Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Tùng |
Theo báo cáo của Liên hiệp hội Việt Nam, tính đến nay, khối tạp chí thuộc hội ngành toàn quốc có 47 cơ quan tạp chí. PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, các tạp chí đã góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng và nhà nước, đồng thời tham gia phổ biến các kiến thức khoa học công nghệ trong từng lĩnh vực chuyên ngành cụ thể, từ đó khẳng định được vị thế của từng tạp chí. Tuy nhiên, hầu hết các tạp chí còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, vì vậy việc tìm ra giải pháp hoạt động cho các tạp chí là vô cùng cần thiết.
Ông Phạm Ngọc Linh phát biểu khai mạc tại hội thảo. Ảnh Hoàng Tùng |
Nhà báo Hồ Quang Hòa, Tổng biên tập Tạp chí Tâm lý - Giáo dục (Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục Việt Nam) chia sẻ, tạp chí trực thuộc các hội ngành toàn quốc không chỉ là phương tiện thông tin chuyên ngành mà còn là diễn đàn trao đổi tri thức, nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục và đời sống.
Với vai trò quan trọng này, các tạp chí đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức xã hội, phát triển chuyên môn và thúc đẩy tiến bộ trong từng ngành nghề. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ của truyền thông hiện đại, sự phát triển của công nghệ thông tin, cùng sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen tiếp nhận thông tin của độc giả, nhiều tạp chí vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn như làm thế nào thu hút độc giả, duy trì chất lượng nội dung, cải thiện doanh thu và đảm bảo sự phát triển bền vững. Cùng với đó sự thiếu hụt về nguồn lực, mô hình quản lý chưa tối ưu và khả năng ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số còn hạn chế, chậm hoặc chưa được cấp phép xuất bản điện tử cũng là những rào cản lớn.
Nhà báo Hồ Quang Hòa đưa ra giải pháp, trước hết phải phân loại được thế nào là tạp chí, báo, và tạp chí khoa học. Đối với tạp chí thuộc hội ngành cần tập trung vào tính chuyên sâu và thực tiễn, đa dạng hóa nội dung, tăng cường kiểm duyệt học thuật, chuyển đổi số báo chí, đa dạng hóa nguồn thu, tối ưu chi phí,... Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản cần xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng, kiểm soát và đánh giá chất lượng thường xuyên thông qua các tiêu chí.
Nhà báo Hồ Quang Hòa khẳng định “để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tạp chí trực thuộc các hội ngành toàn quốc, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, ban biên tập và đội ngũ cộng tác viên”. Ảnh: Hoàng Tùng |
Công tác tại Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y trong nhiều năm, hiểu rõ đặc thù của các tạp chí hội ngành, nhà báo Nguyễn Văn Cảm - Phó Tổng biên tập Tạp chí cho rằng đối với một tạp chí khoa học ngành, bộ máy lãnh đạo và hội đồng biên tập là quan trọng hàng đầu. Do đó, các tạp chí cần kiện toàn cơ cấu tổ chức này theo hướng lãnh đạo phải là người có uy tín, quan hệ rộng rãi, tinh thông nghiệp vụ báo chí, giỏi chuyên môn, tập hợp được quần chúng và có trình độ khai thác và quản lý kinh tế. Hội đồng biên tập phải là các nhà khoa học, các chuyên gia đáp ứng yêu cầu biên tập, phản biện nhằm nâng cao chất lượng khoa học của Tạp chí. Đã là tạp chí khoa học cần hội nhập quốc tế về quy trình, chất lượng, thực hiện chỉ số DOI,...
Ông Nguyễn Văn Cảm nêu rõ, Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y đang nghiên cứu, trong thời gian tới sẽ đăng ký mã định danh tài liệu số để nâng cao hiệu quả và chất lượng của tạp chí. Ảnh: Hoàng Tùng |
Trong bài tham luận của mình, Nhà báo Trần Thị Giang - Tổng biên tập Tạp chí Tự động hoá Ngày nay nhấn mạnh, ứng với tôn chỉ mục đích, các cơ quan tạp chí hầu hết đều có bản sắc riêng, tập trung vào lĩnh vực chuyên ngành tương đồng với cơ quan chủ quản, đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của ngành mình, do đó hàm lượng thông tin báo chí dành cho chuyên ngành là chiếm đa số. Mỗi cơ quan tạp chí thuộc hội ngành đều trở thành diễn đàn thu hút đông đảo cộng đồng những người quan tâm đến lĩnh vực chuyên ngành đó, trong đó có các nhà khoa học, doanh nghiệp, người tiêu dùng, sinh viên,… Đây cũng là thị trường báo chí chính của các tờ tạp chí mà ít bị cạnh tranh bởi số lượng bài hay chuyên mục nào đó của một số tờ báo khác ngoài khối tạp chí thuộc hội ngành.
