Việt Nam đã và đang tham gia tích cực nhiều công ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ này một lần nữa được Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 diễn ra vào tháng 11 vừa qua.
• Nhà nước đóng vai trò quyết định trong phát triển ngành ô tô điện tại Việt Nam
• Ô tô điện được đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trong 5 năm đầu
Với cam kết Việt Nam sẽ hành động để đưa mức phác thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nước ta cần thúc đẩy đầu tư phát triển các loại hình năng lượng tái tạo và gắn chặt hệ sinh thái tiêu dùng xanh, sạch. Và phát triển xe điện chính là một trong những nhiệm vụ chính trong chuỗi hành động này.
Lời giải cho bài toán phát triển xe điện tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Tương lai phát triển xe điện tại Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuyên (trường Đại học Bách khoa) đã đưa ra dự báo xu thế và hàm ý cho sự phát triển của xe điện tại Việt Nam. Trong bối cảnh vấn đề môi trường đang nhận được sự quan tâm của nhà nước và người dân sự xuất hiện của các doanh nghiệp sản xuất xe điện trong nước cũng như mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050 của Chính phủ, việc đầu tư nghiên cứu, phát triển cho năng lượng tái tạo, xe điện và cơ sở hạ tầng liên quan phải cần đặc biệt quan tâm. Giá dầu cao biến động trong khi giá điện ổn đinh, tính độc lập, an ninh năng lượng cũng như lợi ích về môi trường chính là những động lực để nước ta phát triển lĩnh vực xe điện.
Nhận định về hạ tầng phát triển xe điện ở Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tuyên cho rằng, ngoài 200 trạm sạc của Vinfast, thì hiện ở Việt Nam hầu như chưa có hạ tầng cho phát triển xe điện; các tiêu chuẩn của Việt Nam về phát triển loại hình phương tiện này cũng chưa có và chưa thống nhất.
Để có cơ sở thúc đẩy sự phát triển xe điện ở Việt Nam, ông Tuyên cho biết Việt Nam cần hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, như yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện với hệ thống sạc nhanh, thay thế pin và ắc quy,… Đồng thời, tối ưu hoá các trạm sạc và vị trí sạc pin bằng việc sử dụng các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo, quản lý cân bằng công suất lưới. Bên cạnh đó, chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ cho người tiêu dung, nhà sản xuất cũng như các bên nghiên cứu đào tạo như: Hỗ trợ trực tiếp vào giá mua xe, thuế, chi phí sạc, lắp đặt trạm sạc tại nhà; Xây dựng khu vực vận hành riêng cho xe điện; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy định tạo điều kiện cho doanh nghiệp; Xây dựng các trung tâm nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chế tạo, sản xuất, vận hành, dịch vụ xe điện;…
Theo PGS.TS. Tạ Cao Minh (Đại học Bách Khoa Hà Nội), hiện đang là giáo sư thỉnh giảng, Đại học Sherbrooke, Canada, phát triển xe điện là công việc mà Nhà nước cần phải tổ chức thực hiện chính, là đơn vị cầm trịch, chủ động dẫn đầu. Các Hiệp, Hội đóng vai trò tham mưu cho Chính phủ và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện phát triển. Đầu sư về hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng,… tối ưu hoá các trạm sạc, vị trí sạc pin bằng việc sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo chính là những nhiệm vụ chính trong lộ trình phát triển xe điện tại nước ta. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia có hệ thống giao thông nhiều ngõ ngách, vì vậy chúng ta cần phải nghiên cứu ưu tiên lựa chọn sản xuất các dòng xe điện phù hợp.
Nhu cầu tiêu thụ của xe điện ở Việt Nam có thể tương đương 10 nhà máy thủy điện Hòa Bình vào năm 2050
Nhằm ước tính nhu cầu điện tiềm năng từ hoạt động điện hóa trong giao thông, để chỉ ra sự cần thiết phát triển nguồn điện và các yêu cầu về hạ tầng, vận hành và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của lĩnh vực giao thông, TS. Nguyễn Quốc Khánh (trường Đại học Bách Khoa) đưa ra ba kịch bản điện hóa trong giao thông.
Kịch bản cơ sở: Thâm nhập xe điện ở mức thấp, chủ yếu là xe máy điện. Tỷ lệ xe máy điện chiếm 18% xe máy bán mới năm 2030 và 40% năm 2050. Nhu cầu điện chiếm tỷ lệ không đáng kể ở kịch bản này.
Kịch bản phát triển vừa: Tỷ lê xe máy điện chiếm 34% xe bán mới năm 2030 và 65% năm 2050. Xe ô tô con điện chiếm 30% xe bán mới năm 2030. Nhu cầu điện năm 2030 tương đương điện lượng của ½ nhà máy thủy điện Hòa Bình, năm 2050 tương đương 2 nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Kịch bản cao: Xe điện trên xe bán ra: xe máy 72% (2030), 100% (2050), Ô tô con: 30% (2030), 70% (2050), xe buýt: 10% (2030), 30% (2050), xe khách liên tỉnh: 3% (2030), 15% (2050). Xe bán tải, xe tải hạng nhẹ, xe tải hạng trung: 5% (2030), 30% (2050). Nhu cầu điện năm 2030 đáng kể, tương đương nhà máy thủy điện Hòa Bình; năm 2050 tương đương 10 nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Minh Hoàng
Buổi tọa đàm “Tương lai phát triển xe điện tại Việt Nam” diễn ra vào sáng ngày 21 tháng 12 được đồng tổ chức bởi Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID), Báo Giao thông và Lab 100 RE.
Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ô tô điện đến từ trường Đại học Bách khoa, buổi tọa đàm cung cấp thông tin về xu hướng phát triển xe điện trên thế giới cũng như những ý kiến, thảo luận về tác động của phát triển xe điện tới quy hoạch và vận hành hệ thống điện Việt Nam.