Ngày 29/5/2022, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia đã tổ chức Hội thảo theo hình thức trực tuyến với chuyên đề “Ứng dụng công nghệ 5.0 để đổi mới phát triển bền vững ngành nông nghiệp và chuỗi cung ứng nhằm nâng cao chất lượng, phân phối và giá trị nông sản một cách hiệu quả tuần hoàn”. Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu các đề án nghiên cứu khoa học tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 48,5 tỷ USD trong năm 2021. Song, tăng trưởng nông nghiệp vẫn chưa bền vững, năng suất hiệu quả sản xuất chưa cao.
Công nghiệp 5.0 phải mang lại tầm nhìn về một nền công nghiệp không chỉ lấy hiệu quả và năng suất làm mục tiêu duy nhất, mà còn tăng cường vai trò và đóng góp của công nghiệp cho xã hội.
Thứ trưởng cho rằng cuộc cách mạng 5.0 là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất và cụ thể ở đây là hàng chục triệu nông dân Việt Nam sẽ được tiếp cận, đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị kể cả về kinh tế cũng như xã hội, nâng cao thu nhập. Đây cũng là mục tiêu phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.
Tại hội thảo, các chuyên gia tham dự đã trình bày, giới thiệu các nghiên cứu công nghệ cho nông nghiệp, các giải pháp được đưa ra nhằm tìm kiếm, giải quyết các vấn đề một cách bền vững, góp phần cải thiện nâng cao đời sống cho người nông dân Việt Nam.
Theo tiến sĩ Trần Phi Vũ – Chủ tịch mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia (NIC-AU) chia sẻ, NIC AU luôn hướng tới việc trao đổi, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa Úc, toàn cầu và Việt Nam. NIC AU sẽ là cầu nối vững chãi để hỗ trợ tạo dựng thêm nhiều cơ hội đầu tư trong và ngoài nước. Thông qua chuỗi hội thảo quốc tế, NIC AU sẽ không ngừng trao đổi, tổng hợp, phân tích, và kết nối để tìm ra các giải pháp cho những vấn đề còn tồn đọng của nông nghiệp Việt Nam, cập nhật công nghệ 5.0 nhằm tăng tốc vào quá trình chuyển đổi số.
Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Tài – Nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Đại học Southern Queensland cho thấy những quan ngại của mình về việc sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam hiện tại chỉ tăng về số lượng chứ không tối ưu hóa về chất lượng cây trồng. Ông đưa ra phương pháp hệ thống Big Data, IoT và AI platform (BIAP) sẽ được phát triển để cung cấp cho nông dân các thông tin về đất, hạt giống, cây trồng, chi phí sử dụng nước và phân bón. Bằng cách sử dụng một lượng lớn thông tin được thu thập từ vệ tinh, camera, cảm biến trên mặt đất và máy bay không người lái, BIAP sẽ cho phép người nông dân đưa ra quyết định sáng suốt hơn về trang trại, chuỗi giá trị thực phẩm, dự đoán tình hình đất đai, cây trồng và cảnh báo các sự kiện ảnh hưởng đến năng suất và chủ động giúp nông dân đưa ra các đề xuất cải tiến dựa trên bộ dữ liệu tổng hợp.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực – Uỷ viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam chia sẻ: Chuỗi giá trị nông sản truyền thống còn tồn tại thông qua rất nhiều khâu trung gian. Việc ứng dụng phát triển mô hình tiêu thụ nông sản ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp cắt giảm những chi phí truyền thống như vận chuyển, giao nhận, và chi phí hư hao sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, giải pháp kết hợp giữa sàn thương mại điện tử, chuỗi logistic toàn cầu và thành lập trung tâm nông sản một cửa quốc gia sẽ tạo nên một chuỗi nông sản giá trị cao hiệu quả hơn.
Duyên Nguyễn