Hội nghị nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM 2024 - Ho Chi Minh of Green Innovation Contest (GIC 2024).
Đại diện Ban tổ chức cho biết, hiện nay, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với những thách thức về môi trường và phát triển bền vững. Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa các quy trình hoạt động, giảm thiểu chi phí, tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả.
Bà Phan thị Quý Trúc - Phó trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN TP.HCM phát biểu tại hội nghị. |
Trên tinh thần đó, hội nghị tập trung chia sẻ và thảo luận về những nội dung về kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong thúc đẩy sự phát triển các mô hình kinh tế mới nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa TP.HCM đạt mục tiêu trong cam kết Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Ông Lê Minh Hiếu - Phó Giám đốc của SIHUB cho biết, trong khuôn khổ hội nghị, hai nội dung được chú trọng chính là Thực trạng và thách thức trong lĩnh vực phát triển bền vững tại TP.HCM và Nhu cầu công nghệ của các ngành phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Trong tham luận của mình, TS. Trần Thanh Tâm - Phó trưởng phòng KH&CN và Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, các giải pháp phát triển bền vững mà TP.HCM có thể xem xét, vận dụng, đó là: 1) Chuyển đổi mô hình tăng trưởng: từ tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên năng lượng sang tăng trưởng xanh, bền vững; 2) Đầu tư vào hạ tầng: Nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, xử lý nước thải, rác thải; 3) Phát triển đô thị thông minh: Áp dụng công nghệ thông tin và quản lý đô thị, tạo thuận lợi cho người dân; (4) Phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại; 5) Phát triển kinh tế xanh: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất sạch, thân thiện môi trường; 6) Cải thiện môi trường sống: Tăng cường không gian xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; 7) Xây dựng cộng đồng: Tăng cường sự tham gia cộng đồng.
Văn Tám
Tham gia Cuộc thi “Tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM 2024 - Ho Chi Minh City Green Innovation Contest (GIC 2024)", các tổ chức, cá nhân có cơ hội gặp gỡ các đơn vị xây dựng chính sách về lĩnh vực phát triển bền vững, để chia sẻ trực tiếp giải pháp, mô hình, ý tưởng trên địa bàn Thành phố; có thể nhận gói ươm tạo cao nhất 400 triệu theo Nghị quyết 20 của HĐND TP.HCM trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, GIC 2024 giúp các tổ chức, cá nhân được Ban tổ chức và các đối tác hỗ trợ kết nối nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước; cùng với đó là tham dự các sự kiện huấn luyện, cố vấn, gặp gỡ chuyên gia có chuyên môn cao trong lĩnh vực môi trường, ESG, chống biến đổi khí hậu, chuyên gia kinh tế, đô thị,.. để hoàn thiện ý tưởng của mình. Đại diện Ban Tổ chức cho biết, trước sứ mệnh xây dựng nền kinh tế tăng trưởng bền vững ở mọi khía cạnh, đặc biệt ứng dụng giải pháp đổi mới sáng tạo vào các ý tưởng mới trong lĩnh vực này, thì GOC 2024 với chủ đề về “GREEN INNOVATION” kỳ vọng sẽ là nơi cung cấp một môi trường ươm tạo thuận lợi cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đầy sáng tạo, đầy tâm huyết có thể phát triển. Thông qua đó giúp TP.HCM “xanh” hơn về mọi mặt. |