acecook

Biến rơm rạ thành 'vàng xanh': Công nghệ đột phá từ đồng ruộng

Nông nghiệp công nghệ cao
30/05/2025 04:04
Khói bụi mù mịt từ đồng ruộng đang dần biến mất ở những vùng sản xuất lúa trọng điểm. Thay vào đó, nông dân đang tạo ra giá trị kinh tế và môi trường từ rơm rạ - nguồn tài nguyên từng bị coi là phụ phẩm cần xử lý.
aa
Biến rơm rạ thành vàng xanh: Công nghệ đột phá từ đồng ruộng
Trồng nấm rơm cho hiệu quả kinh tế cao tại HTX Green Farm, quận Thốt Nốt, Cần Thơ - Ảnh: VGP/LS

Khi rơm rạ không còn là gánh nặng

Tại cánh đồng xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), nắng đầu hè gay gắt trên những thửa ruộng vừa gặt xong. Nhưng không còn cảnh khói mù như những năm trước, nay những đống rơm được tập kết gọn gàng, chờ xe tải đến thu gom.

Sự thay đổi này đến từ các giải pháp công nghệ xử lý rơm rạ đang được triển khai tại nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Mỗi năm, vùng ĐBSCL thải ra khoảng 23 triệu tấn rơm rạ, phần lớn trước đây bị đốt bỏ hoặc vùi xuống ruộng, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo đó, công nghệ xử lý rơm rạ đang được ứng dụng rộng rãi, biến phụ phẩm từng bị coi là gánh nặng thành nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế. Đây là kết quả của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp, được nghiên cứu và phổ biến bởi Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) thông qua dự án RiceEco (Kinh tế tuần hoàn từ rơm để cải thiện đa dạng sinh học và bền vững) với sự hỗ trợ từ Quỹ Hợp tác Mekong-Hàn Quốc (MKCF).

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&MT TP. Cần Thơ cho biết: Nhiều năm qua, tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân cũng như hệ sinh thái nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển mình tích cực từ chính những cánh đồng quen thuộc. Nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và dự án RiceEco, nông dân tại các địa phương như HTX Tiến Thuận (huyện Vĩnh Thạnh), HTX Green Farm (quận Thốt Nốt) đã bắt đầu thay đổi tư duy từ việc xem rơm rạ là chất thải thành một nguồn tài nguyên quý giá.

"Việc biến rơm rạ thành 'vàng xanh' là bước tiến rất đáng ghi nhận trong nông nghiệp bền vững. TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp với các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân để nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của ngành", ông Nghiêm nhấn mạnh.

Công nghệ mở ra hướng đi mới cho nông dân

Một trong những giải pháp đột phá nhất là công nghệ cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ từ rơm. Khác với phương pháp thủ công truyền thống, công nghệ mới sử dụng hệ thống máy đảo trộn hiệu suất cao, có thể xử lý 30-50 tấn rơm mỗi giờ.

"Công nghệ này kết hợp cơ giới hoá và vi sinh để tối ưu quá trình phân hủy rơm, cho ra phân bón sinh học chất lượng cao chỉ trong 30-45 ngày, nhanh hơn nhiều so với phương pháp thủ công trước đây cần đến 90 ngày", TS. Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia khoa học cao cấp từ IRRI trả lời Báo Điện tử Chính phủ.

Máy đảo trộn được IRRI phối hợp với công ty Tư Sang (tỉnh Tiền Giang) thiết kế có thể xử lý tới 30-50 tấn rơm mỗi giờ cho mỗi lần trộn, tùy theo máy nhỏ hay lớn. Công nghệ này đã được thử nghiệm trên diện tích 250 ha tại ĐBSCL và khu vực lân cận trong khuôn khổ các nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ.

Ông Hồ Thế Huy, Phó Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền cho biết, phân hữu cơ sản xuất từ rơm có chất lượng tốt và nguồn cung khá dồi dào. Nếu áp dụng công nghệ tối ưu sẽ cung cấp thêm được một giải pháp rất hay vừa cung cấp lại dinh dưỡng cho đất, giảm phát thải và nguồn thu nhập cho bà con nông dân.

Ngoài sản xuất phân hữu cơ, công nghệ trồng nấm rơm quy mô công nghiệp cũng được đẩy mạnh. Các mô hình trồng nấm công nghệ cao cho năng suất và chất lượng ổn định, giúp nông dân chủ động sản xuất quanh năm thay vì chỉ vào mùa mưa như trước đây

Biến rơm rạ thành vàng xanh: Công nghệ đột phá từ đồng ruộng
Máy cuốn rơm thu gom rơm rạ trên đồng sau thu hoạch tại Hậu Giang, nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và giảm phát thải - Ảnh: VGP/LS

Hiệu quả kinh tế và môi trường vượt trội

Các thử nghiệm thực tế tại địa bàn triển khai cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt của công nghệ mới. Nông dân áp dụng hệ thống canh tác lúa - rau sử dụng hỗn hợp 30% phân compost từ rơm rạ sản xuất tại chỗ và 70% phân bón vô cơ đã ghi nhận mức tăng 24% về sản lượng, giảm 40% chi phí sản xuất, từ đó thu nhập tăng 40% so với phương pháp canh tác truyền thống.

