timtos

Rượu nếp của bà tôi

Văn hoá giải trí
12/01/2025 04:04
Văn hóa giải trí là “món ăn” tinh thần không thể thiếu, mang đến sự thư giãn và cảm hứng cho mọi người. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học, công nghệ - Nơi thường gắn với sự khô khan của máy móc và thiết bị, văn hóa giải trí chính là luồng gió mát, làm mềm mại những điều tưởng chừng khô cứng. Với bài viết "Rượu nếp của bà tôi", Tạp chí Tự động hóa Ngày nay hy vọng sẽ mang đến câu chuyện thú vị tới bạn đọc.
aa
Chè tươi, chè Tàu, chè hạt Bàn về chè và trà
Rượu nếp của bà tôi
Rượu nếp của bà tôi - Ảnh minh họa

Nếu bạn hỏi tôi uống rượu từ bao giờ, tôi có thể trả lời không ngần ngại: Từ lúc lên bốn, lên năm!

Thuở nhỏ, cứ đến ngày tết giết sâu bọ mồng năm tháng Năm, mới tỉnh giấc là chúng tôi đã nghe tiếng rao "Ai rượu nếp đây... Ai rượu nếp nào..." vang ngoài phố. Thế là mẹ tôi gọi bà hàng rượu nếp vào, mua cho mấy chị em chúng tôi mỗi đứa một bát. Cái bát đựng rượu là thứ bát đặc biệt, nhỏ xíu mà lại nông choèn, còn đôi đũa ăn rượu nếp thì vót nhọn một đầu và chỉ nhỉnh hơn đôi kim đan một tí. Bà hàng bán rượu mở tàu lá sen tươi đậy thúng ra, xới cho chúng tôi mỗi người một bát vơi cơm rượu rồi tưới lên một chút rượu nước đục đục. Mùi men rượu thơm lừng quyến rũ. Từng hạt gạo nếp đã lên men trắng ngà chín mọng. Tôi ăn dè, gẩy từng hạt vào miệng để cảm hết cái khoái của vị ngòn ngọt và hơi tê tê, cay cay, nồng nồng của thứ rượu thần kỳ mà mỗi năm, chỉ được thưởng thức một lần vào ngày này, gọi là để giết sâu bọ. Mọi người tin rằng sáng sớm ngày mồng năm tháng Năm mà ăn rượu nếp và hoa quả xanh thì mọi sâu bọ trong ruột sẽ chết hết nên tết này mới được gọi là tết giết sâu bọ. Mẹ tôi cũng ăn một bát, bà còn mua thêm một chai rượu cốt đã đặt trước của bà hàng rượu để uống dần. Chai rượu sánh đặc màu vàng óng như màu mỡ gà nhạt, luôn sủi những hạt tăm nhỏ li ti từ đáy chai. Mẹ tôi pha thêm chút rượu ngang để giữ được lâu và nút miệng chai bằng lá chuối khô.

Rượu nếp của bà tôi
Gạo nếp làm rượu là thứ gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu chứ không sát sạch đi lớp vỏ cám - Ảnh minh họa

Người ta bảo phụ nữ nên uống rượu nếp sau khi sinh nở cho khí huyết lưu thông. Khi con dâu có mang, nhiều bà mẹ chồng đã chuẩn bị sẵn hũ rượu nếp. Rượu nếp cả cái lẫn nước được trữ trong vò và ngâm cùng trứng gà để nguyên cả quả, thêm vào dăm lạng táo tàu và chút rượu ngang. Hũ sành đựng rượu được đậy nắp bằng rơm nắm bọc lá chuối khô rồi trát tro hòa vôi bên ngoài cho thật kín, đem để chỗ khô ráo trong góc nhà hoặc hạ thổ. Trước khi hạ thổ, người ta lấy đất sét trát kín miệng vò phòng khi chôn dưới đất lâu ngày, nước ngấm vào. Người vừa ở cữ uống một chén trước mỗi bữa ăn thì sẽ chóng phục sức và nhiều sữa. Bà tôi nói thế.

Như vậy là bà tôi và mẹ tôi đã cho tôi thưởng thức rượu từ khi còn bé tí. Bà tôi, mẹ tôi không biết uống rượu. Các cụ uống rượu chỉ như là một thứ thuốc bổ cần thiết khi sinh nở hay khi trở trời thì uống chút ít cho giãn xương giãn cốt mà thôi.

