Rượu nếp của bà tôi |
Vại bia hơi của người hà Nội |
Sống trong thời đại tin học, người Hà Nội bây giờ đã quen với các thông tin bằng hình ảnh. Để tìm biểu trưng cho Hà Nội, từng có cuộc thi vẽ logo Hà Nội và rồi hình Khuê Văn Các được chọn làm biểu trưng cho Thủ đô ngàn năm văn hiến. Chọn logo biểu trưng cho Câu lạc bộ Ẩm thực Việt Nam, chúng tôi lấy hình cái niêu đất có từ thời văn hóa Đông Sơn cổ xưa. Còn biểu trưng cho ẩm thực Thăng Long là gì? Có thời, Công ty Ăn uống Hà Nội đã chọn hình chiếc cốc vại đặt bên cái bát đang nghi ngút bốc khói. Có lẽ vị họa sĩ nào đó muốn chọn hình ảnh của vại bia hơi và bát phở Hà Nội chăng?
Phở Hà Nội thì quá rõ rồi. Biết bao nhà ẩm thực học Hà Nội của nhiều thế hệ đã luận bàn, ngợi ca về món phở dân tộc đậm đà bản sắc Hà Nội. Còn bia hơi? Bia rõ ràng là thức uống ngoại lai nhưng trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay, chẳng có nước nào dám độc quyền cho bia là sản phẩm riêng của mình. Người Hà Nội cũng có thể tự hào mà nói rằng bia hơi là một trong những thức uống đậm đà bản sắc của dân Hà Nội. Nhiều người đã ví: người nông dân Việt hiền lành chất phác như củ khoai, củ sắn. Củ sắn, củ khoai, củ mì đâu có phải là cây gốc Việt, mà đều là cây từ châu Mỹ nhập vào đấy chứ. Vậy nếu nói bia hơi là thức uống của người Hà Nội thì có sao đâu. Vả lại, đố ai có thể tìm ra nơi nào trên trái đất này có loại cốc được sử dụng bền lâu như những vại bia hơi của người Hà Nội.
Cách đây ngót chục năm, Jeffrey, anh bạn người Mỹ của tôi, một nhà nghiên cứu cổ sinh vật học có tiếng và cũng là tay sành bia có hạng, đến làm việc ở Hà Nội. Việc xong, cả nhóm kéo nhau đi uống bia bên gốc cây si gần Nhà hát lớn. Theo anh bạn tôi thì vị men bia Hà Nội vô cùng đặc biệt và nó chẳng kém bất kỳ một loại bia nào trên thế giới. Trong các quán bia ở Hà Nội còn có một thứ mà chẳng nơi nào có được. Đó chính là chiếc cốc vại thủy tinh màu xanh xanh, trăng trắng, đùng đục sần sùi, cầm thì nặng tay, thành cốc đổ mồ hôi lạnh toát. Có thể nhìn rõ lớp bọt bia trắng xốp phồng trên miệng, những dòng tăm sủi bọt liên tục nổi lên từ đáy cốc. Cốc rất dày nên tha hồ nâng lên hạ xuống, chạm cốc canh cách thoải mái mà không sợ vỡ. Anh bạn tôi may mắn xin được chị bán hàng đôi cốc vại Hà Nội, đem về xếp cạnh mấy chục loại cốc bia của đủ các hãng bia khác nhau trên thế giới. Cho đến bây giờ, anh vẫn luôn tự hào về hiện vật độc đáo mang đậm màu sắc Hà Nội này trong bộ sưu tập độc nhất vô nhị của anh trên đất Mỹ.
