Ngày 16/7/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành Công điện số 108/CĐ-TTg, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện công tác đặc xá năm 2025 (đợt 2) theo Quyết định số 1244/2025/QĐ-CTN của Chủ tịch nước ngày 3/7/2025 và Hướng dẫn số 94/HD-HĐTVĐX của Hội đồng tư vấn đặc xá ban hành ngày 4/7/2025.
Phân công rõ trách nhiệm: Thống nhất, đúng quy định, không để xảy ra sai sót
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục giữ vai trò chủ trì, thực hiện đầy đủ chức năng Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá, trực tiếp chỉ đạo việc xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam do Bộ quản lý. Đồng thời, Bộ có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đặc xá theo đúng quy trình; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, và với những vấn đề vượt thẩm quyền, cần báo cáo Hội đồng tư vấn đặc xá xem xét, giải quyết.
Bộ Quốc phòng được giao trách nhiệm tương tự đối với hệ thống trại giam, trại tạm giam thuộc lực lượng Quân đội. Cùng với đó, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm chỉ đạo Tòa án các cấp (bao gồm cả Tòa án quân sự) chủ trì việc xét đặc xá đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Thủ tướng yêu cầu việc xét duyệt đặc xá phải được tiến hành nghiêm túc, công khai, minh bạch, đảm bảo đúng đối tượng, đúng điều kiện quy định của pháp luật. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, sai sót hoặc lợi dụng chính sách đặc xá.
![]() |
Thủ tướng yêu cầu việc xét duyệt đặc xá phải được tiến hành nghiêm túc, công khai, minh bạch, đảm bảo đúng đối tượng, đúng điều kiện quy định của pháp luật. Ảnh minh hoạ |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng về nội dung đặc xá năm 2025 (đợt 2). Việc truyền thông phải bảo đảm người dân và phạm nhân hiểu rõ điều kiện, trình tự, thủ tục xét đặc xá, qua đó tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời góp phần tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, hạn chế tiêu cực.
Thông qua truyền thông, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc hỗ trợ người được đặc xá, xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện để họ làm lại cuộc đời.
Chủ động hỗ trợ người được đặc xá: Từ cấp xã đến toàn hệ thống chính trị
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao chỉ đạo toàn diện việc triển khai đợt đặc xá tại địa phương, đảm bảo đúng quy trình, đúng thời hạn và không để lọt, sót hồ sơ. Trong đó, chính quyền cấp xã có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến người được đề nghị đặc xá.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP về tái hòa nhập cộng đồng, thông qua việc tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho người đặc xá. Với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần vận động các đoàn thể, tổ chức xã hội cùng vào cuộc giúp họ ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, làm ăn chân chính và không tái phạm.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể tại địa phương trong việc quản lý, giáo dục, giám sát người được đặc xá. Cần theo dõi sát tình hình, diễn biến của người đặc xá sau khi trở về nơi cư trú, đảm bảo họ không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp tái phạm.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định yêu cầu cao về tính kỷ luật, công khai và tính nhân văn trong công tác đặc xá. Việc triển khai cần đồng bộ từ trung ương tới địa phương, từ cơ quan quản lý nhà nước đến tổ chức xã hội, nhằm bảo đảm đặc xá thực chất, không hình thức, thực sự giúp người được hưởng đặc xá có cơ hội làm lại cuộc đời, đóng góp cho xã hội.
Bộ Công an với vai trò là Cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá được giao trách nhiệm tổng hợp kết quả triển khai, báo cáo đầy đủ lên Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn đặc xá để kịp thời rút kinh nghiệm và hoàn thiện chính sách trong các đợt tiếp theo.