Thụ hưởng 11 Phòng thí nghiệm (PTN) trong Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, đến nay, Viện Điện – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) là cơ sở đào tạo có quy mô phòng thực hành lớn, hiện đại trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam.
Hệ thống PTN quy mô hiện đại bậc nhất
Bước vào năm học 2021 – 2022, sinh viên, tân sinh viên sẽ có dịp “mục sở thị” hệ thống PTN, thực hành lớn nhất từ trước đến nay của Viện Điện, với 07 phòng thí nghiệm đào tạo trải dài trên tổng diện tích lên đến gần 2000 m2.
PGS.TS. Hoàng Sỹ Hồng – Phó Viện trưởng Viện Điện, Điều phối viên của đơn vị thụ hưởng trong Dự án SAHEP cho biết: Hệ thống 07 PTN đào tạo được thiết kế cho 14 học phần cốt lõi phục vụ 2 ngành cơ bản là Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa. Trong mỗi PTN sẽ được xây dựng các bài thí nghiệm cụ thể cho các học phần đào tạo, đảm bảo cho sinh viên học lý thuyết đi đôi với thực hành. Mục tiêu đặt ra là giảm tỉ lệ sinh viên làm thí nghiệm trên một bàn thí nghiệm và 7 PTN này đã góp phần cải thiện được chỉ số đáng kể.
“Sinh viên từ năm thứ hai bậc đại học sẽ được sử dụng các PTN này, sinh viên sẽ vừa kiểm chứng được những lý thuyết mình đã học, vừa tự khám phá, tự trải nghiệm, được làm theo mô hình thực tế. Khi đó, sinh viên sẽ vững các nền tảng kiến thức cơ bản và chắc về kỹ năng, đồng thời hoàn toàn có khả năng thích nghi tốt với những vấn đề thực tế mà xã hội đặt ra”, PGS.TS. Hoàng Sỹ Hồng cho biết thêm.
Ngoài 7 PTN đưa vào sử dụng trong năm học này, Viện Điện còn có 4 PTN khác đang trong thời gian hoàn thiện thiết kế. Đây là hệ thống PTN dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phục vụ đào tạo sau đại học.
Hưởng lợi từ Dự án dành cho các trường đại học tự chủ [1]
Nhằm tăng cường hệ thống quản trị giáo dục đại học của Việt Nam, Dự án SAHEP đầu tư nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, nghiên cứu, quản trị đại học của 4 trường đại học tự chủ. Trong đó, ĐH Bách khoa Hà Nội (cùng 2 cơ sở khác là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) thụ hưởng từ Hợp phần 1 – Phát triển đào tạo, nghiên cứu, quản trị đại học và quản lý dự án.
Trường ĐHBKHN thực hiện tiểu Hợp phần 01 của Dự án SAHEP với tổng mức đầu tư là 50 triệu USD, trong đó 45 triệu USD vốn ODA và 5 triệu USD vốn đối ứng của trường. Theo đó, dự án sẽ đầu tư các thành phần cốt lõi, cụ thể:
Phát triển đào tạo gồm: mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo, mua sắm thiết bị mới và nâng cấp các PTN đào tạo, dịch vụ tư vấn phục vụ đào tạo, xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, kiểm định chương trình đào tạo, cải tiến chương trình,…
Nâng cao năng lực nghiên cứu: gồm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, mua sắm thiết bị mới và nâng cấp PTN nghiên cứu, thành lập Hội đồng phản biện quốc tế, xây dựng các nhóm nghiên cứu, tổ chức tuần khoa học thường niên, thiết lập chính sách hợp tác với doanh nghiệp.
Tăng cường quản trị đại học và quản lý dự án: gồm xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quản trị đại học (nâng cấp hệ thống phần cứng và phần mềm, cơ sở dữ liệu,…), báo cáo thường niên về thực hiện tự chủ đại học, truyền thông, quản lí dự án.
Cùng với sự đầu tư bài bản, Dự án SAHEP hướng đến xây dựng trường ĐHBKHN thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về khoa học – công nghệ tại Việt Nam. Đồng thời, tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên (Điện, Điện tử, Cơ điện tử và Khoa học Vật liệu), hỗ trợ quá trình đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tự chủ toàn diện thành công và bền vững.
Dự án SAHEP hướng tới các kết quả cụ thể đạt được gồm: Xây dựng 15 PTN nghiên cứu cho các lĩnh vực ưu tiên, thành lập 2 Hội đồng phản biện quốc tế, phát triển các nhóm nghiên cứu đạt trình độ khu vực và thế giới,…; Xây dựng 15 PTN đào tạo cho các lĩnh vực ưu tiên, kiểm định 12 chương trình theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, tăng số giờ giảng dạy trên PTN đối với các học phần của chương trình đào tạo đại học ngành,…; Nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị đại học.
Đối với hạng mục PTN cho đào tạo, Viện Điện là đơn vị được hưởng thụ nhiều nhất, với 7/15 hạng mục chung của toàn trường. Đại diện Viện Điện cho biết, đây là cơ hội để Viện xây dựng được các chương trình đào tạo có chuẩn đầu ra đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật cao trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra một cách mạnh mẽ và định hướng phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam tới năm 2030 tầm nhìn 2045 [2].
Một số hình ảnh PTN của Viện Điện
Thu Trang – Bảo Hà (Ảnh bài – Viện Điện)
[1] https://www.hust.edu.vn/web/vi/du-an-SAHEP
[2] Nghị quyết 55 “về định hướng phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam tới năm 2030 tầm nhìn 2045” của Bộ chính trị