Ngày 4/11, trong khuôn khổ Hội nghị COP 26, 46 quốc gia trong đó có Việt Nam đã ký kết đưa ra tuyên bố chung toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch.
• Việt Nam phấn đấu đạt mức giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050
• Gần 90 quốc gia cam kết cắt giảm khí methane toàn cầu vào năm 2030
“Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, ghi nhận rằng sản xuất điện than là nguyên nhân lớn nhất gây tăng nhiệt độ toàn cầu, nhận định rằng cần khẩn trương mở rộng quy mô triển khai năng lượng sạch để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng”. Bản tuyên bố nêu.
Cùng nhau ký bản tuyên bố chung, các quốc gia nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết làm việc cùng nhau để khiến năng lượng sạch trở thành lựa chọn hợp lý nhất và dễ tiếp cận nhất trên toàn cầu, đồng thời đảm bảo những lợi ích kinh tế và sức khỏe khi chúng ta phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Bản tuyên bố chung cũng thể hiện tầm nhìn chung là cần đẩy nhanh chuyển dịch khỏi sản xuất điện than bởi đây là yếu tố cần thiết để đáp ứng các mục tiêu chung của các nước trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris, theo cách thức mang lại lợi ích cho người lao động và các cộng đồng và đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng với giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người vào năm 2030. Chủ tịch Hội nghị COP 26, ông Alok Sharma đánh giá bản tuyên bố chung sẽ đưa thế giới đến gần với việc ngừng sử dụng than.
Cùng nhau thực hiện các chương trình hành động
Để đạt được mục tiêu của tuyên bố chung, các nước cam kết thực hiện các hành động gồm:
• Nhanh chóng mở rộng quy mô triển khai sản xuất điện sạch và các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả trong các nền kinh tế và hỗ trợ các nước khác làm điều tương tự, ghi nhận sự dẫn đầu của các nước có các cam kết tham vọng, bao gồm thông qua sự hỗ trợ của Hội đồng Chuyển dịch Năng lượng;
“Chúng tôi ghi nhận rằng các quốc gia, người lao động và các cộng đồng tại các nước đang phát triển cần được hỗ trợ để chuyển dịch khỏi than và hiện thực hóa tương lai năng lượng bền vững, bao trùm mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế; và hợp tác quốc tế là cần thiết để thực hiện những hỗ trợ này”. Bản tuyên bố cùng hướng đến việc hỗ trợ các nước đang phát triển.
Thách thức bản tuyên bố thiếu vắng các nước dùng nhiều điện than
So với cam kết cắt giảm khí methane, ngăn chặn phá rừng, các quốc gia tham gia tuyên bố chung dịch chuyển từ năng lượng than sang năng lượng sạch vẫn còn khiêm tốn.
Đặc biệt, các quốc gia sử dụng nhiều điện than như Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Mỹ không tham gia bản tuyên bố chung này được xem như đã phủ bóng lên nỗ lực giành được sự ủng hộ toàn cầu đối với thỏa thuận trên.
Theo báo cáo thống kê về năng lượng thế giới năm 2021 của Tập đoàn BP, Trung Quốc chiếm khoảng 54,3% lượng than tiêu thụ trên toàn thế giới trong năm 2020, Ấn Độ là 11,6%, và Mỹ là 6,1%.
Do đó, bản tuyên bố chung cũng cho rằng “Chúng ta vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ, và chúng tôi kêu gọi các nước khác cùng chung sức với chúng tôi để tăng cường hơn nữa nỗ lực của chúng ta trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu trong những năm tới”.
Bảo Hà
Tham dự và phát biểu tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ngoài ra, phát biểu tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam cam kết giảm 30% khí methane vào năm 2030