Chiều 19/6, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2024 và gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1945 – 21/6/2024). Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi họp báo và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các phóng viên, nhà báo theo dõi, đồng hành cùng ngành Công thương, Bộ Công thương trong suốt thời gian qua.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong 6 tháng năm 2024, ông Bùi Huy Sơn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Công thương) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, ngành Công thương đã vượt khó để phục hồi và đạt vượt mức kế hoạch trên hầu hết các chỉ tiêu được giao.
Theo ông Bùi Huy Sơn, nửa đầu năm xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,3%). Xuất khẩu tăng ở các khu vực kinh tế và tăng cao ở nhóm doanh nghiệp trong nước (5 tháng đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô – 5 tháng ước đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%).
Nông sản tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 2,3%), tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Một số mặt hàng nông sản tăng cao như: Cà phê, gạo, chè,…
Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,4 tỷ USD) và chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô (5 tháng xuất siêu 19,27 tỷ USD). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành trong 6 tháng đầu năm ước đạt 3.106 nghìn tỷ, tăng 8% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2023 tăng 1,8%).
Dù đạt được những kết quả tích cực, song theo lãnh đạo Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa đồng đều. Cùng đó, hoạt động sản xuất và cung ứng năng lượng, đặc biệt là đối với điện và xăng dầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn do biến động giá cả xăng đầu trên thị trường trong nước và quốc tế; tình hình thời tiết, thủy văn không ổn định gây ảnh hưởng đến cung – cầu về điện.
Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, xuất khẩu tăng có đóng góp của sự gia tăng về giá (đặc biệt là các mặt hàng nông sản, năng lượng) và gia tăng giá cước vận tải (do tác động của các xung đột chính trị) và sự lên giá của đồng đô la; xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI; một số mặt hàng xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ,… tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, ngành Công thương tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, các giải pháp về khơi thông sản xuất, phát triển ổn định nguồn cung cho xuất khẩu và thị trường trong nước; đảm bảo an ninh năng lượng; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến, chế tạo để mở rộng sản xuất.
Hà An