Ngày 21/4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Người Làm báo, Tạp chí Cơ khí Việt Nam và Tạp chí Giao thông Vận tải cùng 10 đơn vị tạp chí tổ chức Diễn đàn và lễ ký kết thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo Việt Nam”.
• Văn hóa báo chí sẽ tạo ra tác phẩm báo chí có sức lan tỏa giá trị tốt đẹp
• Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam
Tham dự diễn đàn có ông Trần Thanh Lâm – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông); ông Tống Văn Thanh – Vụ trưởng Vụ báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), bà Vũ Thị Hà – Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, cùng lãnh đạo các tạp chí, chi hội nhà báo, các hội viên chi hội tham gia ký kết.
Diễn đàn nhằm triển khai hiệu quả Kế hoạch số 154-KH/BTGTW, ngày 10 tháng 6 năm 2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; Quyết định số 70a/QĐ-HNBVN, ngày 21 tháng 6 năm 2022 của Hội Nhà báo Việt Nam về việc ban hành Tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam; Hướng dẫn số 161a/CV-HNBVN, ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Hội Nhà báo Việt Nam về việc Hướng dẫn triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.
Xây dựng cơ quan báo chí: chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại
Ông Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao việc 13 cơ quan báo chí cùng tổ chức Diễn đàn và ký kết thi đua. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam 21/4/1950 – 21/4/2023 và kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925 – 21/6/2023.
Ông Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chủ trương “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, chỉ gói gọn trong sáu chữ ấy thôi nhưng là mục tiêu các cơ quan báo chí cần hướng tới. Do đó, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là trách nhiệm, đồng thời cũng là vấn đề tự thân của mỗi cơ quan báo chí, người làm báo và đặc biệt là với vai trò duy trì hoạt động của mái nhà chung đối với người làm báo, vai trò của các cấp Hội Nhà báo trong phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam”.
Giữ gìn, xây dựng văn hoá, phát huy sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay là một trong các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Ông Trần Thanh Lâm cũng nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “Văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá là hồn cốt của dân tộc”. Vì lẽ đó 21/6/2022, Ban tuyên giáo Trung ương chính thức phát động phong trào thi đua của người làm báo trên cả nước, xây dựng 6 chuẩn mực cho các cơ quan báo chí và 6 điều cho người làm báo. Ông Lâm chia sẻ, nhìn lại một năm qua phong trào đã thực sự có ý nghĩa và lan toả, nhiều cơ quan báo, tạp chí tổ chức ký cam kết, phát động thi đua trong cơ quan đơn vị mình. Trong thời gian tới, yêu cầu nhiệm vụ, sứ mệnh đặt lên vai những người làm báo là rất lớn vì vậy mong rằng các tạp chí luôn giữ được sứ mệnh của riêng mình, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ. Mỗi tờ báo, tạp chí nên có bản sắc riêng biệt, có kiến thức chuyên sâu về vấn đề đó để bạn đọc tìm đến, các tạp chí phải có tầm riêng, vị thế, trang trọng tự hào trong làng báo, người dân và bạn đọc. Báo chí trong thời kỳ mới càng khó khăn càng phải thể hiện quyết tâm bản lĩnh và nó là quyết tâm từ chính con người. Việc xây dựng môi trường văn hoá không vi phạm, môi trường văn minh hiện đại, chuyên nghiệp thể hiện ý chí từ Tổng biên tập sau đó lan toả ra cả cơ quan báo chí.
Nói đến văn hoá cơ quan báo chí, văn hoá người làm báo ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục báo chí – Bộ TT và TT cho biết, cần xử lý tốt 5 mối quan hệ mà trước hết là quan hệ cơ quan báo chí và văn hoá người làm báo phải gắn chặt không tách rời. Quan hệ báo chí với công chúng; báo chí với tổ chức cá nhân; báo chí trong mối quan hệ pháp luật đạo đức; quan hệ phóng viên và lãnh đạo cơ quan báo chí và quan hệ giữa các phóng viên với nhau. Thống nhất trong hành động dân chủ trong chỉ đạo kỷ cương đoàn kết thì các cơ quan báo chí sẽ thành công trong việc xây dựng cơ quan báo chí văn hoá, ông Phúc nhấn mạnh.
Ông Lưu Đình Phúc đặc biệt nhắc đến việc xây dựng văn hoá phải từ mỗi chúng ta, những người làm báo, xây dựng văn hoá là xây dựng con người, những cái hay cần lan toả. Việc xây dựng nhân cách, văn hoá người làm báo phải được rèn dũa, mọi hình thức viết sai sự thật hay trục lợi cá nhân sẽ làm mai một văn hoá báo chí và suy giảm uy tín cơ quan làm báo. Ông cũng nêu 6 điều mà các cơ quan báo chí cần thực hiện đó là: thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, chuyên sâu chuyên ngành, có quy trình, nhân sự, tài chính…; tạo bầu không khí thân thiện, giải quyết tốt mâu thuẫn nhỏ trong các cơ quan; tác nghiệp khách quan…; đấu tranh chống tiêu cực, đấu tranh trên tinh thần xây dựng; chuyển đổi số trong tòa soạn để tối ưu hoá nguồn thu, học tập các mô hình tốt; quan tâm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ,… tôn trọng quyền báo chí.
Bên cạnh hoạt động ký kết, diễn đàn cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo. Các tham luận đếu nhấn mạnh, để xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, các cơ quan báo chí cần nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị dân tộc, nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Khẳng định, có văn hóa báo chí sẽ tạo ra tác phẩm báo chí có sức lan tỏa giá trị tốt đẹp, bà Trần Thị Giang – Phó tổng biên tập Tạp chí Tự động hoá ngày nay cho rằng trong thời điểm hiện nay nhiều cơ quan báo chí có áp lực về phát triển nguồn thu, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính nhưng không vì thế mà quên đi vai trò, nhiệm vụ chính trị của mỗi tờ báo, làm mất niềm tin của độc giả, nhân dân về “lực lượng xung kích”. “Muốn xây dựng được cơ quan báo chí văn hóa, trước hết mỗi người trong cơ quan báo chí cần xây dựng văn hóa cho chính mình, nhất là lãnh đạo cơ quan báo chí phải nêu gương. Người làm báo phải nâng tầm văn hóa, tri thức của mình lên, tự trau dồi kiến thức chuyên môn báo chí và am hiểu lĩnh vực mình phụ trách”.
Đỗ Phương – Hương Duyên
13 tạp chí cùng ký kết gồm: Tạp chí Người Làm báo; Tạp chí Cơ khí Việt Nam; Tạp chí Giao thông Vận tải; Tạp chí Tự động hóa ngày nay; Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; Tạp chí Người Hà Nội; Tạp chí Thương gia; Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng; Tạp chí Bầu trời mở rộng; Tạp chí Dân tộc; Tạp chí Kinh doanh và Tiếp thị; Tạp chí Điện tử Nhịp sống Thị trường; Tạp chí Môi trường và cuộc sống