Trong bối cảnh ngành công nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, sự kiện “Khởi động Chuỗi sự kiện Quốc tế 2025: Công nghiệp, Phòng sạch, Lạnh và Điều hoà không khí” và tọa đàm “Liên kết chuỗi cung ứng & Phát triển bền vững ngành công nghiệp Việt Nam” đã diễn ra sáng ngày 9/1, tại Hà Nội.
Đây là sự kiện quan trọng, mở đầu cho các hoạt động kết nối doanh nghiệp và xúc tiến thương mại trong năm 2025, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững cho ngành công nghiệp Việt Nam.
Quang cảnh chương trình |
Cơ hội từ xu hướng toàn cầu
Với xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển đổi xanh, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất tiềm năng trong khu vực. Theo Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, ngành công nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân từ 7,0-7,5%/năm trong giai đoạn 2020-2025 và tiếp tục đạt từ 7,5-8,0%/năm trong giai đoạn 2026-2035, góp phần đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng thời, các ngành công nghiệp phụ trợ như phòng sạch, lạnh và điều hòa không khí cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này đã và đang đặt ra yêu cầu cao về công nghệ sản xuất sạch và bền vững, một lĩnh vực mà Việt Nam cần tăng tốc để bắt kịp tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chiến lược, coi đây là nền tảng thúc đẩy hiện đại hóa và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại trong khu vực, tập trung phát triển các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như sản xuất xanh, năng lượng tái tạo, tự động hóa và công nghệ cao. Ngoài ra, nghị quyết khuyến khích đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ lắp ráp, thử nghiệm đến thiết kế và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.
Phát biểu khởi động Triển lãm VIETINDUSTRY 2025, TS. Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, trong năm vừa qua, các doanh nghiệp lớn, trong đó có Tập đoàn INTECH, đã có nhiều hoạt động rất thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như cung cấp thông tin giá trị cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong giai đoạn hiện nay và những năm sắp tới, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ đóng vai trò trọng tâm trong công cuộc đổi mới công nghệ và phát triển chuyển đổi số của Việt Nam. Từ tháng 9 đến nay, Tổng Bí thư và Bộ Chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều phát biểu và ban hành các nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển công nghệ. Đặc biệt, những nghị quyết này nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp không chỉ trong quá trình đổi mới công nghệ nhằm nâng cao trình độ công nghệ quốc gia. Doanh nghiệp, cùng với người dân, vẫn giữ vai trò trung tâm trong việc tạo ra các đột phá phát triển kinh tế. Đồng thời, các nhà khoa học sẽ đảm nhận vai trò then chốt, đúng với tinh thần của Nghị quyết 57 do Bộ Chính trị vừa ban hành ngày 22 tháng 12.
Theo TS. Nguyễn Quân, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang hoạt động trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt ở trong nước. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, vốn đã được triển khai trong vài năm qua, thông qua chương trình chuyển đổi số quốc gia và hiện nay đã được nâng cấp thành một cuộc cách mạng chuyển đổi số thực sự.
TS. Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) |
Hiện nay, chúng ta phải đối mặt với nhiệm vụ kép: vừa tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, không chỉ thực hiện chuyển đổi số, chúng ta còn phải thực hiện chuyển đổi xanh để đảm bảo phát triển bền vững. Không chỉ thực hiện chuyển đổi số, chúng ta còn phải thực hiện chuyển đổi xanh để đảm bảo phát triển bền vững.
