AI giúp công ty Trung Quốc tăng 20% hiệu suất sản xuất, giảm 35% lỗi sản phẩm |
Trung Quốc hiện chiếm tới 40% các nghiên cứu và sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn cầu - một minh chứng cho vị thế đang lên của nước này trong cuộc đua công nghệ. Khẳng định vai trò dẫn dắt, Trung Quốc vừa đăng cai Hội nghị Trí tuệ nhân tạo Thế giới 2025 (WAIC 2025) và Hội nghị Cấp cao về Quản trị Toàn cầu AI, diễn ra từ ngày 26 đến 28/7 tại Thượng Hải, với chủ đề "Đoàn kết toàn cầu trong kỷ nguyên AI".
WAIC 2025 đạt quy mô lớn chưa từng có, với hơn 800 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, hơn 3000 sản phẩm công nghệ được trưng bày, bao gồm 40 mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), 50 thiết bị AI đầu cuối, 60 robot thông minh và 80 sản phẩm lần đầu ra mắt toàn cầu. WAIC 2025 ghi nhận kỷ lục mới với khu vực triển lãm mở rộng trên 70.000 m2.
![]() |
Hội nghị và Triển lãm AI Thế giới khai mạc ngày 27/7 tại Thượng Hải. Ảnh: Xinhua |
Hội nghị tập trung vào ba chủ đề cốt lõi: đột phá học thuật, tích hợp phần mềm - phần cứng và quản trị toàn cầu. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng chia sẻ thành quả AI với toàn cầu và đề xuất thành lập Tổ chức Hợp tác Trí tuệ nhân tạo Thế giới, đặt trụ sở tại Thượng Hải. Ông nhấn mạnh Trung Quốc muốn thúc đẩy mô hình AI mở, công bằng, đặc biệt hỗ trợ các nước đang phát triển - nơi thường bị thiệt thòi trong cuộc đua công nghệ.
Thủ tướng Lý Cường cảnh báo nguy cơ AI trở thành "trò chơi độc quyền" của một số nước và công ty, đồng thời bày tỏ lo ngại về những "nút thắt cổ chai" như thiếu hụt chip AI và rào cản nhân lực. Ông kêu gọi nhanh chóng thiết lập một khung quản trị toàn cầu có sự đồng thuận rộng rãi để đảm bảo AI phát triển an toàn và bền vững.
Dẫn lại lời Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng cho rằng, cần đầu tư mạnh vào đào tạo nhân tài và phát triển sản phẩm AI chất lượng cao, đáng tin cậy. Ông cũng đưa ra 3 đề xuất lớn nhằm thúc đẩy phát triển AI toàn cầu:
Thứ nhất, về chia sẻ lợi ích một cách công bằng, Trung Quốc kêu gọi tận dụng hiệu quả những thành tựu AI đã đạt được để mở rộng quyền tiếp cận công nghệ cho tất cả các quốc gia, không phân biệt trình độ phát triển. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các nước thuộc Nam bán cầu, bao gồm các quốc gia đang phát triển, mới nổi hoặc có thu nhập thấp nhằm giúp họ nâng cao năng lực công nghệ, xây dựng hệ sinh thái AI riêng và không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số toàn cầu.
Thứ hai, về thúc đẩy hợp tác đổi mới, ông Lý Cường nhấn mạnh cần mở rộng quy mô hợp tác trong nghiên cứu nền tảng và phát triển các công nghệ AI mang tính đột phá. Điều này bao gồm việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, chuyên gia và tài năng AI trên toàn cầu được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, qua đó liên tục cung cấp động lực mới cho tiến trình đổi mới và ứng dụng AI trong thực tiễn.
Thứ ba, về xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu cho AI, Trung Quốc đề xuất các quốc gia cần phối hợp chặt chẽ để sớm hình thành một khung quản trị chung, dựa trên sự đồng thuận rộng rãi. Cơ chế này cần hướng đến cân bằng giữa phát triển và kiểm soát rủi ro, đảm bảo công nghệ AI được phát triển một cách an toàn, minh bạch, mang lại lợi ích lâu dài cho toàn nhân loại thay vì chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ quốc gia hay tập đoàn công nghệ.
![]() |
Hội nghị tập trung vào ba chủ đề cốt lõi: đột phá học thuật, tích hợp phần mềm - phần cứng và quản trị toàn cầu. Ảnh: Creaders |
Sáng kiến của Trung Quốc đã nhận được sự hưởng ứng từ giới chuyên gia. "Cha đẻ của AI" Geoffrey Hilton cảnh báo AI siêu thông minh giống như "nuôi hổ", và chỉ hợp tác quốc tế mới giúp kiểm soát rủi ro. Ông ủng hộ sáng kiến quản trị AI của Trung Quốc, đồng thời ký vào "Đồng thuận An toàn AI Thượng Hải". Cựu CEO Google Eric Schmidt cũng đánh giá cao nỗ lực AI mã nguồn mở của Trung Quốc và kêu gọi tích hợp "lan can an toàn" trong quá trình huấn luyện AI ngay từ đầu.
Trong khuôn khổ hội nghị, Trung Quốc công bố "Kế hoạch Hành động Toàn cầu về Quản trị AI" gồm 13 điểm, nhấn mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng hệ sinh thái đổi mới mở và phát triển hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu.