Công suất điện mặt trời (ĐMT) đang vượt xa quy hoạch, trong khi đó ĐMT của tư nhân đang phụ thuộc nhiều vào sự tiếp nhận của lưới điện quốc gia do Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý. Cần làm gì để giảm sự phụ thuộc này, để đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời đảm bảo được quyền lợi của các doanh nghiệp đầu tư vào ĐMT một cách chuyên nghiệp?
• Thủ tướng chỉ đạo rà soát kỹ nội dung của Quy hoạch điện VIII
• Còn phát triển điện than là đi ngược xu hướng thế giới và khó khả thi
• Kiến nghị cho tư nhân đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo
Công suất điện mặt trời (ĐMT) đang vượt xa quy hoạch
Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến ĐMT mái nhà đạt khoảng trên 62.000 MW. Trong đó, công suất các nguồn ĐMT trên mặt đất đạt 8.838 MW; công suất nguồn ĐMT trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000 MW.
Số liệu của Bộ Công thương cũng cho thấy, riêng năm 2020, có 92 dự án ĐMT được đưa vào vận hành và phát điện với tổng công suất lắp đặt là 6.165 MWp. Trong đó hàng chục dự án khác “xếp hàng” chờ bổ sung.
Đối chiếu với Quy hoạch điện VII, giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030, Việt Nam đã xác định ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Qua đó, nâng công suất đạt từ 6 – 7 MW năm 2017 lên khoảng 850 MW vào năm 2020 và khoảng 1.200 MW vào năm 2030, tương đương với 1,6% và 3,3% tổng công suất nguồn điện.
Tuy nhiên, trên thực tế đã có tổng cộng 121 dự án ĐMT được phê duyệt với tổng công suất 7.234 MW, sau đó tăng thêm 2.186 MW giai đoạn 2020 – 2030. Ngoài ra, còn có 210 dự án đang chờ phê duyệt với công suất 12.809 MW, đến năm 2030 sẽ tăng lên 16.560 MW.
Năm 2020 và 2021, do dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh có phần ngưng trệ, nhu cầu tiêu thụ điện giảm, thêm vào đó là lượng cung ĐMT nhiều nên EVN buộc phải cắt giảm điện từ NLTT (năng lượng tái tạo) để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia. Riêng năm 2021, EVN dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 1,7 tỷ kWh điện từ NLTT bao gồm cả điện gió và điện mặt trời (trong đó, sẽ cắt giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời trang trại, chiếm khoảng 9% khả năng phát của các nhà máy ĐMT và cắt giảm khoảng 430 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 7% khả năng phát của các nhà máy điện gió. Đây là thông tin được đại diện EVN cho biết tại buổi làm việc với các chuyên gia kinh tế vào chiều 4/5/2021.
Vào tháng 3/2021, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã ban hành Công văn công bố cắt giảm công suất của nguồn điện mặt trời mái nhà từ 15/3 – 21/3/2021 tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Long An,…
Sản lượng điện bị cắt giảm từ nguồn điện mái nhà khá lớn, cụ thể, trong giờ cao điểm từ 10h30 – 13h các ngày từ 15 – 21/3, tại Ninh Thuận, mỗi ngày bị cắt khoảng 40.103 – 53.471 MW; tại Bình Dương bị cắt từ 57.964 – 77.285 MW; tại Bình Thuận bị cắt từ 35.771 – 47.695 MW; tại Long An từ 49.276 – 65.701 MW; tại An Giang bị cắt từ 16.686 – 22.248 MW,…
ĐMT của tư nhân đang phụ thuộc vào EVN
Việc cắt giảm ĐMT trên lưới điện theo EVN là bắt buộc nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện. Song việc cắt giảm này cũng đã ảnh hưởng đến không ít doanh nghiệp đầu tư khai thác ĐMT trong thời gian qua.
PGS.TS. Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng sự bùng nổ của ĐMT là điều đáng mừng, cho thấy tương lai hứa hẹn của năng lượng tái tạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam. Nhưng sự phát triển quá nóng của ĐMT khi hệ thống truyền tải không theo kịp đang gây ra nhiều hệ lụy, đẩy nhà đầu tư vào cảnh “trở đi mắc núi, trở về mắc sông”. “Doanh nghiệp đầu tư ĐMT đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi điện sản xuất ra không thể hoà lưới. Hoặc đã hòa lưới nhưng bị giảm phát do lưới điện quá tải”, ông Long cho biết thêm.
