện nghiên cứu, các địa phương trong cả nước. Các báo cáo tham luận đã trình bày góc nhìn đa chiều về chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới.
Đạm Lê Quang