Thực hiện Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đã hoàn thiện Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Để có đầy đủ cơ sở trình, báo cáo Chính phủ về Đề án nêu trên, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đánh giá môi trường chiến lược.
![]() |
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bộ Công Thương |
Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 Chương. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nghiên cứu, tính toán một số kịch bản, phương án khác nhau đảm bảo tính khách quan, khoa học, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đề án đã tuân thủ các văn kiện của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển năng lượng, quy hoạch tổng thể quốc gia, bám sát và tiếp thu đầy đủ các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước có liên quan.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh sau khi hiệu chỉnh, hoàn thiện sẽ đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, bao gồm:
Thứ nhất, phạm vi và nội dung quy hoạch tuân thủ và giải quyết đầy đủ các nhiệm vụ nêu trong Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch.
Thứ hai, quy hoạch đã bám sát và cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển điện lực đến năm 2030 theo Nghị quyết 55/NQ-TW, nhịp độ phát triển kinh tế theo Nghị quyết 81 về Quy hoạch tổng thể quốc gia, đáp ứng được cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu, đảm bảo chỉ tiêu về diện tích sử dụng đất các công trình năng lượng điện theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Thứ ba, quy hoạch đã rà soát đồng bộ các yếu tố, thông tin dữ liệu đầu vào, các ràng buộc tính toán, xem xét tính động và mở phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, kế thừa và phát triển tổng thể, tối ưu, đồng bộ, cân bằng giữa nguồn điện, phụ tải điện và lưới điện truyền tải,… do vậy đã đảm bảo được tính khách quan, chính xác và tin cậy, hợp lý của các kết quả đầu ra của mô hình tính toán, đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho nền kinh tế với chi phí tối thiểu, góp phần đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng “0” năm 2050 của Việt Nam.
Thứ tư, quy hoạch đã làm rõ được các nội dung liên quan khác như định hướng liên kết lưới điện với các nước khu vực, phát triển điện nông thôn, điều độ và thông tin hệ thống điện.
Thứ năm, quy hoạch đã nghiên cứu, đề xuất các cơ chế và 10 nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch, tận dụng tối đa các nguồn lực và hỗ trợ quốc tế là điều kiện để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, tăng trưởng xanh của Việt Nam, trong đó đặc biệt quan tâm đến các giải pháp để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Hà An