Từ năm 2025, học sinh tốt nghiệp THPT thi 2 môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Qua khảo sát tại nhiều địa phương và Sở GDĐT Hà Nội cho hay, năm nay số thí sinh chọn 2 môn tự chọn là Lịch sử và Địa lý tăng cao. Tại Hà Nội, khảo sát hồi tháng 3/2025 cũng cho hay, có 117.000 học sinh lớp 12 tham gia thi thử tốt nghiệp. Trong đó, 61.000 thí sinh chọn Tiếng Anh (tương đương 52%), môn Lịch sử có 47.500 học sinh chọn, chiếm 40%; Địa lý có 45.000 học sinh chọn, chiếm 38% tổng thí sinh. Vật lý với gần 33.000 thí sinh lựa chọn, chiếm 28%; Hóa học và Sinh học lần lượt 13 và 3%.
Xu hướng này cũng diễn ra ở TP Huế. Trong đợt thi thử tốt nghiệp hôm 10-11/4, gần 38% trong 13.400 học sinh chọn thi Lịch sử; 34% chọn Tiếng Anh và 31% thi Địa lý. Vật lý có trên 30% học sinh lựa chọn, Hóa học 22% và Sinh học 8%.
Tỉnh Bắc Giang, tổ hợp Lịch sử và Địa lý được chọn nhiều nhất với hơn 7.300 thí sinh, chiếm 31% trong gần 23.400 học sinh lớp 12. Vật lý và Hóa học đứng thứ hai với 15%, còn lại hầu hết là cặp tổ hợp có các môn xã hội, như Địa lý - Giáo dục kinh tế và pháp luật (13%), Lịch sử - Ngoại ngữ, Lịch sử - Giáo dục kinh tế và pháp luật (6% mỗi cặp).
![]() |
Năm nay, học sinh vẫn chọn Lịch sử và Địa lý là môn tự chọn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để giảm áp lực (Ảnh minh họa - NH) |
Tỷ lệ học sinh đăng ký thi Tin học và Công nghệ ở các địa phương năm nay vẫn giảm. Việc học sinh chọn thi tốt nghiệp môn xã hội nhiều hơn tự nhiên diễn ra nhiều năm nay. Năm 2024, hơn 670.000 trong khoảng một triệu học sinh chọn bài tổ hợp khoa học xã hội, tương đương 63%, cao nhất 7 năm qua.
Theo lý giải của lãnh đạo Sở GDĐT một số địa phương, Lịch sử và Tiếng Anh là hai môn bắt buộc trong chương trình mới, nên em nào cũng được học. Cùng đó, nhiều học sinh xét tuyển bằng tổ hợp D01 (Văn, Toán, Tiếng Anh) nên ngoài ba môn này, các em chỉ cần thi thêm một môn nữa. Nhóm này thường chọn Lịch sử, Địa lý hoặc Giáo dục kinh tế và Pháp luật để không quá áp lực. Việc nhiều học sinh chọn môn xã hội có thể xuất phát từ tính toán cơ hội vào đại học, bởi nhiều em cho rằng những môn này dễ đạt điểm cao.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng về môn thi tốt nghiệp của học sinh, các địa phương có nhiều hình thức hỗ trợ ôn tập. Ví dụ, tại Hà Nội, ngoài học ở trường, học sinh có thể học qua truyền hình và thông qua ứng dụng Hanoi On. Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu giáo viên rà soát và phân loại học sinh theo trình độ để có phương án bồi dưỡng hiệu quả. Sở cũng lưu ý thầy cô về dạng câu hỏi đúng/sai trong đề thi theo cấu trúc mới để học sinh tránh mất điểm.
Sở GDĐT Huế yêu cầu các trường xây dựng đề minh họa cho từng môn. Hội đồng chuyên môn của Sở sẽ thẩm định những đề này, từ đó xây dựng thư viện đề thi dùng chung cả thành phố, kèm bài giảng, video của giáo viên. Với các trường ở vùng khó khăn, Sở sẽ cử giáo viên, chuyên viên tới dạy các chuyên đề trọng tâm, có thể dạy trực tuyến hoặc trực tiếp.
Tại Bắc Giang, Sở Giáo dục yêu cầu các trường xác định nhu cầu thực tế của học sinh dựa trên số liệu thống kê môn thi tốt nghiệp, từ đó phân nhóm ôn tập, kể cả những tổ hợp có lựa chọn thấp để đảm bảo mọi học sinh đều được hỗ trợ. Theo đó, Bắc Giang cũng sẽ tổ chức các buổi phân tích cấu trúc đề tham khảo thi tốt nghiệp, những lỗi sai học sinh thường gặp, từ đó hướng dẫn các em một số kỹ thuật làm bài.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra trong hai ngày 26-27/6 với khoảng 1,1 triệu thí sinh tham dự, tăng 40.000 so với năm ngoái. Đây là lần đầu kỳ thi tốt nghiệp diễn ra theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo yêu cầu của Bộ GDĐT, tất cả các địa phương đều phải tổ chức thi thử cho học sinh THPT trước thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp cấp quốc gia. |