Ngày 07/5/2025, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 17 và Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 8 đã chính thức diễn ra tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei Darussalam với chủ đề “MAJU - Truyền thông Thúc đẩy Hiểu biết Chung: Chuyển đổi vai trò của truyền thông trong thúc đẩy hợp tác và hiểu biết lẫn nhau tại ASEAN”. "MAJU", một từ mang ý nghĩa "Tiến về phía trước" trong tiếng Mã Lai, đã phản ánh rõ tinh thần chủ đạo của hội nghị: thúc đẩy vai trò của truyền thông như một trụ cột vững chắc cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
![]() |
Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 17 |
Hội nghị AMRI lần thứ 17, dưới sự chủ trì của Ngài Pehin Dato Halbi, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng II của Brunei Darussalam, cùng với sự tham gia của các Bộ trưởng/Trưởng đoàn từ tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, Timor-Leste (với tư cách quan sát viên), các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ban Thư ký ASEAN, đã trở thành một diễn đàn quan trọng để thảo luận sâu rộng về vai trò thiết yếu của ngành thông tin và truyền thông. Ông Neth Pheaktra, Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia, đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch hội nghị. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình dẫn đầu đã tham dự và có những đóng góp tích cực tại Hội nghị.
![]() |
Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình đề xuất các nội dung trọng tâm, quan trọng tại hội nghị |
Trong phát biểu khai mạc, đại diện nước chủ nhà Brunei Darussalam nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực truyền thông trong việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của ASEAN, đồng thời đối mặt với các thách thức toàn cầu và địa chính trị hiện hữu. Brunei cũng đề xuất ba trọng tâm chính cho chủ đề MAJU, bao gồm việc đảm bảo ngành truyền thông hoạt động hiệu quả, bền vững và tìm kiếm các nguồn đầu tư đa dạng để phát triển. Các Bộ trưởng nhất trí rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và sự phát triển không ngừng của công nghệ số, ngành thông tin truyền thông ASEAN cần phải tăng cường hợp tác, đổi mới để thích ứng với các xu hướng tiêu dùng truyền thông đang thay đổi nhanh chóng và tận dụng hiệu quả cơ hội từ một bối cảnh kỹ thuật số ngày càng phức tạp. Một trong những trách nhiệm cốt lõi được nhấn mạnh là việc chủ động, tích cực nuôi dưỡng và quảng bá Bản sắc ASEAN, củng cố đoàn kết khu vực thông qua việc sản xuất và phổ biến những nội dung thông tin kịp thời, đáng tin cậy, chính xác, bao trùm và có sự nhạy cảm cần thiết về văn hóa.
Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Văn hóa - Xã hội San Lwin đã đưa ra năm định hướng quan trọng cho ngành thông tin khu vực, bao gồm: tiếp tục các nỗ lực đã có để truyền cảm hứng và thông tin cho công chúng về những phát triển của ASEAN, tăng cường hiệu quả công tác giảm thiểu rủi ro, bất ổn; khẳng định ngành thông tin ASEAN là một phần không thể thiếu cho sự tăng trưởng của Kinh tế Sáng tạo ASEAN; giảm thiểu tác hại của tin giả, tập trung vào năng lực số, truyền thông và "khả năng chú ý" của công chúng; nhìn nhận giới trẻ là những người sáng tạo và tác nhân thay đổi, khai thác công nghệ một cách có đạo đức; và sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để thúc đẩy sức khỏe không gian mạng và một môi trường số an toàn hơn.
Với vai trò là Chủ tịch AMRI nhiệm kỳ 2023-2025 vừa kết thúc, trong bài phát biểu với tư cách Chủ tịch mãn nhiệm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình đã trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của Ban Thư ký ASEAN và các quốc gia thành viên. Ông nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy các ưu tiên hợp tác, đặc biệt là hiện thực hóa Tuyên bố Đà Nẵng "Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng", một tuyên bố đã đặt ra vai trò và sứ mệnh mới cho ngành báo chí truyền thông trong việc nâng cao tri thức, sự thấu hiểu và nuôi dưỡng Bản sắc ASEAN. Thứ trưởng cũng điểm lại việc triển khai tích cực Kế hoạch Chiến lược Thông tin và Truyền thông 2016-2025, Kế hoạch Truyền thông Tổng thể ASEAN II, và các hoạt động của Nhóm Đặc trách về Tin giả (TFFN) do Việt Nam khởi xướng và đăng cai cuộc họp đầu tiên vào năm 2022. Sau khi chính thức bàn giao vai trò Chủ tịch AMRI cho Brunei Darussalam, Thứ trưởng Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chủ tịch, Phó Chủ tịch và tất cả các nước thành viên ASEAN.
