Theo Quyết định số 39/TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam thì các nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 sẽ được hưởng ưu đãi giá mua điện một phần hoặc toàn bộ nhà máy. Thời gian hưởng ưu đãi 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
• 106 nhà máy điện gió đăng ký hoà lưới, vận hành thương mại
• Khai thác điện gió tại Việt Nam: Ba sự lãng quên và nguy cơ tiềm ẩn
Cụ thể, đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương 8,5 Uscents/kWh).
Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương 9,8 UScent/kWh).
Hầu hết nhà máy điện gió đang chậm tiến độ
Để triển khai quy định này, ngày 15/1/2019, Bộ Công Thương đã có Thông tư hướng dẫn số 02 Quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió, trước 90 ngày của ngày vận hành thương mại. Bên bán điện có trách nhiệm gửi bên mua điện dự thảo quy trình chạy thử nghiệm thu của nhà máy điện phù hợp với các quy định hiện hành và các tiêu chuẩn công nghệ của nhà máy điện gió để hai bên thống nhất xác định ngày vận hành thương mại và tính toán sản lượng điện chạy thử nghiệm của nhà máy điện.
Tức là để các nhà máy điện gió đáp ứng được yêu cầu thời gian, các doanh nghiệp đầu tư điện gió phải có hồ sơ gửi về EVN muộn nhất ngày 3/8/2021.
Thống kê của EVN, hết ngày 3/8 đã có 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại với tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD là 5.655,5 MW.
Trong thời gian vừa qua, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với 144 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 8.144,88 MW.
Tuy nhiên, cũng theo EVN, đến thời điểm đầu tháng 8/2021 mới chỉ có 21 nhà máy điện gió với tổng công suất là 819 MW đi vào vận hành thương mại. EVN sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin về tiến độ công nhận vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió trước thời điểm 31/10/2021.
Tỷ lệ nhà máy chưa đi vào vận hành thử nghiệm được còn hơn quá nửa. Nguyên nhân được đưa ra là chậm giải phóng mặt bằng, thiên tai. Đặc biệt dịch bệnh Covid-19 nằm ngoài dự tính không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới. Nhà cung cấp thiết bị điện gió trên thế giới bị gián đoạn sản xuất, dẫn đến nguồn cung thiết bị của các dự án không về kịp theo đúng tiến độ đã cam kết. Bên cạnh đó, các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam đúng thời hạn. Nhân lực trở nên khan hiếm
Gần đây diễn biến của dịch còn gia tăng phức tạp khiến các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 gây khó khăn cho vận chuyển thiết bị, nhất là các tua bin gió.
Xin gia hạn từ 3 đến 6 tháng
Đến thời điểm này có thể nói rất ít nhà máy điện gió có cơ hội hưởng ưu đãi theo Quyết định 39/TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết nhà máy sẽ không đáp ứng được mục tiêu công nhận ngày vận hành thương mại trước thời điểm 31/10/2021.
Trước tình hình này, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, UBND các tỉnh có dự án điện gió đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN và các bộ, ngành liên quan xem xét gia hạn thời điểm phát điện thương mại từ 3-6 tháng đối với những dự án điện gió đang thực hiện theo Quyết định 39.
Cụ thể, UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá ưu đãi với các dự án điện gió trên địa bàn tới hết tháng 4/2022. Toàn tỉnh hiện có 8 dự án điện gió với tổng công suất 570 MW.
Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện cơ chế giá ưu đãi đến hết 31/3/2022. Toàn tỉnh hiện có 16 dự án có tổng công suất khoảng 1.095 MW được chấp thuận đầu tư, trong đó 11 dự án đang thi công.
UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị lùi thời hạn đến hết 31/12/2021. Ttoàn tỉnh hiện có 17 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 1.242 MW được phê duyệt chủ trương đầu tư và đưa vào quy hoạch.
Minh Phúc