![]() |
Thời gian qua, nhiều nước phát triển đã hợp tác với Việt Nam để đẩy mạnh ngành công nghiệp bán dẫn. Chính phủ đặt mục tiêu đến 2030 đào tạo được 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao ngành này. Đây là thách thức hay cơ hội đối với giáo dục đại học Việt Nam, thưa Ông?
Ông Hoàng Nam Tiến: Theo tôi, việc này là cả thách thức lẫn cơ hội cho giáo dục đại học Việt Nam. Thách thức lớn nhất là việc xây dựng một hệ thống giáo dục và đào tạo có thể đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Vì việc này đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, phòng thực hành và đội ngũ giảng viên chất lượng cao.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút sự đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và từng bước nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu
Với những thách thức và cơ hội ông vừa chia sẻ, vậy ông có nhận định như thế nào về ngành học này trong tương lai?
Ông Hoàng Nam Tiến: Ngành công nghiệp bán dẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị này nếu chúng ta có chiến lược đúng đắn và đầu tư hợp lý vào giáo dục và đào tạo. Chương trình học của các trường sẽ cần liên tục cập nhật, đảm bảo sinh viên được tiếp cận với những kiến thức và công nghệ mới nhất.
Thực tế đại học Việt Nam đã có chuyên ngành đào tạo bán dẫn nhưng vẫn ít và thiếu giáo sư đầu ngành, hệ thống đầu tư phòng thí nghiệm rất tốn kém. Vậy ngành giáo dục Việt Nam cần vượt qua những trở ngại trên thế nào?
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi cho rằng để vượt qua những trở ngại này thì nhà trường không thể đi một mình. Việc thu hút và giữ chân các giáo sư, chuyên gia đầu ngành thông qua các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ hợp lý là rất quan trọng. Đồng thời, cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại và tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học có thể tiếp cận với các nguồn lực tài chính và công nghệ từ các đối tác quốc tế.
Những việc này, trường học không làm được một mình mà rất cần sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các trường đại học với chính phủ và doanh nghiệp.
Đối với người học, sinh viên cần phải làm gì để theo đuổi được lĩnh vực này?
Ông Hoàng Nam Tiến: Ngành học nào cũng vậy chứ không riêng gì ngành bán dẫn, để theo đuổi tới cùng và đạt được thành công sinh viên cần phải có đam mê, kiên trì và luôn cập nhật kiến thức mới. Còn với riêng ngành bán dẫn, ciệc học tập các môn cơ bản về công nghệ thông tin, vật lý, và điện tử là rất quan trọng.
Ngoài ra, sinh viên nên tích cực tham gia các dự án nghiên cứu, thực tập tại các doanh nghiệp và tìm kiếm các cơ hội học tập, trao đổi tại các nước có nền công nghiệp bán dẫn phát triển. Với điểm này thì Trường ĐH FPT tự tin có thể cung cấp các cơ hội tốt cho các em sinh viên nhờ hệ thống hợp tác rộng khắp của tập đoàn FPT trên toàn cầu, và nền tảng sẵn có của FPT Semiconductor (công ty cổ phần bán dẫn FPT) và các công ty, dự án trực tiếp hoặc liên quan gần đến lĩnh vực này ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Để đào tạo nhân lực bán dẫn mà chỉ trông chờ vào khu vực công là bất khả thi, theo ông nên phối hợp như thế nào giữa nguồn lực của khu vực công và tư?
Ông Hoàng Nam Tiến: Sự phối hợp giữa khu vực công và tư là cần thiết để phát triển nguồn nhân lực cho ngành mới và nhiều tiềm năng đưa quốc gia chuyển mình như ngành bán dẫn. Chính phủ chắc chắn đã đang và sẽ tạo ra các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này, bao gồm các ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính. Đồng thời, cần tạo ra các chương trình hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp, nơi sinh viên có thể thực tập và làm việc thực tế, đồng thời doanh nghiệp có thể hỗ trợ về công nghệ và tài chính cho các chương trình đào tạo.
FPT là một tập đoàn công nghệ lớn, đang từng bước tham gia vào lĩnh vực bán dẫn này kể cả nghiên cứu phát triển và đào tạo nhân lực, vậy FPT sẽ tham gia cùng Chính phủ như thế nào để phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam?
Ông Hoàng Nam Tiến: FPT đang tham gia vào lĩnh vực chip bán dẫn trong 3 mảng: thiết kế, kiểm thử và đào tạo.
FPT Semiconductor là công ty Việt Nam đầu tiên thiết kế chip thương mại hóa thành lập năm 2022. Hiện, có đơn đặt hàng 70 triệu chip cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… và hợp tác với nhiều tổ chức, công ty tại Nhật Bản, Mỹ.
Trong mảng đào tạo, Tổ chức Giáo dục FPT đã và đang hợp tác với các trường đại học và chính phủ trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Tổ chức Giáo dục FPT có thể cung cấp các chương trình thực tập, tài trợ học bổng và tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các dự án thực tế. Ngoài ra, Tổ chức Giáo dục FPT cũng sẽ đóng vai trò cầu nối, kết nối các đối tác quốc tế với các trường đại học và doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Ông!