![]() |
Hội thảo có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Liên hiệp hội Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các cơ quan trung ương. Ảnh: Hoàng Tùng |
TSKH. Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam chia sẻ tại hội thảo, để chỉ đạo, quán triệt và triển khai Nghị quyết 57 trong toàn bộ hệ thống, ngày 24/2/2025, Đảng ủy Liên hiệp hội Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 16 nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ (KH-CN) vào thực tiễn đời sống và sản xuất, tạo bước gia tăng hàm lượng khoa học và đưa KH-CN thành lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Liên hiệp hội Việt Nam cũng đang xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 để huy động các Hội ngành toàn quốc, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật địa phương, các tổ chức khoa học và công nghệ cùng tham gia góp phần phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
TSKH. Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hoàng Tùng |
"Tôi tin rằng tại hội thảo hôm nay, với kiến thức kinh nghiệm phong phú của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học của Liên hiệp hội Việt Nam, đại diện các chi bộ là nòng cốt, lãnh đạo các hội, các đơn vị trực thuộc VUSTA sẽ có ý kiến sâu sắc giúp Liên hiệp hội Việt Nam thực hiện tốt Nghị quyết 57 và đề ra biện pháp thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng đã đề ra trong Nghị quyết số 57" - TSKH. Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Trình bày dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Liên hiệp hội Việt Nam, TS. Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế, Liên hiệp hội Việt Nam cho biết, theo Nghị quyết 03 của Chính phủ và Kế hoạch 16 của Đảng ủy Liên hiệp hội Việt Nam về thực hiện Nghị quyết 57, đội ngũ do ThS. Nguyễn Quyết Chiến - Tổng Thư ký Liên hiệp hội Việt Nam là trưởng nhóm đã phối hợp với Văn phòng các ban xây dựng Dự thảo kế hoạch với mục đích, yêu cầu quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TW về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, lấy hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để huy động đội ngũ trí thức.
Về nhiệm vụ, ông Lương nhấn mạnh, cần số hóa cơ sở dữ liệu của Liên hiệp hội Việt Nam và toàn hệ thống, áp dụng trí tuệ để thực hiện chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó là hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tổ chức hội thảo, xác định lĩnh vực công nghệ ưu tiên, tăng cường tư vấn, phản biện chính sách và hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thảo luận và góp ý tại hội thảo, TS. Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đề xuất 4 nhiệm vụ trong kế hoạch nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò của trí thức, đó là phát động chiến dịch truyền thông trong toàn bộ Liên hiệp trung ương tới địa phương. Đây là vai trò then chốt của trí thức trong thời kỳ mới.
Ngoài ra, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn phổ biến Nghị quyết 57, tổ chức hội thảo tập huấn trực tiếp cho hội viên và diễn đàn tọa đàm trí thức Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, tôn vinh trí thức tiêu biểu tạo động lực thi đua. Trong đội ngũ hội viên, mục tiêu là tạo sự thống nhất nhận thức trong hệ thống Liên hiệp hội, khơi dậy tinh thần tự hào và trách nhiệm của trí thức khoa học công nghệ.
![]() |
TS. Lê Xuân Rao đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển và sử dụng tri thức, xây dựng công nghệ và công nghiệp chiến lược, mô hình hợp tác ba bên viện trưởng doanh nghiệp Nhà nước để thúc đẩy ứng dụng nghiên cứu, chương trình thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc. Ảnh: Hoàng Tùng |
![]() |
TSKH. Nghiêm Vũ Khải - Nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam cho rằng, cần thể chế hoá Nghị quyết 57 vào Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2025. Ảnh: Hoàng Tùng |
TS. Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam đặt ra vấn đề, làm sao để Liên hiệp các hội thành viên và các nhà khoa học trong hệ thống tham gia thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 57, làm sao để các nhà khoa học góp phần tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu, các nhiệm vụ dự án khoa học công nghệ của các bộ ngành địa phương.
![]() |
TS. Phạm Ngọc Sơn đề xuất, Nhà nước phải cấp kinh phí cho VUSTA để thường xuyên cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ trí thức và kiến nghị khi sửa đổi Luật Khoa học Công nghệ có được cơ chế cho các nhà khoa học thuộc các hội nghề nghiệp tham gia trực tiếp vào các hoạt động này. Ảnh: Hoàng Tùng |
Nghị quyết 57-NQ/TW được xem là "khoán 10" trong khoa học công nghệ. Các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến đóng góp bổ ích và đồng thuận cao về việc phải phát huy vai trò của trí thức khoa học và công nghệ, xem đây là lực lượng then chốt để hiện thực hóa mục tiêu đột phá khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành đất nước phát triển vào năm 2045.