![]() |
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam |
Thưa ông, ông đánh giá gì về thực trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt tại các thành phố lớn hiện nay ở nước ta?
TS. Hoàng Dương Tùng: Tại một số đô thị lớn của Việt Nam như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, thông số bụi mịn PM2.5 cực cao. Đây là loại bụi nguy hiểm, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, đi vào hệ tuần hoàn máu, gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp và đột quỵ.
Theo thống kê, trung bình một người hít vào và thở ra khoảng 22.000 lần một ngày, mỗi lần hít khoảng 500ml lượng khí. Như vậy, hàng ngày cần 10.000 lít không khí để thở. Bụi mịn PM2.5 với các chất độc hại luôn hiện hữu trong không khí khi hít thở. Với hơn 6 triệu xe máy và gần 800.000 ôtô chạy xăng dầu hoạt động hằng ngày, Hà Nội đang bị bóp nghẹt bởi chính các phương tiện giao thông. Đây là một vấn đề đáng lo ngại và cần sớm có những biện pháp để giảm thiểu.
Như vậy, phương tiện giao thông chính là một trong những nguyên nhân lớn gây ô nhiễm không khí tại đô thị?
TS. Hoàng Dương Tùng: Khí thải ô nhiễm môi trường ở đô thị có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Ở các đô thị, giao thông vận tải là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất, đặc biệt là sự phát thải vào khí quyển như bụi, phương tiện giao thông, xây dựng, một số hoạt động trong nông nghiệp,…
Đặc biệt, khi xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông, mức độ ô nhiễm hơi xăng dầu có thể tăng lên 4 - 5 lần so với lúc bình thường. Ô nhiễm khí CO và hơi xăng dầu (HC) thường xảy ra ở các nút giao thông lớn. Do đó, nguồn khí thải từ giao thông vận tải đang trở thành một nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường không khí ở đô thị, nhất là ở các đô thị lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, chất lượng của các phương tiện giao thông cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Hầu hết những loại xe ô tô cũ và xe máy đang lưu hành đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Các phương tiện giao thông sau một thời gian sử dụng, hệ thống phun xăng sẽ bị hở khiến xăng có nguy cơ bốc cháy cao. Động cơ đốt không hết xăng cũng sẽ sinh ra benzen trong ống xả. Do đó, các phương tiện đã qua nhiều năm sử dụng có chất lượng kỹ thuật thấp, khiến mức tiêu thụ nhiên liệu và nồng độ chất độc hại trong khí xả cao.
Trong khi đó, nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Vì vậy, với mật độ các loại phương tiện giao thông cao, chất lượng các loại phương tiện giao thông kém và hệ thống đường giao thông chưa tốt khiến lượng khí ô nhiễm thải ra môi trường có xu hướng gia tăng.
Tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% số lượng, mặc dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC; 87% CO;... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Theo ông cần có những giải pháp nào để giảm thiểu ô nhiễm không khí hiện nay?
TS. Hoàng Dương Tùng: Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, trước tiên phải xem ô nhiễm không khí bắt nguồn từ đâu, nguyên nhân là gì để chúng ta có biện pháp ưu tiên.
Đối với giao thông, không có cách nào khác ngoài giảm thiểu ô nhiễm từ các phương tiện giao thông cá nhân chạy xăng dầu. Theo tôi có 03 giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí:
Thứ nhất, chúng ta cần tăng cường vận tải công cộng, giảm các phương tiện giao thông cá nhân.
Thứ hai, giảm ô nhiễm từ xe xăng bằng cách tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông chạy bằng điện.
Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ các khí thải thông qua giảm dần dần đăng ký xe mới đối với xe xăng dầu.
Bên cạnh đó, Luật Thủ đô chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội hiện thực hóa lộ trình hạn chế xe cơ giới cá nhân vào một số khu vực nhằm giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường.
![]() |
Ảnh minh họa |
Hà Nội đang triển khai thí điểm vùng phát thải thấp (Quận Ba Đình và Quận Hoàn Kiếm). Ông nhận định như thế nào về thách thức khi triển khai?
TS. Hoàng Dương Tùng: Luật Thủ đô vừa quy định sẽ xây dựng các vùng phát thải thấp, mục đích cũng là giảm thiểu ô nhiễm từ các phương tiện tham gia giao thông. Ở những vùng này người ta sẽ thiết lập chỉ cho những phương tiện giao thông có phát thải thấp đi vào như xe điện, buýt điện,…
Để triển khai vấn đề này cũng không đơn giản, ngoài liên quan đến xe, còn là biện pháp kiểm soát như thế nào; đối với những người dân trong vùng thí điểm thì như thế nào? Vùng thực hiện không phải là một vùng độc lập mà là liên vùng, lúc đó cần có một bài toán tổng thể về chính sách, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện cho người dân,…
Chính vì vậy, đòi hỏi phải có những tính toán cụ thể từ việc thí điểm về mặt quy mô, diện tích, chính sách hỗ trợ, các biện pháp đồng bộ, tuyên truyền,…
Vậy ông có đề xuất, kiến nghị gì để giảm thiểu ô nhiễm không khí?
TS. Hoàng Dương Tùng: Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đã có nhiều đề xuất về vấn đề này. Đầu tiên, về giao thông cần đẩy nhanh quá trình xanh hóa đối với các dòng xe buýt tại Hà Nội, đạt mục tiêu đến năm 2035 tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% tổng số phương tiện được chuyển đổi.
Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi, điển hình như VinFast - một trong những hãng xe tiên phong trong nước về loại bỏ hoàn toàn xe xăng để tập trung vào sản xuất phân phối xe điện.
Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống giao thông đường sắt đô thị, xe buýt công cộng.
Thứ ba, thiết lập được vùng phát thải thấp, giảm các xe xăng, có chính sách hỗ trợ cho xe điện; tổ chức lại các tuyến giao thông kết hợp giảm thiểu ô nhiễm vừa chống ùn tắc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hương Duyên (thực hiện)