Kết nối cung cầu công nghệ để thúc đẩy cơ giới hóa, tự động hóa góp phần đẩy mạnh Nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Đây là nhận định chung của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia Hội thảo “Kết nối cung cầu công nghệ trong nông nghiệp” do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ chủ trì vào ngày 30/10/2020, tại Hà Nội.
Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch làm hướng đi chính để đầu tư, với các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật,… Hơn nữa, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm.
Và việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chính là tiền đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, ngày 14/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 68/2013/QĐ-TTg quy định tổ chức cá nhân được hưởng các chính sách ưu đãi khi mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp không phân biệt máy chế tạo trong nước và nhập khẩu.
Ngày 15/3/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 319/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp,… thuộc danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư phát triển giai đoạn 2017 – 2025.
Tại hội thảo, Thạc sỹ Nguyễn Văn Thành – Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ nêu lên hiện trạng máy nông nghiệp tại Việt Nam còn khá lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún, mức độ trang bị động lực và trình độ cơ giới hóa nông nghiệp còn thấp.
Vì vậy, trong ngắn hạn, Việt Nam cần nâng tỷ trọng sử dụng các sản phẩm trong nước, nhất là các sản phẩm có nhu cầu sử dụng cao như: các loại máy kéo công suất đến 80HP; máy làm đất; máy thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp ngắn ngày như lúa, ngô, sắn,…; các hệ thống sơ chế bảo quản nông lâm sản quy mô công nghiệp. Giảm thiểu nhập khẩu các trang thiết bị có trình độ công nghệ ở mức độ trung bình và các trang thiết bị cũ, bước đầu nội địa hóa một phần các sản phẩm nông nghiệp có trình độ cao.
Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp công nghệ chạy đua với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, PGS.TS. Phạm Anh Tuấn – Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp bảo quản chế biến nông lâm thủy sản, trong đó: Các công nghệ bảo quản chế độ tiên tiến phải được tích hợp thông qua phần mềm ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất; về khoa học công nghệ (giai đoạn 2018 – 2025), Nhà nước cần ưu tiên cho thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ bảo quản chế biến nông lâm thủy sản sau thu hoạch; cần có chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo đối với các viện nghiên cứu, trường đại học về lĩnh vực chuyên ngành bảo quản chế biến nông lâm thủy sản,…
Cùng quan điểm trên, GS.TS Phạm Văn Cường – Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp là phát triển nhân lực công nghệ cao. Những năm vừa qua, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn trong lĩnh vực như công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ thông tin,… Trong nông nghiệp, việc đào tạo nhân lực công nghệ cao phải gắn với nhiệm vụ ứng dụng phát triển công nghệ cao, đảm bảo về số lượng, chất lượng và cơ cấu nhân lực công nghệ cao sử dụng hiệu quả và đãi ngộ thỏa đáng.
Theo đó, nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam đã có những thành tựu ban đầu, đơn cử như trong lĩnh vực tự động hóa, các doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp đã ứng dụng hệ thống tưới tiêu tự động, hệ thống chip tự điện tử theo dõi sức khỏe, theo dõi quá trình sinh trưởng cây trồng, vật nuôi. Hệ thống tự động cho vật nuôi ăn, bón phân, bón nước cho cây trồng theo nhu cầu của cây trồng, vật nuôi. Ứng dụng công nghệ này giúp giảm chi phí và nhân công, cung cấp dinh dưỡng hiệu quả nhất cho sự phát triển của cây trồng, vật nuôi.
Chính vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao để phát triển nền nông nghiệp là yêu cầu cấp bách và thời gian tới cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau: Một là, trong nghiên cứu cũng như đào tạo cần phối hợp chặt chẽ giữa các lĩnh vực công nghệ cao chủ chốt; Hai là, hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các nhà trường; Ba là, xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo đào tạo lại nhân lực công nghệ nông nghiệp từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau; Bốn là, liên kết với các trường đại học phục vụ việc tăng cường liên kết trong đào tạo đổi mới sáng tạo nông nghiệp;…
Có thể thấy, việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm máy nông nghiệp, trang thiết bị máy móc có thế mạnh làm chủ và phát triển được công nghệ chế tạo các sản phẩm máy nông nghiệp có yêu cầu trình độ cao ngang với các nước phát triển. Và để hiện thực hóa được các cơ hội này không thể thiếu sự vào cuộc đồng bộ của các nhà quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất và cả cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong cả nước.
Hương Duyên – Thu Trang