Hiện nay, báo chí đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt là trong điều tra và thực tế hiện trường. Quyền tác nghiệp của nhà báo đang trở thành một vấn đề được quan tâm sâu sắc do áp lực từ các bên liên quan, và nguy cơ về an toàn cá nhân. Những thách thức mà các nhà báo đang phải đối mặt không chỉ làm gián đoạn công việc tác nghiệp, mà còn đe dọa đến tính minh bạch và sự toàn vẹn của thông tin cung cấp cho công chúng.
Vậy nên, tọa đàm “Bảo vệ quyền tác nghiệp cho nhà báo trong báo chí điều tra và hiện trường” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn mở để các nhà báo, luật sư cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề pháp lý, xã hội liên quan đến quyền tác nghiệp của nhà báo, qua đó tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để bảo vệ quyền tự do báo chí, đảm bảo môi trường làm việc an toàn và chuyên nghiệp cho các nhà báo.
Toạ đàm có sự góp mặt của ba vị diễn giả: Nhà báo Nguyễn Đình Đoàn Bổng (báo Vietnamnet), Nhà báo Trần Sơn Bách (báo Nhân dân), Luật sư Lê Hồng Hiển (Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự). Ảnh: Hà Phương |
Tại buổi thảo luận, các nhà báo và luật sư đều cho rằng, Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ các nhà báo. Thực tế, tại các cơ quan báo chí hiện nay, tác phẩm báo chí điều tra đóng vai trò quan trọng trong việc định vị được tôn chỉ, chất lượng của toà báo.
Thế nhưng, quá trình đi tác nghiệp những tác phẩm này không hề đơn giản, nó đòi hỏi đội ngũ phóng viên, nhà báo phải có năng lực chuyên môn, khả năng ứng biến các tình huống, đặc biệt là hành lang pháp lý.
Bàn luận về vấn đề này, nhà báo Trần Sơn Bách - Báo Nhân Dân đã chia sẻ: “Điều mà nhà báo cần nhất không chỉ là kỹ năng chuyên môn, mà còn là một hành lang pháp lý vững chắc, đủ mạnh để bảo vệ họ trong quá trình tác nghiệp. Hành lang pháp lý này không chỉ giúp nhà bảo đảm bảo sự an toàn về thể chất và tinh thần, mà còn tạo sự vững tin, khích lệ họ cống hiến hết mình cho nghề nghiệp, từ đó thực hiện tốt vai trò phản biện xã hội và mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng”.
Nhà báo Trần Sơn Bách (ngồi ngoài cùng bên trái) trao đổi tại toà đàm. Ảnh: Hà Phương |
Cùng trao đổi về thực tiễn bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo, luật sư Lê Hồng Hiển và nhà báo Nguyễn Đình Đoàn Bổng - Báo Vietnamnet bày tỏ quan điểm: “Với nghề báo, sự hỗ trợ của người dân giống như mọi lực lượng khác, là một chỗ dựa an toàn và vững chắc. Sự bảo vệ của người dân dành cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp có vai trò cực kỳ lớn. Trong nhiều trường hợp, khi nhà báo gặp bế tắc với những đề tài khó, họ tìm đến người dân - những người không chỉ là nguồn tin, mà còn là cầu nối đưa nhà báo đến với những dữ liệu thực tiễn, phong phú và đôi khi là độc nhất”.
Bổ sung và khẳng định thêm quan điểm trên, nhà báo Trần Sơn Bách cho rằng, nhà báo vừa phải tạo được niềm tin với dân nhưng đồng thời phải duy trì được niềm tin đó. Bởi trong thực tế, có không ít các trường hợp người dân mất niềm tin sau khi báo chí vào cuộc do kỳ vọng của họ không được đáp ứng. Vấn đề cốt lõi là cách ứng xử của nhà báo với người dân, biết tôn trọng, lắng nghe và đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu là cách để xây dựng mối quan hệ bền vững.
Theo anh Bách, nhà báo phải tạo được niềm tin từ người dân, và điều quan trọng hơn là phải duy trì được niềm tin đó. Ảnh: Hà Phương |
Đề xuất về việc phối hợp giữa cơ quan quản lý báo chí và luật pháp để xử lý các vi phạm quyền tác nghiệp của nhà báo, luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và cộng sự khẳng định: “Theo quy định của pháp luật, cơ quan báo chí cũng là đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận và chuyển đơn tố giác tội phạm. Cụ thể, khi nhận được tố giác liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, cơ quan báo chí sẽ tiếp nhận và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền như công an hoặc cơ quan điều tra để xử lý. Trong quá trình giải quyết, các cơ quan này sẽ có trách nhiệm thông báo lại kết quả xử lý cho cơ quan báo chí”.
Sau phiên thảo luận, các khách mời đều đồng tình rằng, cần phải có khung pháp lý thiết thực, hiệu quả hơn đối với các nhà báo khi tác nghiệp báo chí điều tra. Đồng thời, cả ba vị diễn giả cũng đã đưa ra những đề xuất kịp thời về vấn đề này nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng nhà báo bị hành hung khi đi tác nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà báo Trần Sơn Bách nhấn mạnh rằng, nhà báo cần tự bảo vệ bản thân mình trước tiên. Bởi nắm vững luật giúp cho nhà báo, phóng viên có thể áp dụng đúng và có góc nhìn tốt hơn khi đối mặt với nhiều tình huống. Trước khi trông chờ sự hỗ trợ từ người khác, mỗi người cần tự học và phát triển bản thân.
Ngoài ra, phóng viên Nguyễn Đình Đoàn Bổng đưa ra giải pháp nhà báo có thể tìm đến lực lượng công an để hỗ trợ. Để an toàn, mỗi phóng viên cần tự tạo "lớp màng bảo vệ", hiểu rõ mình đang tác động gì, ai có thể cản trở và mức độ áp lực từ các bên. So với các cơ quan bảo vệ, áp lực của báo chí thường nhỏ hơn.
Toạ đàm không chỉ giúp sinh viên ngành báo chí, các nhà báo, phóng viên nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm trong nghề, mà còn trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để ứng phó với các thách thức trong thực tiễn công việc, đặc biệt là trong các tình huống nguy hiểm.
Ngọc Khuê