“Chúng tôi cũng mong muốn rằng, các doanh nghiệp có mặt ngày hôm nay sẽ hoàn thành công cuộc chuyển đổi số cho chính doanh nghiệp mình. Tất nhiên, chuyển đổi số là một hành trình dài, bởi mỗi ngày lại xuất hiện những nền tảng số mới, đòi hỏi sự cập nhật liên tục để hoàn thiện quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Chính sự thành công trong chuyển đổi số sẽ giúp chúng ta nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đủ sức cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Qua đó, chúng ta sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong bối cảnh hiện nay, không có tập đoàn nào có thể tồn tại nếu thiếu sự hợp tác, liên kết và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu” – TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Khởi động Triển lãm CLEANFACT&RHVAC 2025, TS. Tạ Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và Điều hòa không khí Việt Nam chia sẻ, khởi động chuỗi sự kiện quốc tế 2025 là chủ đề tập trung vào lĩnh vực Công nghiệp, Lạnh, Điều hòa không khí, và Công nghệ Phòng sạch tại Việt Nam. Đây là một hình thức hoạt động mới, mang tính tích hợp cao. Theo TS. Tạ Quang Ngọc, đối mặt với những thách thức lớn mà lĩnh vực này cần tập trung giải quyết:
Trước hết, là việc cập nhật và áp dụng các công nghệ tiên tiến. Đây không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn phục vụ tốt hơn cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần tìm cách ứng phó với biến đổi khí hậu, thông qua tiết kiệm năng lượng và từng bước thực hiện lộ trình loại trừ khí nhà kính từ các môi chất lạnh truyền thống. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ, nhưng cũng là nhiệm vụ cấp thiết mà cả ngành cần chung tay giải quyết.
Có nhiều cơ hội nhưng chưa biết nắm bắt
Bên cạnh sự kiện “Khởi động Chuỗi sự kiện Quốc tế 2025: Công nghiệp, Phòng sạch, Lạnh và Điều hoà không khí” đã diễn ra tọa đàm “Liên kết chuỗi cung ứng & Phát triển bền vững ngành công nghiệp Việt Nam” nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp Việt trong việc thực hiện chuỗi liên kết, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư kể từ năm 2023 đến nay, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đang chuyển sự quan tâm và dần chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Chính vì thế, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sẽ tăng được khả năng cạnh tranh với các đối tác trong và ngoài nước.
Mặc dù thời gian qua, Chính phủ cũng đang tạo ra nhiều cơ chế, chính sách với mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất lớn cung cấp mặt hàng đa dạng chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Nhưng, thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá lúng túng, chưa chủ động tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
TS. Dương Nguyên Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) phát biểu tại phiên thảo luận. |
Theo ông Lê Kỳ Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam chia sẻ, mặc dù cơ hội có nhưng doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn hạn chế về tính cạnh tranh, đó là nội tại và quản lý.
Đồng quan điểm với ông Nam, TS. Dương Nguyên Bình, Phó chủ tịch thường trực Hội Tự động hóa Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ, vai trò của hội/hiệp hội nghề nghiệp trong đó có Hội Tự động hóa Việt Nam rất quan trọng. Doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu không có sự gắn kết, hỗ trợ từ các hội/hiệp hội sẽ rất khó khăn trong quá trình hội nhập cũng như phát triển doanh nghiệp.
TS. Dương Nguyên Bình hy vọng, thông qua các sự kiện các hội/hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp sẽ có sự gắn kết chặt chẽ, chủ động kết nối để hiểu rõ và tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải để tiếp cận những công nghệ cao, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp.
Là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong các chuỗi cung ứng, ông Cao Đại Thắng, Chủ tịch hội đồng quản trị Intech Group đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như làm thế nào để hội nhập sâu rộng. Ông Thắng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu, nắm rõ chương trình và đối tác, phải đạt chứng chỉ đề ra cũng như đủ năng lực, hệ thống quản lý chặt chẽ, bởi lẽ liên kết chuỗi cung ứng cần có sự xây dựng và sự cam kết giữa các bên.
Từ ngày 11-13/9/2025, Chuỗi sự kiên quốc tế 2025 với quy mô dự kiến 500 gian hàng từ hơn 300 doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trên không gian tổ chức hơn 10.000 m2 tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (NECC), chuỗi sự kiện dự kiến thu hút hơn 8000+ khách tham quan, là các chủ đầu tư, các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực như Phân phối, cung ứng dịch vụ, thi công lắp đặt, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn đầu tư, các chuyên gia, kỹ sư, giảng viên hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp, Phòng sạch, Lạnh & Điều hoà Không khí,... |