![]() |
Các Bộ trưởng/ Trưởng đoàn các quốc gia thành viên ASEAN tham dự hội nghị |
Trong phiên thảo luận cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng Lê Hải Bình đã trình bày những đánh giá sâu sắc về chủ đề "MAJU", coi đây là sự tiếp nối phù hợp với tinh thần của Tuyên bố Đà Nẵng. Ông chia sẻ về những chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho báo chí, truyền thông phát triển, đồng thời phát huy vai trò xây dựng và kiến tạo xã hội. Những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua tập trung vào việc hiện thực hóa vai trò mới của truyền thông, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực báo chí, và chủ động hợp tác quốc tế để đối phó với các thách thức chung như tin giả và thông tin sai lệch. Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Lê Hải Bình đã đưa ra ba đề xuất trọng tâm hợp tác cho giai đoạn tới: Nâng cao vai trò của truyền thông trong việc kiến tạo tri thức; Xây dựng môi trường thông tin, truyền thông lành mạnh; và Thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường năng lực số và hiểu biết truyền thông. Đoàn Việt Nam cũng đã thông báo về kế hoạch đăng cai tổ chức Diễn đàn về Chuyển đổi số và Ứng dụng AI trong các cơ quan báo chí ASEAN và Diễn đàn về thông tin truyền thông quốc gia tại ASEAN trong thời gian tới, thể hiện cam kết chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong các nỗ lực chung của khu vực.
Một trong những kết quả cụ thể và mang tính dấu ấn của hội nghị là việc thông qua “Tuyên bố Bandar Seri Begawan nhằm tái khẳng định cam kết của các Bộ trưởng Thông tin ASEAN đối với Tiến bộ Chiến lược trong Truyền thông và Thông tin”. Tuyên bố này nhấn mạnh sự cần thiết của cơ sở hạ tầng vững chắc cho ngành truyền thông và đặt ra định hướng chiến lược để nâng cao năng lực của ngành trong việc giải quyết các thách thức mới nổi trong kỷ nguyên số, bao gồm vấn nạn tin giả, tác động của chuyển đổi số, đồng thời trao quyền cho giới trẻ và thúc đẩy kinh tế sáng tạo. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng nhất trí ủng hộ “Tuyên bố Kuala Lumpur về sử dụng an toàn và có trách nhiệm các nền tảng truyền thông xã hội cho ASEAN”, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng một môi trường số an toàn, bao trùm và có trách nhiệm.
![]() |
Hội nghị cũng dành thời gian cho các phiên họp với các nước đối tác trong khuôn khổ ASEAN+3. Phía Trung Quốc khẳng định mối quan hệ hợp tác lâu đời trên nhiều lĩnh vực với ASEAN, khuyến khích phát triển các lĩnh vực cùng có lợi, thúc đẩy chuyển đổi số và xây dựng niềm tin cộng đồng, vì sự phát triển chung của khu vực. Các Bộ trưởng cũng ghi nhận việc hoàn thành Kế hoạch Công tác về Tăng cường Hợp tác ASEAN+3 thông qua Thông tin và Truyền thông (2018-2025) và mong muốn tiếp tục phát triển một kế hoạch công tác mới. Hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc trong các dự án cụ thể như đánh giá Kế hoạch Chiến lược Thông tin và Truyền thông ASEAN, phát triển kế hoạch công tác mới, sản xuất phim và xây dựng năng lực cũng được đánh giá cao.
Kết thúc hội nghị, các quốc gia thành viên ASEAN đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với Chính phủ Brunei Darussalam về công tác tổ chức chu đáo và chuyên nghiệp. Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã có buổi tiếp kiến Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah ngay sau khi kết thúc Hội nghị.
Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 18 và các hội nghị liên quan dự kiến sẽ được tổ chức tại Campuchia vào năm 2027.
Bùi Thùy Dung