Nhân dịp này GS. Kan Akatsu cũng đã có những chia sẻ về sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện với phóng viên Tạp chí Tự động hóa ngày nay.
Theo thứ tự từ trái sang, GS. Kan Akatsu (ĐH Yakohama - Nhật Bản), TS. Nguyễn Kiên Trung (Giảng viên Trường Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội) và Phóng viên Tạp chí Tự động hóa ngày nay đang cùng trò chuyện, chia sẻ về công nghệ trạm sạc xe điện hiện nay bên lề Trường hè Điện tử công suất lần thứ nhất. |
Hạ tầng trạm sạc xe điện rất quan trọng đối với ngành công nghiệp xe điện. Theo Giáo sư, hiện nay những vấn đề nào đang đặt ra cho hạ tầng trạm sạc xe điện trên thế giới?
GS. Kan Akatsu: Đối với hạ tầng trạm sạc, vấn đề kỹ thuật rất quan trọng. Việc xây dựng các trạm sạc công suất lớn, thời gian sạc nhanh vẫn còn nhiều hạn chế, muốn sạc nhanh đòi hỏi công suất lớn. Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung kỹ thuật để nâng cao hạ tầng các trạm sạc.
Hiện nay, các nước trên thế giới đang có xu hướng tăng công suất sạc, nghĩa là muốn sạc nhanh phải tăng công suất, tăng công suất chính là tăng điện áp làm việc lên. Trên thực tế, các chuẩn sạc đã tăng điện áp lên 1000V (vôn), lúc này dòng sạc không thay đổi nhưng khi điện áp tăng lên sẽ kéo theo công suất sạc tăng lên.
Đối với Nhật Bản thì vấn đề này như thế nào, thưa Giáo sư?
GS. Kan Akatsu: Nhật Bản hiện nay chưa chuyển đổi hoàn toàn xe điện, mà vẫn đang phổ biến công nghệ xe Hybrid (giữa xăng và điện). Hạ tầng trạm sạc tại Nhật Bản chủ yếu là các trạm sạc thông thường, chưa có nhiều các trạm sạc nhanh, mặc dù có một số công ty, doanh nghiệp đang phát triển mảng này nhưng số lượng trạm sạc chưa nhiều. Điều này đang là một vấn đề khó khăn tại Nhật Bản.
Tại Nhật Bản, việc xây dựng các trạm sạc công suất lớn, thời gian sạc nhanh vẫn còn nhiều hạn chế vì liên quan đến vấn đề an toàn. Luật pháp của Nhật Bản rất nghiêm ngặt, chính vì vậy chính sách triển khai vẫn là một câu chuyện dài.
GS. Kan Akatsu đang thảo luận cùng học viên sau bài giảng tại VSSPE’24 |
Giáo sư đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển xe điện tại thị trường Việt Nam?
GS. Kan Akatsu: Theo tôi được biết, Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách đột phá, phát triển năng lượng sạch, giao thông xanh, từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe điện và phụ tùng xe điện của khu vực.
Chính phủ cũng quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc điện đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện ngày càng tăng tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, Công ty Vinfast là một trong những công ty tiên phong trong vấn đề xe điện đang sản xuất cũng như bán các dòng xe điện ra thị trường rất tốt, chất lượng đảm bảo, hướng đến thuần điện. Đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai không xa của Việt Nam.
Ngoài ô tô điện Vinfast hiện nay các hãng ô tô, nhất là các hãng ô tô Trung Quốc đã và đang bán ô tô điện ra thị trường. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, trước bạ để thúc đẩy việc sử dụng ô tô điện. Công nghệ pin và sạc nhanh đang ngày càng được nâng cấp, có thể giúp giảm thời gian sạc và tăng dung lượng pin. Mặt khác, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường và sức khỏe, điều này có thể thúc đẩy sự chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện ngày càng nhanh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, có một số công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đã nghiên cứu đưa ra thị trường dòng xe máy điện, nhận được sự quan tâm rất lớn đối với người tiêu dùng trong nước.
Vậy theo Giáo sư, thách thức đang đặt ra cho dòng xe điện tại Việt Nam là gì?
GS. Kan Akatsu: Tôi cho rằng thách thức lớn chính là giảm giá thành xe và tăng chất lượng, các tính năng dù tốt nhưng giá thành phải giảm thì mới kích cầu được người tiêu dùng.
Muốn giá giảm chúng ta sẽ phải sử dụng các công nghệ mới để giảm kích thước của pin, giảm kích thước các bộ biến đổi trong xe điện. Làm sao vừa giảm giá thành nhưng chất lượng vẫn phải đảm bảo.
Nếu Việt Nam có thể đầu tư tốt vào công nghệ pin, giá thành rẻ thì công nghệ xe điện của Việt Nam có thể phát triển.
GS. Kan Akatsu (ở giữa hàng sau) chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ Trường Điện – Điện tử (ĐH Bách khoa Hà Nội) và học viên Trường hè Điện tử công suất sau bài giảng về Hệ thống truyền tải điện không dây tần số cao phục vụ cho sạc EV. |
Tương lai của xe điện và hạ tầng sạc xe điện trong 5-10 năm tới sẽ như thế nào, thưa Giáo sư?
GS. Kan Akatsu: Trong 5-10 năm tới sẽ giảm khối lượng pin, thay vào đó là phát triển công nghệ pin và công nghệ sạc. Để tiện lợi, người ta sẽ phát triển công nghệ sạc không dây, sạc không dây sẽ có hai loại đó là sạc khi đứng yên và sạc khi chuyển động. Tôi nghĩ trong tương lai sắp tới, sạc không dây theo công nghệ đứng yên sẽ phát triển.
Hiện nay các nước đang hướng đến mục tiêu Net zero, chính vì vậy tương lai dòng xe điện sẽ rất phát triển. Các công ty sản xuất mảng xe điện sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển nhiều loại pin để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặc dù hiện tại vẫn còn những hạn chế về phạm vi hoạt động và thời gian sạc của xe điện, nhưng việc thử nghiệm và phát triển các loại pin có cấu tạo khác nhau mang lại cho ngành công nghiệp cơ hội tốt nhất để vượt qua những rào cản này. Bởi vì một khi những rào cản đó được dỡ bỏ, quá trình chuyển đổi sang điện khí hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng.
Cảm ơn Giáo sư về những chia sẻ trên.
Trường hè Điện tử công suất – VSSPE’24 (Vietnam Summer School on Power Electronics) là một sự kiện học thuật được bảo trợ về chuyên môn bởi Hiệp hội Kỹ sư Điện - Điện tử quốc tế, chi nhánh Việt Nam, phân nhánh Điện tử Công suất (IEEE Vietnam Section, PELS Chapter) cùng Hội Tự động hóa Việt Nam. Trường hè được tổ chức với tầm nhìn về một hoạt động thường niên của phân nhánh dành cho sinh viên, học viên thạc sỹ, nghiên cứu sinh và các kỹ sư nghiên cứu về Điện tử công suất. Trường hè cũng là nơi gặp gỡ, trao đổi chuyên môn, lan tỏa kiến thức của các giáo sư đầu ngành và các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu và trường đại học nổi tiếng trên thế giới. VSSPE’24 được Trường Điện - Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội) phối hợp với Tạp chí Tự động hóa ngày nay tổ chức.
|