Mẹ tôi không tự tay làm rượu nếp bao giờ nhưng bà nội tôi thì lại ủ rượu rất thành thạo. Khi tuổi đã cao, bà tôi về sống cùng với chúng tôi. Gần đến ngày tết Đoan ngọ, cụ đi mua gạo, mua men về để chuẩn bị làm thúng rượu nếp cho cả nhà cùng giết sâu bọ. Tết Đoan ngọ hằng năm, tôi chỉ được mẹ mua cho bát rượu bé tí, ăn hết mà vẫn thòm thèm. Lần này, bà tôi tự tay làm cho cả rá tha hồ ăn nên mấy anh chị em chúng tôi khoái lắm. Có người can bà tôi vẽ ra cái trò ủ rượu làm gì cho tốn công, cứ gọi bà bán rượu vào mà mua, bao nhiêu chẳng có. Bà tôi bảo: Bà đã già rồi, sau này bà đi không biết có đứa nào biết làm rượu như bà nữa không? Đám cháu chúng tôi đứa nào cũng lăng xăng giúp bà một tay và tò mò theo dõi bí quyết làm rượu nếp kỳ diệu mà xưa nay mới chỉ được ăn chứ chưa biết cách làm.

Rượu nếp của bà tôi
Rượu nếp cẩm đã được pha thêm rượu ngang để tăng độ bốc của rượu nhưng vẫn có vị ngọt

Gạo nếp làm rượu là thứ gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu chứ không sát sạch đi lớp vỏ cám. Thứ gạo này ngoài chợ người ta gọi là gạo xay. Hạt gạo màu vàng đục và có hương thơm đặc biệt của gạo nếp cái. Gạo được đồ trong chõ sành thành xôi chín. Bà bảo muốn cho hạt rượu mọng thì đồ xong một lần phải cho xôi ra rá, xối qua nước lạnh rồi đồ tiếp lần nữa. Xôi đồ xong được đánh tơi, tãi ra mẹt, để nguội. Men rượu là thứ men màu trắng như vôi, bên ngoài có dính mấy vỏ trấu nom chỉ nhỉnh hơn quả trứng nhện.

Bà tôi giã nhỏ các nắm men rồi rắc trộn đều vào mẹt xôi nguội. Tôi tò mò hỏi: Men là gì? Bà chỉ trả lời: Ôi dào, bà cũng chẳng biết, nghe nói người ta làm bằng các thứ rễ cây trộn thuốc Bắc, thuốc Nam. Sau này lớn lên, có nhiều dịp đi công tác nơi này nơi kia, tôi cố tìm lời giải cho câu hỏi từ thuở còn thơ mà đâu có dễ. Mỗi vùng người ta lại có bí quyết làm men khác nhau. Men là một trong những thứ quyết định chất lượng của rượu. Tuy thế, người không uống quen thì bảo rằng men rượu trên miền núi uống ngái. Người uống quen thì lại khen nó thơm. Mỗi người một kiểu thưởng thức, chẳng biết đâu mà lần.

Sau khi đã trộn đều xôi với men rượu, bà tôi đổ vào trong cái rá to có lót lớp lá chuối khô, rồi cẩn thận lấy lá chuối đậy kín mặt. Bà bảo: nhà quê, người ta thường lấy lá ngái hay lá sen để lót rá. Lót bằng lá ngái hay lá sen thì rượu có vị thơm riêng, nhưng ở thành phố tìm đâu ra hai loại lá ấy. Cuối cùng, bà đặt chiếc rá xôi trộn men lên trên một cái âu sứ. Âu này để hứng nước rượu chảy xuống khi rượu đã ngấu. Thế là xong một công việc thần kỳ. Sau này tôi mới biết “công việc thần kỳ” ấy là ủ cho men chuyển hóa tinh bột của gạo thành ra rượu, một quá trình sinh hóa rất phức tạp.