Bia rót vào vại đầy, bọt sùi lên có ngọn, người rót bia còn dùng một cái gạt gạt ngang cốc và chờ cho lớp bọt trên cùng tan đi lại tiếp tục rót thêm cho thật đầy. |
Có một lần, biết tôi là dân bia Hà Nội sang, nhóm bạn ẩm thực Pháp rủ tôi đến một quán bia bình dân ở Paris. Tôi bảo hãy chọn một cửa hàng nào có bia hơi. (Lúc đó tôi nghĩ bia chai, bia lon thì đắt tiền, vả lại tôi cũng thích uống bia hơi hơn bia chai hay bia lon.) Khi vào đến quán mới vỡ lẽ rằng bên Pháp cũng như ở nhiều nước khác, với cùng một mác bia, thì giá của bia hơi là đắt hơn cả. Bia chai và bia lon chỉ thuận lợi cho việc đi dã ngoại hay cất trữ trong nhà, giá rẻ hơn và chưa chắc uống đã sang hơn bia hơi. Người ta đem cho tôi một bảng danh mục các loại bia hơi có trong cửa hàng với tên của đủ các loại bia trên thế giới, trông hoa cả mắt và giá thì đắt khủng khiếp nếu so với bia hơi ở ta. Tôi tò mò muốn nếm thử mỗi loại một chút cho biết cái vị của các loại bia xem sao. Thật lạ lùng, với mỗi loại bia khách gọi, người phục vụ lại dùng một loại cốc riêng với nhãn hiệu và kiểu dáng đặc trưng, đến cả chiếc đế lót cốc bằng các tông dày cũng in logo của loại bia đó. Thì ra ở đây, chiếc cốc uống bia được coi như màu cờ, sắc áo của từng loại bia. Thấy người nâng cốc là biết ngay họ đang uống bia gì, của hãng nào. Có điều đáng chú ý là tuy hình dạng, nhãn hiệu các loại cốc có khác nhau nhưng cốc bia bao giờ cũng được đong rất cẩn thận. Bia rót vào vại đầy, bọt sùi lên có ngọn, người rót bia còn dùng một cái gạt gạt ngang cốc và chờ cho lớp bọt trên cùng tan đi lại tiếp tục rót thêm cho thật đầy.
Hóa ra cùng là bia cả nhưng ở mỗi nơi, mỗi chỗ, cách uống, cách bán hàng và cả cái thú uống trong cốc loại gì cũng chẳng giống nhau. Chẳng cứ gì Việt Nam khác với bên Mỹ, bên Pháp. Cứ đem so cách uống bia hơi và cái cốc uống bia hơi của người Hà Nội với người Sài Gòn và các vùng miền thôi cũng đã khác nhau nhiều lắm rồi. Tỉ mỉ hơn, nếu đem so sánh những chiếc vại bia của từng nhà hàng ở ngay Hà Nội thôi, chắc chắn bạn sẽ có được những điều bất ngờ vô cùng thú vị. Chính vì thế, tôi phải tìm lại lai lịch của cái cốc vại Hà Nội xem sao.
Cái cốc thủy tinh có ở Việt Nam từ bao giờ? Cốc vại Hà Nội ở đâu ra?
Không biết thì hỏi. Tôi gọi điện cho Giáo sư Trần Quốc Vượng:
- Thưa cụ, từ “cái cốc” trong tiếng Việt ta là ở đâu ra ạ?
Cụ trả lời ngay:
- Ồ, từ từ "cup", do các giáo sĩ Tây phương đem vào trong thế kỷ 18.
Tôi cũng đã nghĩ đến từ "cup" hay từ "cocktail" trong tiếng Anh nhưng chưa dám tin ngay vì cho rằng dân ta chịu ảnh hưởng từ tiếng Pháp là chính, chứ tiếng Anh vào ta hẳn là muộn hơn. Cái tách uống trà hay cà phê thì ta mượn từ từ "tasse" của tiếng Pháp. Còn cái cốc thủy tinh người Pháp gọi là "verre". Nếu bắt chước từ tiếng Pháp thì phải gọi là “ve”, sao lại gọi là “cốc”?
Tôi lại quay số hỏi nhà ngôn ngữ học Lý Toàn Thắng.
Ông Thắng bị tôi đặt câu hỏi bất ngờ nên trả lời: "Tớ không rõ lắm, nhưng nếu muốn biết nó có gốc từ chữ Hán hay không thì nên hỏi bác Vương Lộc, chuyên gia đầu ngành."
Bác Lộc cho biết: cái cốc không có gốc từ chữ Hán mà có lẽ từ từ "cup" của phương Tây. Trong tiếng Việt chỉ có từ chén thôi.
Tôi nhớ có lần hỏi chị Xuân là người Mường, gốc ở Hòa Bình thì được biết là trong tiếng Mường cũng chỉ có từ “cái chén” để chỉ chén rượu, chén nước.
Trao đổi lại với anh Thắng, anh khuyên: "Cậu thử tra từ điển Bồ Đào Nha xem sao vì thời đó, các giáo sĩ đến Việt Nam đều dùng tiếng Bồ Đào Nha.”
