Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025 tỉ trọng của công nghiệp chế biến chế tạo trong nền kinh tế Việt Nam đạt 25 % và đặt ra nhiệm vụ cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ, đẩy mạnh sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đây vừa là mục tiêu vừa là thách thức lớn. Tại Tọa đàm “Xây dựng nền Công nghiệp tự chủ và vai trò của các doanh nghiệp trong nước” diễn ra ngày 7/9 do Tạp chí Công Thương tổ chức, các đại biểu ngoài nhìn nhận một cách thẳng thắn về thực tế nền công nghiệp Việt Nam còn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp trong nước để có thể xây dựng được một nền công nghiệp tự chủ.
Nội lực yếu công nghiệp Việt Nam cần làm gì?
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính Phủ công nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020. Cơ cấu nghành công nghiệp đã chuyển biến tích cực. Hình thành và phát triển được một số tập đoàn tư nhân lớn có tiềm năng vươn ra thị trường của khu vực và quốc tế. Việt Nam từ nhóm các nền kinh tế đang phát triển lên nhóm các nền kinh tế mới nổi, điều này cho thấy năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên vướng mắc của nền công nghiệp Việt Nam được cho là nội lực còn yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được với các công nghệ nguồn trong sản xuất. Chưa có sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao. Do đó đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia sâu và chuỗi giá trị toàn cầu. Sản xuất trong nước phụ thuộc lớn vào linh kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp đồng thời dễ bị tổn thương trước những biến động về kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước.
Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chia sẻ tại tọa đàm rằng: Nền Công nghiệp Việt Nam cũng đạt được các thành tựu nhất định và trở thành ngành có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là ngành xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng đều qua các năm. Tuy nhiên, chúng ta còn có nhiều hạn chế: Nội lực của các doanh nghiệp của chúng ta rất còn yếu, thực trạng doanh nghiệp trong sản xuất hay nhân lực cũng chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Trong sản xuất, sự tự chủ và cạnh tranh trong công nghệ nguồn chưa được đề cập đến, bên cạnh đó chưa có sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam đủ lớn đủ mạnh để có giá trị gia tăng cao. Chúng ta phát triển mất cân đối phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài; sản xuất phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, sản phẩm công nghiệp thiếu sự cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao; chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh giữa việc kết nối giữa các khu vực kinh tế với các địa phương để tạo ra các chuỗi sản xuất công nghiệp.
Phát triển công nghiệp cần tập trung vào tự chủ trong nước nhưng phải kết hợp thành tựu KHCN từ cách mạng 4.0 mà chúng ta đã nhận được. Xanh hóa trong sản xuất sẽ là mục tiêu để phát triển trong giai đoạn tới. Dựa trên nền tảng bao gồm các tiêu chí như: thị trường trong nước, công nghệ, trong nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phải có các doanh nghiệp tiềm năng để chúng ta xây dựng thành các mô hình, các tập đoàn kinh tế đủ mạnh để dẫn dắt các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển theo. Song song với đó tập trung các ngành sản xuất ra sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hoá chất, vật liệu,… duy trì lợi thế về nguyên vật liệu hay nhân công giá rẻ như dệt may, chế biến nông lâm thuỷ sản, dược liệu,… đón đầu xu thế công nghệ mới như công nghệ sinh học, công nghệ điện tử. Ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.
Ngành Công nghiệp Hoá chất cũng là ngành công nghiệp chủ lực, về cơ bản trong thời gian qua đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, tuy nhiên để các doanh nghiệp Việt Nam tự chủ được, ông Nguyễn Hữu Tú – Hội đồng thành viên, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam bày tỏ một số vướng mắc như: Một số nguyên liệu đầu vào vẫn phải phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, các sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, sản phẩm mới là chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Từ đó, ông Tú nêu ra 3 giải pháp thực hiện chiến lược hội nhập và các chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia cho ngành Công nghiệp Hóa chất. Đó là tập trung 3 nhóm chính: Thứ nhất là giảm chi phí sản xuất qua đó hạ giá thành sản phẩm mới nâng cao sức canh tranh; Thứ 2 là trong quy trình sản xuất là thực hiện đổi mới KH&CN và hợp lí hoá quy trình sản xuất, liên tục đưa ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; Thứ 3 quản lý công tác thị trường bán hàng, bên cạnh mở rộng thị trường trong nước thì cần phát triển thị trường quốc tế.
Ngoài ra, để nâng cao tính chủ động trong việc cung ứng, ông Tú cũng đưa ra các giải pháp để hiện thực hoá: Chúng ta thấy vai trò của việc tự chủ rất quan trọng trong lúc bị đứt gẫy chuỗi cung ứng. Để phát triển thì trợ lực từ cơ chế chính sách là vô cùng cần thiết. Có cơ chế chính sách về thuế đối với phân bón để tạo cạnh tranh bình đẳng đối với phân bón trong nước, sản phẩm nhập ngoại có điều chỉnh để phù hợp. Chính sách tạo mặt bằng khu công nghiệp để các doanh nghiệp có mặt bằng yên tâm sản xuất hoặc các nhà máy cần di dời ổn định có lộ trình để ổn định sản xuất. Chính sách Khoa học Công nghệ mong có sự hướng dẫn kết nối với các đối tác để quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong ngành hoá chất có hiệu quả thiết thực, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh. Cuối cùng là vấn đề tài chính, tạo điều kiện để có cơ chế chính sách tài chính, lãi vay và đầu tư.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hoá lấy công nghiệp chế biến chế tạo làm trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng nền sản xuất tự chủ, thêm nhiều chính sách cơ chế ưu đãi cần được ban hành để trợ lực cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực trình độ khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực cũng như thúc đẩy liên kết tham gia mạng sản xuất toàn cầu.
Qua tọa đàm, ông Phạm Tuấn Anh thông tin thêm về giải pháp chính sách mà Bộ Công Thương sẽ triển khai trong thời gian tới để có thể tập trung nguồn lực, thúc đẩy vai trò của các tập đoàn tư nhân, cũng như phát triển hệ thống các doanh nghiệp công nghiệp nội địa trong bối cảnh mới. Cụ thể, Việt Nam trong thời gian tới hình thành các tập đoàn sản xuất lớn, trọng tâm trọng điểm tập trung các ngành các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên. Bên cạnh đó kiến nghị xây dựng các khu liên kết ngành có quy mô lớn thu hút đầu tư và xây dựng chuỗi sản xuất công nghiệp. Các chính sách đề xuất tập trung phát triển thị trường trong nước và nước ngoài. Chính sách xây dựng tập đoàn hình thành dẫn dắt các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ đi theo. Các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ về vốn, đào tạo nhân lực, công nghệ,… để hình thành hệ sinh thái hoàn chỉnh trong tương lai.
Đỗ Phương