Nghệ thuật thứ 8 của Người Hà Nội xưa |
Ảnh tư liệu |
Ngày bé, mỗi lần được theo người lớn về quê ở làng Hoàng Mai (ngoại thành Hà Nội, nay thuộc quận Hai Bà Trưng) đều thấy cô hàng xóm cạnh nhà bác tôi đi làm đồng về, vục nón múc nước trong chiếc giếng to giữa làng mà uống ừng ực. Nước giếng trong vắt. Mặt giếng bèo ong thả gần kín, trông như những chiếc tổ ong xinh xinh. Hầu như cả làng đều lấy nước giếng này để làm nước nấu ăn và tự giác giữ gìn cho giếng được trong sạch.
Cô bảo tôi: “Nước ngọt, mát lắm. Cháu thử làm một ngụm thì biết!” Tôi không dám vì trẻ con thành thị đã được người lớn dạy uống thế là mất vệ sinh. Mẹ tôi còn kể: có người vì uống nước ao, nước vũng đã bị đỉa chui vào mũi, vào ruột, hút hết máu nên xanh xao vàng vọt như tàu lá chuối. Thế nhưng đã có lần, tôi tò mò vục cái gáo dừa múc nước mưa trong chiếc bể nhà bác tôi làm thử dăm ngụm vì nghe nói nước mưa ngọt lắm. Tôi nghĩ chắc là ngọt như đường nên uống thử. Thấy chẳng khác thứ nước lọc thành thị mà ở nhà tôi vẫn uống. Và tôi cũng chẳng bị đau bụng như người lớn vẫn dọa.
Trong nhà tôi cũng như trong nhiều gia đình ở Hà Nội hồi ấy, luôn có dăm chai thủy tinh đựng nước lọc. Nước lọc là nước máy (hoặc nước mưa) đun sôi trong siêu đồng và sau này là ấm nhôm. Trước đây, người Hà Nội thường dùng củi để đun nấu, ít dùng than và hiếm khi dùng điện. Khi đun nước, cũng phải đun thật sôi. Bà tôi bảo, nếu nước đun chưa đủ sôi đã đem uống thì sẽ bị đái rắt, chẳng biết có đúng không. Khi đun nước phải hết sức chú ý củi lửa để tránh cho nước khỏi bị oi khói. Nước bị oi khói thì uống có mùi khét rất khó chịu. Chai đựng nước lọc phải được cọ rửa thật sạch. Đó thường là những vỏ chai rượu cũ bằng thủy tinh trắng. Thỉnh thoảng phải súc rửa bằng cách thả mấy viên sỏi nhỏ vào cùng mấy mẩu xà phòng bào ra từ những bánh xà phòng vuông vuông có đúc nổi con số 72% chất dầu. Lúc ấy, người Hà Nội chưa có xà phòng bột, cũng chưa có các loại nước tẩy rửa bày bán nhan nhản như ngày nay. Phải rửa đi rửa lại nhiều lần cho chai thật trong, thật sạch và không còn mùi xà phòng.
Người ta không bao giờ dùng những vỏ chai đã đựng nước mắm hay đựng dầu hỏa để chứa nước lọc cả. Khi nước đã đun sôi, để nguội, bà tôi hoặc chị tôi thường lấy một nhúm bông sạch đặt trên một miếng gạc rồi lót trong miệng chiếc phễu nhôm chuyên dùng để lọc nước chứ không dùng vào bất cứ việc gì khác như rót rượu, rót nước mắm...; sau đó, cắm phễu vào các cổ chai rồi kiên nhẫn rót nước vào đầy từng chai. Miệng chai được đậy kín bằng những chiếc bồ đài hình nón nhọn làm từ bìa các tông để tránh bụi không lọt vào chai. Các chai nước lọc trong nhà tôi luôn luôn được xếp ngay ngắn trên một chiếc tủ nhỏ vừa tầm với của trẻ con. Cạnh đó là chiếc cốc thủy tinh cũng sạch bong, đặt úp xuống một đĩa sứ. Chúng tôi đi học về, chạy nhảy nô đùa mồ hôi ướt đẫm hay bố tôi đi làm về đều cẩn thận rót nước ra chiếc cốc nhỏ. Uống đến đâu thì rót đến đấy, không rót quá nhiều lại phải đổ đi. Ai mà dám phí phạm thứ nước mát lành mà bà tôi, chị tôi đã đun sôi kỹ càng, cất giữ cẩn thận! Sau này, khi chúng tôi đã lớn hơn, mấy chị em tự phân công nhau luân phiên mỗi ngày một người chịu trách nhiệm đun nước và lọc nước cho cả nhà.
Ảnh tư liệu |
Ngày nay, thời hiện đại, nhiều gia đình đã bỏ hẳn kiểu uống nước lọc đun nấu cầu kỳ này, có nhà chuyển sang uống nước tinh khiết đóng chai, có nhà dùng bình lọc nước nên uống thẳng nước từ vòi. Hầu như gia đình nào cũng đã có tủ lạnh nên luôn có sẵn chai nước mát. Tôi cũng bị cái tủ lạnh làm hư mất thói quen bình dân xưa - là uống nước đun sôi, để nguội. Nay uống nước không lạnh thì thấy khó chịu. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ cách uống như xưa, đó là rót nước ra cốc. Thuở trước, nết ăn, uống được ông bà, cha mẹ dạy kỹ lắm. Việc cầm cả chai nước tu ừng ực là điều cấm kỵ trong gia đình tôi.
Thế nên tham dự hội nghị này kia, thấy không ít vị đại biểu cầm cả chai nước tu ừng ực dù trước mặt đã bày sẵn cốc tách tinh tươm, tôi thấy khó chịu. Tu nước là thói quen của nhiều người khi đi thực địa, chai nước của ai người nấy uống, không tu lẫn của nhau. Thế nhưng khi ngồi trong bàn hội nghị, chẳng biết có nên giữ cách uống ấy không nhỉ?
Nếu bà tôi còn sống mà cụ nhìn thấy tôi ngửa cổ tu nước ừng ực như thế thì cụ mắng cho phải biết. Chắc chắn cụ sẽ bảo: “Người Hà Nội ai lại uống như thế bao giờ hả cháu!”
Tác giả Vũ Thế Long