Tại ĐBSCL, nông dân tham gia dự án đã chuyển đổi sang mô hình tái sử dụng rơm. Trung bình, nông dân sản xuất được khoảng 615 kg nấm mỗi năm từ 5,3 tấn rơm trên mỗi hecta, mang lại thu nhập ròng khoảng 14 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Phân ủ từ bã nấm rơm sau trồng nấm được bán với giá 3,5 triệu đồng mỗi tấn, tạo thêm nguồn thu 15 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX nông nghiệp Tiến Thuận (Cần Thơ) chia sẻ: Trước đây, chúng tôi đốt rơm rạ. Giờ đây, chúng tôi trồng thực phẩm từ nó. Đất của chúng tôi sạch hơn, không khí trong lành hơn và thu nhập gia đình cũng được cải thiện.

Về môi trường, việc chuyển đổi từ đốt rơm sang ủ phân hữu cơ giúp giảm đáng kể lượng khí nhà kính phát thải mỗi vụ trên mỗi hecta đất canh tác. Khi được triển khai áp dụng trên diện rộng, giải pháp này sẽ đóng góp đáng kể vào các cam kết giảm phát thải quốc gia và cải thiện chất lượng không khí tại các vùng nông thôn.

Mô hình hợp tác: Chìa khóa thành công

Điểm đặc biệt của các giải pháp công nghệ được phát triển là khả năng áp dụng ở cả quy mô lớn và nhỏ, phù hợp với điều kiện sản xuất đa dạng của nông dân Việt Nam.

Tại ĐBSCL, HTX nông nghiệp Tiến Thuận đã trở thành một mô hình tiêu biểu khi áp dụng công nghệ này. Các thành viên hợp tác chia sẻ thiết bị, tổ chức tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật cho nhau đã giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu, đồng thời tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận công nghệ và thị trường dễ dàng hơn.

Trước đây, rơm trên ruộng chỉ bán được với giá 25 USD mỗi ha, nay với phương pháp trồng nấm và sản xuất phân sinh học, giá trị này tăng lên từ 50 đến 70 USD mỗi ha, gấp ba lần giá trị ban đầu, biến rơm thành một khoản đầu tư ít rủi ro nhưng mang lại lợi nhuận cao.

Ông Madhurjya Kumar Dutta, Giám đốc Quỹ Hợp tác Mekong-Hàn Quốc (MKCF), đơn vị hỗ trợ cho nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xử lý rơm tại khu vực, nhận định: Các giải pháp công nghệ xử lý rơm rạ được triển khai trong khuôn khổ dự án RiceEco không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho nông dân và góp phần giảm phát thải khí nhà kính, mà còn giúp xây dựng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng. Mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm tại Việt Nam là một ví dụ thành công có thể được giới thiệu và nhân rộng sang các quốc gia khác trong khu vực Mê Kông, nhằm hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, xanh và có khả năng chống chịu cao.

Hướng tới mục tiêu 1 triệu hecta lúa xanh

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Các công nghệ xử lý rơm rạ đang được đánh giá là một trong những giải pháp then chốt để hiện thực hóa tầm nhìn này.

TS. Nguyễn Văn Hùng cho biết: Với kết quả thành công từ mô hình thí điểm, chúng tôi đang lên kế hoạch nhân rộng trong trong giai đoạn 2025-2026, tăng cường hợp tác với chính quyền địa phương, hợp tác xã và các công ty nông nghiệp. Đây không chỉ là chuyển đổi công nghệ, mà còn là chuyển đổi tư duy. Chúng ta đang thay đổi cách nhìn về rơm rạ - từ phụ phẩm cần xử lý thành nguồn tài nguyên quý giá trong nền kinh tế tuần hoàn.

Các chuyên gia cũng đang tiến hành nghiên cứu khả năng kết nối nông dân với thị trường tín chỉ carbon, nhằm ghi nhận những đóng góp của họ trong việc cắt giảm phát thải. Nếu thành công, đây sẽ là nguồn thu nhập bổ sung, đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của người nông dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với những bước tiến vững chắc từ công nghệ và mô hình hợp tác mới, con đường biến rơm rạ thành "vàng xanh" đang rộng mở, hứa hẹn một tương lai bền vững hơn cho nông nghiệp Việt Nam và khu vực Mekong.

chinhphu.vn
mca
Tin bài khác
Tin tức ngân hàng nổi bật tuần qua: Hàng loạt chiến lược mới thu hút khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng

Tin tức ngân hàng nổi bật tuần qua: Hàng loạt chiến lược mới thu hút khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng

