Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến chế tạo năm 2023 ước tăng 3,08%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp và sản lượng sản xuất của nhiều ngành công nghiệp quan trọng giảm so với cùng kỳ. Bước sang năm 2024, ngành công nghiệp sẽ tập trung các giải pháp đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng.
• Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 3%
Sáng 20/12, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Công thương, theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) trong năm 2023, Cục Công nghiệp đã chủ động thực hiện tốt công tác điều hành, tham mưu, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ và các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công thương; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp, góp phần đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu của ngành Công Thương trong năm 2023.
Theo đại diện Cục Công nghiệp cho biết, trong năm 2024, ngành công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm – nhất là ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cả từ phía cung và cầu của nền sản xuất thế giới và khu vực – trong đó có Việt Nam. Trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục; việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn; thị trường bất động sản suy giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan.
Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu của năm 2024, Cục Công nghiệp sẽ triển khai thực hiện 3 giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp – đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép,…; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Thứ hai, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Đặc biệt là các chính sách như: Sớm trình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn khoáng sản có giá trị lớn, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới.
Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa đối với các mặt hàng công nghiệp. Có cơ chế tăng cường mua sắm, sử dụng hàng hóa trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu.
Xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp trong ngắn hạn để bảo vệ thị trường trong nước cho các ngành sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Sớm hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2024 – 2025, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, bền vững cho các hoạt động phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường.
Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa,… để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Hà An