Bí quá, kiếm đâu ra từ điển Việt - Bồ bây giờ? Chợt nhớ ra Giáo sư Rùa học Hà Đình Đức. Ông Đức đã có thời đi “gõ đầu trẻ” ở Angola bằng tiếng Bồ Đào Nha, hẳn là ông phải biết.
Gọi cho Giáo sư Hà Đình Đức, bị hỏi đột ngột nên ông ậm ừ: "Lâu quá chẳng dùng đến tiếng Bồ, quên sạch cả rồi. Thôi được, để tra từ điển, tìm ra mình sẽ gọi lại nhé!"
Mấy phút sau, tôi nhận được kết quả: "Ồ đây rồi! Từ cốc trong tiếng Bồ viết là copa và cũng đọc là cô pa!"
Bắt chước các tay làm khoa học láu cá chuyên thuổng của người này người nọ mỗi người một tí rồi thêm vào cái chữ ký, thế là có một công trình! Tôi thử làm cái việc chắp gắn xem sao. Tuy nhiên, khác bọn họ, mượn ý của ai tôi cứ xin trình cho rõ.
Từ cốc có nguồn gốc từ châu Âu đưa vào, không phải là từ gốc Việt hay Mường (ý của cụ Vượng, ông Vương Lộc, cô Xuân).
Từ cốc vào Việt Nam cùng với các cha cố trong thế kỷ 18 (cụ Vượng).
Các cha cố đầu tiên vào Việt Nam là người Bồ Đào Nha và dùng tiếng Bồ Đào Nha (Ông Thắng).
Trong tiếng Bồ Đào Nha, từ cốc viết là copa, đọc là cô pa (Ông Đức).
Tôi tạm nêu giả thuyết: Cái cốc thủy tinh được du nhập vào đời sống, văn hóa Việt Nam chí ít cũng từ thế kỷ 18. Đầu tiên có thể do các giáo sĩ phương Tây người Bồ Đào Nha đưa vào. Chiếc cốc tiếng Bồ gọi là “cô pa”, sau đó người Việt gọi chệch đi thành là “cái cốc”.
Từ "cốc vại" sau này chính là để chỉ cái cốc lớn dùng để uống bia hơi phổ biến trong nhiều năm ở Hà Nội, khác với loại cốc uống nước ngọt hay uống chè có kích thước nhỏ hơn.
Những loại cốc và đồ thủy tinh rẻ tiền này được bán buôn ở chợ Bắc Qua... |
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình trung lưu bình thường. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, trong nhà tôi đã có cốc thủy tinh. Có điều, những loại hình cốc trong nhà cũng thay đổi theo năm tháng. Vào những năm 50, trong nhà tôi chỉ dùng có vài chiếc cốc thủy tinh. Đó là một, hai chiếc cốc Tây bằng thủy tinh trong suốt khá dày, thành thấp mà nhà tôi dùng để uống nước lọc. Bố tôi còn có một bộ sáu chiếc cốc pha lê có viền vàng ở gần miệng cốc. Bộ cốc này chủ yếu để bày trong tủ cho đẹp, năm thì mười họa mới đem ra khi có khách quý đến chơi nhà, và thường được dùng để pha nước chanh đá mời khách uống trong mùa hè.
Về sau, vào những năm 60, ở Hà Nội xuất hiện nhiều loại cốc hơn. Có nhiều loại cốc được đúc khuôn bằng cách nấu chảy các mảnh thủy tinh vỡ rồi đúc, thổi thành nhiều loại sản phẩm thủy tinh khác như bình dầu đèn, ống thông phong, lọ mực... Những loại cốc và đồ thủy tinh rẻ tiền này được bán buôn ở chợ Bắc Qua và có ở khắp các chợ nội ngoại thành, các tỉnh. Trong số ấy, đáng chú ý là một loại cốc thủy tinh dáng cao, bên thân có gờ dọc, phần gần miệng không có gờ và nhẵn. Đáy cốc hơi thu lại. Thủy tinh có màu xanh lá cây nhạt hoặc trắng và có nhiều bọt. Đây là loại cốc thường dùng ở các quán, các gánh hàng rong bán nước chè tươi pha đường hay thạch đen, thạch trắng. Có thể nói đó là tiền thân của chiếc cốc vại đựng bia hơi sau này.