Rượu nếp của bà tôi
Men rượu là thứ men màu trắng như vôi, bên ngoài có dính mấy vỏ trấu nom chỉ nhỉnh hơn quả trứng nhện

Chúng tôi thấp thỏm chờ đợi xem cái gì sẽ xảy ra. Tôi chỉ muốn lật lá chuối lên để xem thứ xôi bà ủ đã biến đổi ra sao nhưng không dám. Bà tôi bảo hễ cháu nào mở ra, rượu hỏng thì không có gì để giết sâu bọ, là hỏng ăn đấy!

Hai ngày hai đêm trôi qua, mùi thơm lừng quyến rũ bốc ra từ cái rá diệu kỳ của bà làm cho lũ trẻ chúng tôi càng hồi hộp chờ mong đến sáng ngày mồng năm, được trông thấy thành quả.

Sau cùng, cái giờ ấy đã đến. Đúng sáng sớm ngày tết Đoan ngọ, lũ trẻ chúng tôi thức dậy thật sớm. Để giết sâu bọ, bà tôi chia cho mỗi đứa mấy quả mận xanh. Mẹ tôi bổ quả dưa hấu cho mỗi đứa một miếng. Tiết mục quan trọng nhất là bà tôi mở rá rượu nếp. Khi tàu lá chuối đã ngả màu được nhấc ra, một mùi men rượu thơm nồng lan tỏa khắp nhà. Từng hạt gạo nay đã chuyển thành rượu mượt mà trên mặt rá. Bà tôi dùng ba chiếc đũa nhẹ nhàng xới rượu ra từng bát và chắt chút nước cốt rượu vàng óng trong liễn, rưới vào từng bát cho chúng tôi. Chúng tôi sung sướng thưởng thức cái hương vị kỳ diệu do chính tay bà tôi tạo nên. Cái hương vị và cái cảm giác sung sướng ấy suốt đời tôi không bao giờ quên mỗi khi nhớ tới bà tôi, mẹ tôi. Tôi đã biết uống rượu từ thuở lên bốn, lên năm như thế đấy!

Sau này, người ta đem vào bán ở Hà Nội nhiều thứ rượu nếp khác nhau. Có loại làm bằng gạo cẩm là loại gạo nếp cẩm có phần vỏ cám màu đỏ. Rượu nếp cẩm đã được pha thêm rượu ngang để tăng độ bốc của rượu nhưng vẫn có vị ngọt. Rượu này phụ nữ uống cũng được vì vị ngòn ngọt chứ không “sốc” như rượu trắng thuần khiết nhưng xin các quý bà quý cô hãy coi chừng, rượu tuy ngọt mà uống vào thì say phải biết đấy!

Người ta bảo thói uống rượu nó cũng di truyền. Điều đó đúng. Đôi khi tôi nói đùa với bạn bè rằng: "Con người sinh ra từ con khỉ bú dù. Con bú dù sống trong rừng nó cũng ăn đủ thứ kể cả các quả chín đã lên men thành rượu. Có nhà khoa học quan sát đời sống của khỉ đã thấy các chú bú dù say đứ say đừ vì ăn phải cái thứ rượu trời cho kia. Vậy thì trong quá trình tiến hóa, loài người tiếp nhận cái gen biết ăn, biết uống cái thứ tê tê cay cay từ thủy tổ bú dù của mình là điều tự nhiên thôi."

Tác giả Vũ Thế Long

tudonghoangaynay.vn

Tin bài khác
Sức bền điện động lực học của máy biến áp: yếu tố đảm bảo an toàn điện quốc gia

Sức bền điện động lực học của máy biến áp: yếu tố đảm bảo an toàn điện quốc gia

Hiện tượng cháy nổ máy biến áp động lực trong hệ thống truyền tải điện năng đều xuất hiện ở bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển mạnh về điện khí hóa.
Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải đáp thắc mắc về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025

Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải đáp thắc mắc về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 09/TB-VPCP ngày 9/1/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp trung ương tại Hội nghị triển khai Quyết định số 484/QĐ-TTg ngày 7/6/2024 về tổ chức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025.
Kem Hà Nội

Kem Hà Nội

Văn hóa giải trí là “món ăn” tinh thần không thể thiếu, mang đến sự thư giãn và cảm hứng cho mọi người. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học, công nghệ - Nơi thường gắn với sự khô khan của máy móc và thiết bị, văn hóa giải trí chính là luồng gió mát, làm mềm mại những điều tưởng chừng khô cứng. Với bài viết "Kem Hà Nội", Tạp chí Tự động hóa Ngày nay hy vọng sẽ mang đến câu chuyện thú vị tới bạn đọc.
Nhận diện các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp Tết Nguyên đán

