Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đã phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam – châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững” nhằm trao đổi các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi.
Bộ trưởng Bội Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam coi nông nghiệp là lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, chủ trương phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, gắn kết với thị trường quốc tế,… Bộ trưởng bày tỏ vui mừng về kết quả hợp tác đáng khích lệ trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi, nhất là trong khuôn khổ hợp tác Nam – Nam.
Việt Nam và nhiều quốc gia châu Phi cũng trở thành đối tác thương mại nông sản hàng đầu của nhau, tiêu biểu có gạo, điều, cà phê,… Bộ trưởng cũng nhấn mạnh nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác còn rất nhiều tiềm năng giữa Việt Nam và các nước châu Phi và hai bên cần khai thác tối đa, tìm các phương thức hợp tác mới nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, cùng phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chia sẻ, hiện Việt Nam đã vươn lên thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới. Xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam không ngừng tăng, đạt mức kỷ lục 41,53 tỷ USD (năm 2020), tăng 3,3% so với năm 2019 với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều và các loại thủy hải sản…
Việt Nam đã cử gần 500 chuyên gia sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại các nước châu Phi. Thành công của các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp tại châu Phi đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều nước châu Phi. Bộ NN-PTNT Việt Nam sẽ đề xuất với Chính phủ thành lập Trung tâm hợp tác Nam – Nam để làm đầu mối thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với các nước châu Phi.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ Việt Nam có sáng kiến tổ chức Hội thảo nông nghiệp với châu Phi; bày tỏ ấn tượng về sự phát triển kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng trên thế giới của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu một số nông sản quan trọng; nằm trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương và đạt kỷ lục về xuất khẩu nông, thủy sản bất chấp tác động của đại dịch Covid-19.
Các đại biểu đánh giá tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi là rất lớn và nhất trí nhiều phương hướng và cách tiếp cận mới nhằm nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại nông sản hai bên thông qua đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, xúc tiến thương mại và chú trọng hơn nữa đến thúc đẩy giao thương trực tuyến,…tăng cường kết nối hệ thống phân phối, liên kết giữa các doanh nghiệp, tận dụng các nền tảng kỹ thuật số trong nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu nông sản.
Nhiều đại biểu đề xuất thúc đẩy quan hệ ngân hàng hoặc tìm kiếm một cơ chế tài chính phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh toán, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đầu tư vào các hoạt động chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp, tích cực tìm kiếm, phối hợp chặt chẽ để vận động các nguồn tài chính và nguồn nhân lực để triển khai dự án hợp tác nông nghiệp theo mô hình song phương, ba bên, bốn bên hoặc đối tác công-tư, theo hướng tăng cường kết nối và liên kết theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng nông nghiệp, đảm bảo sự phát triển bền vững,…
Anh Đức