Trong những năm 70, 80, nhiều người Việt Nam có cơ hội đi học tập và lao động ở nước ngoài, họ gửi về nhiều thùng đồ từ Tiệp Khắc (cũ), Liên Xô (cũ)... với đủ loại cốc chén khác nhau. Các loại cốc này được bán nhiều ngoài chợ. Sau này, người ta còn nhập về hàng loạt các cốc thủy tinh dày có tay cầm làm đúng kiểu cốc uống bia sản xuất tại Trung Quốc và cả loại cốc uống bia làm bằng nhựa trong, bằng sứ men nâu… Lạ thay, nhiều loại cốc tiện dụng, dung tích chính xác, thích hợp để uống bia và đẹp như thế nhưng hầu như vẫn không được thị trường bia hơi Hà Nội chấp nhận. Người ta vẫn chỉ ưa dùng loại cốc vại thủy tinh bọt thô “cổ truyền” và dung tích thì cực kỳ “uyển chuyển”.
Ngày nay bia Hà Nội không thiếu, đủ loại thương hiệu. Nhưng chiếc cốc vại đựng bia hơi của người Hà Nội vẫn trường tồn với thời gian. Người uống bia hôm nay vẫn cụng ly bằng chiếc cốc vại xù xì thô kệch như thời trước.
Có người nói đùa: "Các cụ chẳng đã có câu ‘Bình cũ, rượu mới’ là gì? Rõ ràng là có nhiều loại bia mới nhưng cốc đựng bia vẫn là chiếc cốc vại đó thôi. Chiếc cốc vại chính là bản sắc văn hóa ẩm thực của Hà Nội còn gì nữa!"
Tất nhiên, cái gì tồn tại được cũng đều có nguyên do. Vậy là tôi thử đi tìm cái "hạt nhân hợp lý" trong chiếc cốc vại xù xì của người Hà Nội.
Ừ, cốc bia thì phải lớn. Dân uống bia mấy ai nhâm nhi như uống trà, cà phê. Có ai lại đi uống bia trong chén hạt mít. Thế nên xét về kích cỡ thì cốc vại là loại cốc “chuẩn” để uống bia.
Uống bia phải có bạn có bè, có không khí, phải nâng lên, hạ xuống liên tục, chẳng lẽ lại chạm cốc bằng cái cốc mỏng tang hay cốc nhựa nhẹ bỗng? Phải dùng cốc vại mới có thể chạm thoải mái, mới vui!
Bia hơi phải giữ lạnh. Cốc vại vừa dày, có bọt lại là thủy tinh nên dùng để đựng bia thì còn gì cho bằng!
Cốc vại làm từ thủy tinh tái chế. Nhỡ cốc có vỡ, bỏ vào lò nấu thì lại có cốc mới, chẳng lo ô nhiễm môi trường như những vật liệu khó phân hủy và không tái chế được.
Giá thành một chiếc cốc vại rất rẻ, có lỡ tay đánh vỡ dăm chiếc thì cũng chẳng thiệt hại gì. Nhà hàng nào mà chẳng thích.
Cái cốc vại tuy to mà lại nhỏ, trông to như thế nhưng thủy tinh lại rất dày... |
Còn một điều vô cùng “hợp lý" mà cũng vô cùng “bất hợp lý", tôi xin cứ nói thẳng ra đây, ấy là cái cốc vại tuy to mà lại nhỏ. Trông to như thế nhưng thủy tinh lại rất dày, chẳng theo một khuôn khổ nào cả. Bạn đã ăn nem chua, bánh gai bao giờ chưa? Trông cái nem, cái bánh thì to thế nhưng bóc hết vỏ độn, phần ruột chỉ nhỉnh hơn cái kẹo bột thôi. Ai chẳng thích chọn cái to, vậy nên nhà hàng cứ độn cho to. Thì cái cốc vại cũng vậy, trông rõ to nhưng lượng bia chứa trong bụng cốc chẳng được là bao. Không tin, xin cứ đong thử thì biết!
Với chừng ấy điều hợp lý, cái cốc vại tồn tại qua biết bao thăng trầm của Hà Nội cũng đúng thôi. Riêng điều cuối cùng này, nó chỉ hợp lý với người bán hàng chứ với chúng tôi, những người bạn thân thiết của bia hơi Hà Nội, thì chẳng hợp lý chút nào. Tuy thật vô lý mà nó vẫn cứ tồn tại, trái với mọi quy luật của sự tiến bộ.
Ôi, cuộc sống trầm luân ngót năm - sáu chục tuổi đời của cái cốc vại Hà Nội cũng thú vị lắm thay!