Thương mại điện tử đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025. Vì vậy, làm thế nào để thực hiện hợp đồng điện tử an toàn là vấn đề cấp thiết được cơ quan nhà nước và doanh nghiệp hết sức quan tâm.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Hương Duyên |
Gần 49.000 doanh nghiệp tham gia hợp đồng điện tử
Ngày 15/10 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử (TMĐT) với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn”. Sự kiện nhằm cung cấp nhiều thông tin quan trọng về ứng dụng hợp đồng điện tử và tạo không gian trao đổi giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai hợp đồng điện tử an toàn trên toàn quốc trong giai đoạn 2024 - 2025 cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi số, thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới.
Đề cập đến tính cấp thiết của chuyển đổi số và TMĐT, tại diễn đàn, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động không ngừng, khả năng linh hoạt và sẵn sàng chuyển đổi là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. TMĐT đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025. Quá trình này không chỉ mở ra cơ hội lớn mà còn thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và đạt những bước tiến quan trọng.
Trong những giải pháp được coi trọng và áp dụng hiện nay là ứng dụng hợp đồng điện tử. Tại diễn đàn đại diện các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp đều đánh giá về tầm quan trọng của hợp đồng điện tử trong các giao dịch TMĐT.
Hợp đồng là hình thức thể hiện cơ bản của các mối quan hệ dân sự và thương mại, là khởi đầu của các quy trình giao dịch trong đời sống xã hội và hoạt động kinh tế. Do vậy, giao kết hợp đồng trên môi trường điện tử cũng là một trong những vấn đề mấu chốt của quy định pháp luật về giao dịch điện tử, được thể hiện trong Luật mẫu của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) về TMĐT và Công ước Liên hợp quốc về giao kết hợp đồng sử dụng chứng từ điện tử. |
Đề cập đến tình hình thực hiện hợp đồng điện tử tại Việt Nam, bà Lê Hoàng Oanh cho hay, trong quá trình thực thi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) về TMĐT, đã có 11 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (gọi tắt là CeCA: VIETTEL, VNPT, FPT, CMC, VNPAY,… ) đã được xác nhận đăng ký để triển khai cung cấp dịch vụ này. Vai trò của các tổ chức trên là đảm bảo về mặt kỹ thuật để quá trình ký kết hợp đồng hoặc giao kết điện tử trên môi trường trực tuyến được diễn ra an toàn.
Các tổ chức CeCA cung cấp một hạ tầng số giúp doanh nghiệp, người dân sử dụng hợp đồng điện tử được bảo vệ bởi các công nghệ xác thực và tin cậy, hướng tới kết nối kỹ thuật và hỗ trợ các bên thứ 3 như cơ quan thuế, ngân hàng, các tổ chức tài chính và cơ quan giải quyết tranh chấp thực hiện các nghiệp vụ liên quan. Những tổ chức này đóng vai trò bảo vệ giá trị pháp lý cho hợp đồng điện tử và tạo niềm tin cho các bên tham gia, bao gồm cả người dân và doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 8/2024, hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của gần 49.000 doanh nghiệp - minh chứng cho sự phát triển tích cực của dịch vụ này.
Doanh nghiệp thích ứng và phát triển hợp đồng điện tử an toàn
Đề cập đến việc ứng dụng hợp đồng điện tử, ông Đỗ Kế Công - Giám đốc Trung tâm chữ ký số và hợp đồng điện tử VNPT cho biết, đến năm 2024, VNPT đã cung cấp hơn 1 triệu hợp đồng điện tử trong nhiều lĩnh vực: cung cấp dịch vụ viễn thông, điện, nước; ngân hàng, chứng khoán; vận tải, giao dịch của các doanh nghiệp SME,…
Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là nhu cầu tất yếu đối với mọi doanh nghiệp. Họ cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ để cải thiện quy trình và tối ưu hóa hoạt động. Việc sử dụng Hợp đồng điện tử không chỉ giúp tăng tốc độ, tính linh hoạt, mở ra cơ hội tối ưu hóa các nguồn lực, giảm thiểu rủi ro không đáng có, nhất là khi sự cạnh tranh trên thị trường đang ngày càng khốc liệt. |
Bên cạnh đó, VNPT cũng thừa nhận những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải khi áp dụng hợp đồng điện tử, như chi phí, thủ tục phức tạp và thiếu sự chấp nhận từ các bên thứ ba (như cơ quan thuế, kho bạc). “Để khắc phục hạn chế nêu trên, VNPT đưa ra nhiều giải pháp cải tiến, chẳng hạn như loại bỏ phí khởi tạo chữ ký số và cung cấp các gói ký với chi phí linh hoạt chỉ từ 1.000 đồng/lượt ký,…” - ông Đỗ Kế Công chia sẻ.
Đồng thuận ý kiến trên, ông Nguyễn Đăng Triển đại diện Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết, khi việc ký kết trên môi trường điện tử càng trở nên phổ biến thì chúng ta càng phải cẩn trọng hơn nữa. Việc sử dụng chữ ký số của đơn vị được cấp phép, có uy tín sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, đặc biệt khi chữ ký số có đính kèm cả dấu thời gian và định danh eKYC tại thời điểm ký, thì cả doanh nghiệp lẫn cá nhân tham gia ký kết tài liệu hay hợp đồng trên môi trường điện tử đều có thể yên tâm hơn cả bản giấy truyền thống.
Ông Trần Mạnh Cường - Phó Tổng giám đốc VNPAY cũng khẳng định rằng, các nền tảng dịch vụ tích hợp là động lực quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả áp dụng hợp đồng điện tử cho doanh nghiệp. Ông cho biết, giải pháp VNeDOC của VNPAY không chỉ cung cấp sự an toàn cho khách hàng mà còn thúc đẩy quy trình ký kết nhanh chóng và thuận tiện. Giải pháp chữ ký số VNPAY-CA cho phép thao tác nhanh chóng trên nhiều thiết bị, đảm bảo tiêu chuẩn bảo mật cao, ngăn ngừa giả mạo và rút ngắn thời gian giao dịch.