Anh Đặng Thiết – Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ IMAX chia sẻ: Chúng tôi là doanh nghiệp lắp đặt ĐMT áp mái tại các khu công nghiệp phía Nam để bán điện cho EVN. Thời điểm tháng 3 và tháng 4 khi nhu cầu sử dụng điện sản xuất giảm do dịch Covid-19 nên chúng tôi cũng bị cắt giảm lượng điện hòa lưới vào buổi trưa – thời gian sản lượng điện thu được nhiều nhất cho doanh nghiệp dẫn đến doanh thu bị ảnh hưởng rất lớn. Thời điểm đầu tháng 6 doanh nghiệp đã bớt khó khăn do khu công nghiệp đã hoạt động trở lại, điện áp mái đã được hòa lưới bình thường. Tuy nhiên, điều này không có tính ổn định, vẫn là phụ thuộc vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ điện của thị trường”. Cũng theo anh Đặng Thiết, các doanh nghiệp kinh doanh ĐMT ở khu vực ít có nhà máy sản xuất hoặc nhà máy bị dừng, giảm do dịch Covid-19 lại càng khó khăn hơn.
Là công ty cung cấp nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư tại các tỉnh thành miền Nam, anh Nguyễn Đức Thành – Trưởng phòng Kỹ Thuật, Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ Điện mặt trời Hưng Việt Phát cho biết: Việc hệ thống thường xuyên cắt giảm công suất làm giảm doanh thu phát điện, gây ra tình trạng phá vỡ phương án tài chính đã hoạch định trước khi triển khai đầu tư, buộc doanh nghiệp đối mặt với áp lực lớn trong việc thanh toán các khoản vay ngân hàng do không đảm bảo nguồn doanh thu từ phát điện, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển lâu dài của công ty.
Cần có biện pháp hạn chế tối đa cắt giảm công suất ĐMT
“Sự bùng nổ năng lượng tái tạo vào năm ngoái cũng một phần do các công ty Việt Nam không được dự báo trước, ngoài ra, việc quy hoạch năng lượng mang tính chủ quan dẫn đến không được kiểm soát. Từ đó, việc giảm hàng tỷ kWh điện từ năng lượng tái tạo bắt đầu vào năm 2021 không chỉ dẫn đến tổn thất cho doanh nghiệp đầu tư mà còn gây lãng phí tài nguyên”, anh Nguyễn Lê Du – Tổng Giám đốc Công ty SolarTecAutom tại Đức nhìn nhận.
Để khắc phục tình trạng cắt giảm ĐMT, theo anh Nguyễn Đức Thành doanh nghiệp cần đặt ra phương án quy hoạch tính toán đồng bộ và phân bổ công suất phát điện từ các nhà máy một cách hợp lý nhất. Đồng thời các đơn vị nhà nước cần đưa ra các phương án có thể cân đối được lợi ích của chủ đầu tư với lợi ích của đơn vị kinh doanh điện năng.
Nhìn nhận từ thực tế, anh Nguyễn Lê Du cho rằng, ngành năng lượng cần hiện đại hóa các đường dây truyền tải điện phù hợp với quy hoạch năng lượng đã được phê duyệt. Và Chính phủ cần dựa vào những vấn đề này để đưa ra quyết định tốt hơn và tiến lên trong lĩnh vực NLMT trong tương lai.
Chính sách cho ngành điện cũng cần xét đến tình huống thực tế là: “cuộc đua năng lượng mặt trời ở Việt Nam rất cam go và mọi người đều tranh giành lợi nhuận. Một số người chưa qua bất kỳ khóa đào tạo nào vẫn có thể cài đặt nó. Các nhà chức trách nên có chính sách công bằng cho các công ty ĐMT chuyên nghiệp. Việc này cũng đồng thời giảm ùn tắc trên dòng điện của EVN”, anh Nguyễn Lê Du chia sẻ.
Vào sáng ngày 31/5/2021, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Quy hoạch điện VIII: Những đột phá kì vọng”, chia sẻ tại buổi tạo đàm, bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc GreenID kiêm Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cho biết: “Chính sách phát triển năng lượng của quốc gia cần quan tâm hỗ trợ sự tham gia và hưởng lợi của các doanh nghiệp nội, chứ không phải chỉ riêng các doanh nghiệp FDI – vốn đã có rất nhiều lợi thế. Quan tâm đến các chính sách cho điện mặt trời phân tán và kết hợp chính là tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam”.
“Để có chính sách thỏa đáng, khắc phục sự thiếu đồng bộ, ngắn hạn, giải pháp căn cơ cần phải làm ngay là xem xét cấu trúc quản trị, ưu tiên đầu tư các giải pháp cho lưới điện. Còn về nguồn điện thì những gì mà người dân và doanh nghiệp làm được thì nên ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp làm. Đây cũng chính là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính”, bà Ngụy Thị Khanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, ngày 01/6/2021, VSEA đã có Thư kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo Quy hoạch điện VIII ưu tiên thực hiện các giải pháp cải cách ngành điện để giải phóng vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch.
Thu Trang-Bảo Hà