Viện Công nghệ thông tin (Viện CNTT) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo “Ứng dụng giải pháp chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Ninh Thuận”.
Hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra khá sôi động và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh những thành quả đạt được, môi trường đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh, mà nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước không đảm bảo chất lượng.
“Có rất nhiều hộ nuôi tôm có diện tích lớn nhưng vẫn chưa có ao lắng và hệ thống xử lý nước thải thủy sản nên người nuôi bắt buộc phải xả trực tiếp ra ngoài môi trường. Nhiều thời điểm, các hộ nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng bị bỏ hoang hoặc thả nuôi bị thua lỗ nặng nề do dịch bệnh gây ra. Do đó, việc quan trắc thường xuyên tại các vùng nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa hết sức quan trong giúp người nuôi chủ động theo dõi và phát hiện nhiều nguồn tác động xấu đến môi trường ao nuôi”. TS. Phạm Ngọc Minh – Trưởng phòng Kỹ thuật điều khiển và Hệ thống nhúng – Viện CNTT cho biết.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Viện CNTT đã giới thiệu về Hệ thống giám sát chất lượng nước nuôi tôm phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững tại tỉnh Ninh Thuận dựa trên nền Internet of Things (IoT) và điện toán đám mây (Cloud Computing). Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam có hợp tác với bộ, ngành và địa phương. Giải pháp mà các nhà khoa học đề xuất có khả năng giám sát tự động và liên tục các thông số chính ảnh hưởng tới môi trường nước nuôi tôm nói riêng và nước nuôi trồng thủy sản nói chung (Nhiệt độ, Độ mặn, Độ pH, Độ Oxy hòa tan DO, Độ Oxy hóa khử ORP) giúp người nuôi chủ động theo dõi và phát hiện nhiều nguồn tác động xấu đến môi trường ao nuôi, đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý có thể dễ dàng đánh giá tác động môi trường các hoạt động nuôi trồng thủy sản có tác động như thế nào đến môi trường xung quanh.
Hệ thống có cấu trúc linh hoạt, nhiều tùy chọn phù hợp với điều kiện và khả năng ứng dụng, đặc biệt, có thể giám sát với diện tích lớn.
Hệ thống IoT giám sát tự động thông số chất lượng nước nuôi trồng thủy sản hiện đang được thử nghiệm tại tỉnh Ninh Thuận với kết quả khá thành công. TS. Phạm Ngọc Minh cho rằng, hệ thống này sẽ phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, nâng cao hiệu quả chăm sóc nuôi trồng thủy sản nhờ áp dụng KH&CN, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội.
PV