Nhận diện các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp Tết Nguyên đán

Vào dịp cuối năm, các chiêu trò lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, từ dịch vụ đổi tiền lẻ trên mạng xã hội, lừa đảo qua ứng dụng nhắn tin bảo mật như Signal, đến mạo danh nhân viên ngân hàng hay công ty bưu chính. Trước các nguy cơ trên, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT liên tục khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch và không cung cấp dữ liệu cá nhân quan trọng qua các kênh không chính thống.
Thương nhớ “ngựa yêu”

Thương nhớ “ngựa yêu”

Văn hóa giải trí là “món ăn” tinh thần không thể thiếu, mang đến sự thư giãn và cảm hứng cho mọi người. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học, công nghệ - Nơi thường gắn với sự khô khan của máy móc và thiết bị, văn hóa giải trí chính là luồng gió mát, làm mềm mại những điều tưởng chừng khô cứng. Với bài viết "Thương nhớ 'ngựa yêu'", Tạp chí Tự động hóa Ngày nay hy vọng sẽ mang đến câu chuyện thú vị tới bạn đọc.
Xiaomi trang bị AIoT trên các thiết bị thông minh mới

Xiaomi trang bị AIoT trên các thiết bị thông minh mới

Cùng với việc ra mắt Redmi Note 14 Series, ngày 10 tháng 01, Xiaomi đã công bố 6 sản phẩm mới trong chiến lược mở rộng danh mục AIoT và thiết bị công nghệ cá nhân, gồm tai nghe Redmi Buds 6 Series, đồng hồ Redmi Watch 5, màn hình Xiaomi 2K Monitor A27Qi và pin sạc dự phòng Xiaomi Power Bank 10000 Series và Xiaomi 165W Power Bank 10000.
Sở hữu Redmi Note 14 trang bị đẳng cấp với giá tầm trung

Sở hữu Redmi Note 14 trang bị đẳng cấp với giá tầm trung

Redmi Note - dòng smartphone dẫn đầu tầm trung của Xiaomi ra mắt thế hệ thứ 14 với 4 phiên bản cấu hình đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng trong phân khúc giá hấp dẫn từ 4,99 đến 10,99 triệu đồng. Redmi Note 14 Series là món quà hoàn hảo dành cho khách hàng và người thân khi ra mắt dịp Tết Ất Tỵ 2025.
Tử vi vòng quay công nghệ ngày 11/1/2025: Tuổi Tuất sức khỏe dồi dào, tuổi Tỵ vướng vào rắc rối

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 11/1/2025: Tuổi Tuất sức khỏe dồi dào, tuổi Tỵ vướng vào rắc rối

Những bí ẩn của khoa học đời sống là "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tử vi vòng quay công nghệ xem tử vi 12 con giáp ngày 11/1/2025 cho tất cả các tuổi nhằm dự đoán vận hạn về công danh, tiền bạc, tình duyên, sức khỏe...
Nhiều hoạt động trọng tâm của VAA sẽ diễn ra trong năm 2025

Nhiều hoạt động trọng tâm của VAA sẽ diễn ra trong năm 2025

Ngày 10/01, tại Hà Nội, Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) đã tổ chức Hội nghị Ban thường vụ mở rộng. Hội nghị nhằm báo cáo tổng kết hoạt động năm 2024 và đề ra các phương hướng hoạt động cho năm 2025.
Thị trường chứng khoán ngày 10/1: Sắc đỏ bao trùm, VN Index mất hơn 15 điểm

Thị trường chứng khoán ngày 10/1: Sắc đỏ bao trùm, VN Index mất hơn 15 điểm

Phiên giao dịch cuối tuần khép lại với sự trượt dài của các chỉ số chứng khoán. VN Index giảm 15,29 điểm (-1,23%) xuống còn 1.230,48 điểm, sắc đỏ bao trùm hầu hết các nhóm ngành. Trong bối cảnh đó, dòng tiền bắt đáy xuất hiện đã giúp thanh khoản tăng mạnh so với phiên trước, dù vậy thanh khoản vẫn ở mức thấp.