Tuần qua, nhiều ngân hàng đã có những động thái quan trọng nhằm mở rộng dịch vụ và thu hút khách hàng với hàng loạt diễn biến đáng chú ý liên quan đến hoạt động kinh doanh, chiến lược nhân sự như: Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 - Đưa Việt Nam tăng trưởng hai con số; Vietcombank đẩy mạnh tín dụng, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững; Sacombank đồng hành cùng doanh nghiệp,...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ, AI và CNTT

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn giải pháp phát triển nhân lực khoa học công nghệ, AI và CNTT

Tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin và công nghiệp bán dẫn - nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.
Tạp chí Đo lường, Điều khiển và Tự động hóa (MCA) tiếp tục được công nhận đến 1 điểm

Tạp chí Đo lường, Điều khiển và Tự động hóa (MCA) tiếp tục được công nhận đến 1 điểm

Ngày 11/7, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước Nguyễn Kim Sơn đã ký ban hành Quyết định số 26/QĐ-HĐGSNN phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của 28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành năm 2025
Tử vi vòng quay công nghệ ngày 12/7/2025: Tuổi Tuất dễ gặp căng thẳng, tuổi Mùi gặp tích cực

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 12/7/2025: Tuổi Tuất dễ gặp căng thẳng, tuổi Mùi gặp tích cực

Những bí ẩn của khoa học đời sống là "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tử vi vòng quay công nghệ xem tử vi 12 con giáp ngày 12/7/2025 cho tất cả các tuổi nhằm dự đoán vận hạn về công danh, tiền bạc, tình duyên, sức khỏe...
Thị trường chứng khoán ngày 11/7: Tín hiệu điều chỉnh đang hình thành?

Thị trường chứng khoán ngày 11/7: Tín hiệu điều chỉnh đang hình thành?

Dù tiếp tục ghi nhận phiên tăng điểm, thị trường ngày 11/7 đang phát đi tín hiệu thận trọng khi VN Index hình thành cây nến Doji với bóng trên dài – dấu hiệu cho thấy áp lực chốt lời đang tăng dần sau chuỗi phiên tăng nóng. Dòng tiền vẫn hoạt động tích cực như không có sự lan tỏa rộng và sự phân hóa ngày càng rõ rệt giữa các nhóm ngành.
Hội Tự động hóa Việt Nam và ENVIVA hợp tác phát triển AI phục vụ sản xuất và đào tạo

Hội Tự động hóa Việt Nam và ENVIVA hợp tác phát triển AI phục vụ sản xuất và đào tạo

Ngày 11/07, tại Hà Nội, Hội Tự động hoá Việt Nam (VAA) đã ký biên bản hợp tác với Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ ENVIVA.
Để AI “chiếm lĩnh” cuộc sống ở mức độ nào là do tính toán của con người

Để AI “chiếm lĩnh” cuộc sống ở mức độ nào là do tính toán của con người

Những năm gần đây, AI đang dần chiếm ưu thế và can thiệp quá nhiều vào đời sống con người. Thậm chí, với nghề viết và ngành giáo dục, AI cũng đã len lỏi và can thiệp mỗi ngày một sâu sắc,…
Đâu là “khắc tinh” của các tổ chức không có giải pháp bảo mật đảm bảo?

Đâu là “khắc tinh” của các tổ chức không có giải pháp bảo mật đảm bảo?

Báo cáo tình trạng an ninh mạng trong lĩnh vực công nghệ vận hành (OT) toàn cầu năm 2025, với hơn 550 chuyên gia OT được khảo sát cho thấy các tổ chức đang coi trọng bảo mật OT hơn. Điều này được thể hiện ở sự gia tăng đáng kể trong việc phân công trách nhiệm về rủi ro OT cho các lãnh đạo cấp cao nhất (C-suite), cùng với việc số lượng các tổ chức tự báo cáo có cải tiến, tăng trưởng về bảo mật OT đã ở mức cao hơn.
Tự động hóa là nền tảng để công nghiệp sản xuất phát triển

Tự động hóa là nền tảng để công nghiệp sản xuất phát triển

Ngày 9/7/2025, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Từ tự động hóa đến sản xuất xanh”. Hội thảo do Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh (HAuA) phối hợp với Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh (CSID) cùng Công ty TNHH COEX VINA tổ chức, với sự đồng hành của các đối tác, các Hiệp hội chuyên ngành và các tổ chức ngành nghề liên quan.
Hành trình từ tự động hóa đến “chìa khóa” bán dẫn quốc gia

Hành trình từ tự động hóa đến “chìa khóa” bán dẫn quốc gia

Trong bối cảnh ngành bán dẫn đang trở thành tâm điểm của cuộc đua công nghệ toàn cầu, INTECH GROUP - doanh nghiệp vốn nổi bật trong lĩnh vực tự động hóa và công nghệ cao, đang từng bước khẳng định vị thế mới bằng những chiến lược đầu tư bài bản, dài hơi. Không chỉ tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn, INTECH GROUP còn nuôi tham vọng góp phần hình thành hệ sinh thái bán dẫn “Make in Vietnam”, hướng đến chủ động công nghệ lõi, nâng tầm năng lực quốc gia.
Quảng cáo
moxa