Nghị quyết lần thứ 2 khóa VIII đã đề cập đến vấn đề tự chủ đại học để đổi mới giáo dục. Nội dung tự chủ đại học cũng đã được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật và gần đây nhất là Luật Giáo dục đại học. Thực tế Việt Nam đã thí điểm được 7 năm và đã cho một số kết quả thực tiễn tốt.
• Vai trò của Hội đồng trường trong tự chủ đại học
Kết quả thực tiễn tốt từ tự chủ đại học
Là người chủ trì Hội nghị về tự chủ đại học diễn ra sáng ngày 4/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dẫn ra những số liệu cụ thể như: Trước khi chúng ta thực hiện Luật Giáo dục đại học hay thực hiện thí điểm tự chủ đại học, giáo dục phổ thông của Việt Nam xếp hạng khoảng 40- 50 trên các bảng xếp hạng; giáo dục đại học xếp hạng 80 – 90, riêng giáo dục nghề nghiệp không được xếp hạng. Đến nay, giáo dục đại học đã vươn lên xếp hạng khoảng 60-70 trong các bảng xếp hạng, giáo dục phổ thông vẫn giữ ở mức tương đương. Đặc biệt, giáo dục nghề nghiệp từ không được xếp hạng hiện đã được xếp vị trí trên 90.
Nếu như trước đây, chúng ta không có trường đại học nào được các tổ chức quốc tế xếp hạng, đến nay mỗi năm đều có thêm vài trường được xếp hạng. Các công bố quốc tế tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Đặc biệt, trước khi đổi mới, 70-80% số công bố quốc tế là ở các viện nghiên cứu thì hiện ngược lại: 70% là từ các trường đại học; tỷ lệ giáo viên có trình độ cao được nâng lên rõ rệt, học sinh có cơ hội lựa chọn học theo sở thích, năng lực đã tốt hơn so với trước khi thực hiện tự chủ. Các nhà tuyển dụng đã đánh giá chất lượng nhân lực tốt hơn, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm và sự mạnh dạn trong bộc lộ quan điểm của học sinh đã có tiến bộ rõ rệt.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, cả nước hiện có 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Đặc biệt, sau thời gian đẩy mạnh cơ chế tự chủ, đã có 5 cơ sở giáo dục đại học đạt doanh thu trên một nghìn tỉ đồng mỗi năm như Trường Đại học FPT, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Công nghệ TP.Hồ Chí Minh.
Một số cơ sở giáo dục đại học thu nhập tăng thêm đáng kể so với lương cơ bản, như Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội tăng thêm 70%, Trường ĐH Hà Nội tăng thêm 100%, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tăng thêm khoảng 15%, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tăng thêm 60%, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tăng thêm 75% và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tăng thêm 49% mức lương cơ bản. Tỷ lệ giảng viên có thu nhập mức 300 triệu đồng/năm cũng tăng.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, tự chủ đại học vẫn là chặng đường dài, gian khổ và phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn do pháp luật còn một số điểm chưa hoàn toàn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do đó, theo Phó Thủ tướng, Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022 cần bàn luận là thống nhất hành động để tháo gỡ khó khăn chứ không cần đặt câu hỏi “Có cần thiết tự chủ đại học không?”.
Tự chủ không có nghĩa là “tự lo, tự do”
Đề cập đến định hướng tự chủ đại học trong chặng đường tiếp theo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu 4 mục đích quan trọng nhất gồm: phát triển tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao; tự chủ đại học là để công bằng hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao; sử dụng tốt hơn nguồn lực con người (phát huy vai trò của các thầy cô cũng như ngay cả học sinh) và nguồn lực về tài chính; thay đổi quản trị các trường đại học thành mô hình quản trị tiên tiến, là hình mẫu của không gian hoạt động có tính khoa học và phân hóa. Các trường cần đi theo xu thế hội nhập quốc tế, phấn đấu từ hội nhập với khu vực đến hội nhập quốc tế; tiếp tục tham gia kiểm định quốc tế, xếp sao, xếp hạng quốc tế, công bố quốc tế. Các đại học phải tiên phong trong chuyển đổi số, cổ vũ mô hình mới, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Để đạt được các mục đích đó, Phó Thủ tướng cho rằng, “tự chủ không có nghĩa là tự lo, tự do”, mà phải phù hợp với điều kiện Việt Nam là nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình thấp. Các trường nhất thiết phải tuân thủ pháp luật gắn với trách nhiệm của nhà trường và lưu ý đến đặc điểm văn hóa truyền thống; phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam là đi theo định hướng CNXH, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phó thủ tướng lấy ví dụ thực hiện tự chủ đại học từ các nước như: tự chủ về bộ máy, hiện ở nước Anh là 100%, Pháp 56%, Italia 59%, Hà Lan 76%, Na Uy 77%, Đan Mạch 94%, Thụy Sĩ 56%, Thụy Điển 62%, Phần Lan 91% và Đức là 75%. Với tự chủ về tài chính, nước Đức 24%, Pháp 33% còn Anh cao nhất là 90%. Với tự chủ về học thuật, nước Anh cao nhất với 92%, Pháp 39%. Với tự chủ về nhân sự, nước Anh cao nhất với 96%, Pháp 42%, Italia 42%, Đức 62%.
Về một số vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng cần thực hiện ngay thời điểm này. Đó là, thứ nhất, Bộ GD và ĐT xem lại vấn đề kiểm định, làm sao để đây không còn là nút thắt, để các trường có đủ điều kiện tự chủ; thứ hai, cần rõ ràng trong việc thành lập các Hội đồng và các cơ cấu theo quy định; thứ ba, hiện còn tồn tại một số trường từ dân lập chuyển sang tư thục, phải tập trung giải quyết dứt điểm; thứ tư là vấn đề tổ chức và nhân sự. Cần nghiên cứu và kiến nghị tiếp tục đổi mới, do đây là một trong những nút thắt rất nhiều người băn khoăn. Theo Phó Thủ tướng, chúng ta không nên bỏ phí mà hãy phát huy tối đa đội ngũ những người đã quá tuổi nhưng có kinh nghiệm quản lý trường đại học tham gia vào các cơ chế hội đồng.
Với cơ chế tài chính, Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục nghiên cứu luật pháp, mời đại diện Bộ Tài chính và các chuyên gia tới phản biện, sau đó tiếp thu và kiến nghị lên về vấn đề này.
Trần Hằng