Bởi vậy, bám vào thế mạnh đặc biệt của báo chí chuyên ngành chính là giải pháp tốt nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động của tạp chí trực thuộc các hội ngành toàn quốc. Đi đúng giá trị cốt lõi của tờ tạp chí cũng là tìm đúng thị trường báo chí của mình và không sợ vi phạm tôn chỉ, mục đích. Cách khai thác vào thị trường ấy tùy vào thế mạnh của từng mảng nội dung mà tờ tạp chí truyền thông, từng cơ quan chủ quản và sự năng động của mỗi cơ quan báo chí. Đây chính là lựa chọn mô hình tăng trưởng theo chiều sâu (bạn đọc trung thành).
Theo quan điểm của nhà báo Trần Thị Giang, phải đạt được 60-70% lượng thông tin chuyên ngành, tăng hàm lượng khoa học, các bài có tính chất chuyên sâu của tạp chí, 30-40% còn lại là các thông tin xã hội hóa, nội dung hấp dẫn độc giả trong và ngoài chuyên ngành (nhưng không sa đà vào tin bài giật gân, câu view,…). Ban biên tập cần làm cho tờ tạp chí đó thực sự là điểm đến của cộng đồng chuyên ngành.
Bà chia sẻ thêm, các phóng viên phải sắc sảo để tìm được đề tài, thông tin phải đáng tin cậy, kịp thời, dù là bài phóng viên viết, phỏng vấn chuyên gia hay là bài chuyên gia. Đồng thời, họ cần sự chỉn chu trong từng tác phẩm truyền thông, tránh cẩu thả trong việc trình bày, câu chữ sẽ làm tăng uy tín của tờ tạp chí.
“Đối với mảng học thuật, nếu có ở một số cơ quan tạp chí cần thực hiện in quyển riêng theo format chuẩn quốc tế. Các bài báo học thuật phải thực sự có chất lượng tốt, quy trình tổ chức bài đảm bảo theo hướng dẫn của Hội đồng giáo sư Nhà nước và cần tiến tới hội nhập quốc tế để được đánh giá cao, đồng thời mang lại giá trị khoa học cho lĩnh vực chuyên ngành. Uy tín của tạp chí và cơ quan chủ quản được nâng lên, thuận lợi cho phát triển nguồn thu.”
Nhà báo Trần Thị Giang - Tổng biên tập Tạp chí Tự động hoá Ngày nay chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Tùng |
Nhà báo Lê Hồng - VUSTA cũng mong muốn người làm báo tạp chí khoa học hãy biến những áp lực tạm thời thành cơ hội, không ngừng nỗ lực cống hiến, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm nhân văn có giá trị thông tin tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu thực sự của số đông độc giả góp phần xây dựng tòa soạn với thương hiệu tạp chí khoa học vững mạnh, đó cũng là góp phần vào công cuộc đổi mới phát triển của báo chí nước nhà.
Nhà báo Lê Hồng nhấn mạnh, trọng trách của nhà báo ở các tạp chí khoa học nặng nề hơn, phải nhận thức sâu sắc vấn đề phổ biến kiến thức, tư vấn phản biện của tạp chí khoa học cũng là cách thu hút công chúng vào tầm ảnh hưởng của mình. Nhà báo của tạp chí khoa học không đơn thuần chỉ là nhà báo đưa tin thông thường. Nhưng làm ra sản phẩm báo chí rồi, các tạp chí phải đổi mới cách phân phối nội dung trên môi trường số, từ đó phát triển kinh tế báo chí số.
Trong nghiên cứu về kinh tế báo chí, mạng xã hội là lựa chọn tất yếu của sự phát triển kinh tế báo chí hiện đại, không chỉ trong lý thuyết mà cả trong đời sống thực tiễn. Số lượng truy cập từ mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng đối với các sản phẩm báo chí điện tử. Tạp chí thuộc hội ngành toàn quốc phải tận dụng mạng xã hội giúp tạp chí mở rộng công chúng mục tiêu là một trong gợi ý của nhà báo Lê Hồng.
PGS.TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, tạp chí thuộc hội ngành chiếm số lượng nhiều nhất trong hệ thống báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam, hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính. Những chia sẻ từ hoạt động thực tiễn của các tòa soạn tạp chí cũng như những giải pháp được nêu ra tại Hội thảo phần nào mang lại kinh nghiệm cho các cơ quan tạp chí thuộc hội ngành.
Hoàng Tùng