Nghệ thuật thứ 8 của Người Hà Nội xưa Người Hà Nội uống nước lọc |
Người Hà Nội và bia
Tôi tiếp nhận cái văn minh "ăn rượu" từ bà tôi, mẹ tôi truyền cho mỗi dịp tết Đoan ngọ và tiếp nhận văn minh "uống bia" từ ông nội tôi.
Chuyện là cứ vào tiết đổi trời mùa hạ, cái oi bức kinh khủng làm cho ai nấy mệt rũ người, nhìn bầu trời đầy mây, ông tôi lại lo lắng bảo: "Trời như thế này thì trên nguồn mưa phải biết. Cái oi này là oi nước sông sắp lên đây!" (Quả vậy, chỉ một hai hôm sau là nước sông đỏ ngầu từ nguồn đổ về. Dân ngoài đê sông Cái lại lũ lượt chạy vào khu Bác Cổ để tránh lụt.) Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, khó thở do thời tiết, ông tôi lại kêu tôi cùng ra đầu phố để “làm tợp bia”. Đấy là lối nói của cụ mỗi lần rủ tôi đi uống.
Ảnh minh họa |
Ngay góc ngã tư đường Trần Xuân Soạn - Thi Sách, cạnh trường tư thục Lam Sơn lúc bấy giờ có một quầy giải khát nhỏ do ông Bẩy làm chủ. Quầy giải khát dựng ngay trên vỉa hè, mặt sàn vuông vắn mỗi chiều chừng 4 mét, tường gỗ sơn xanh, mái lợp tôn. Loại quầy giải khát kiểu này, thời ấy, được dựng lên khá nhiều ở bên bờ hồ Hoàn Kiếm đoạn dọc phố Hàng Trống và bán đủ thứ từ rượu bia, nước chanh đá, nước dừa cho đến kẹo bánh. Người ta xếp dăm chiếc ghế mây, ghế vải trên vỉa hè để khách có thể ngả lưng, đong đưa ngồi hứng gió, giải khát và ngắm nhìn thiên hạ qua lại. Lúc ấy, dân số Hà Nội còn thưa lắm nên những cửa hàng kiểu này vẫn được phép xuất hiện đàng hoàng trên vỉa hè, góc phố và cái thú ăn uống trên vỉa hè là một trong những cái thú của người Hà Nội.
Ông tôi uống bia không phải vì nghiện. Cụ uống bia cũng như uống thuốc vậy. Cứ mỗi khi trở trời oi bức, thấy khó thở, cụ lại gọi một chai bia nhỏ và "làm một tợp" cho dễ thở. Tôi đi theo cụ cho vui thôi chứ có uống đâu. Tất nhiên là bia gọi ra, thế nào cũng phải hai cốc. Tôi thì một cốc đá và cụ cũng san cho tí bia gọi là. Ở đời hiếm ai đi uống bia một mình. Có lẽ vì thế mà cụ gọi tôi - thằng cháu đích tôn đi theo cho có bạn.
Loại bia mà tôi được uống lần đầu tiên trong đời là thứ bia sản xuất chính hiệu từ Tiệp Khắc (cũ), được nhập vào bán ở Hà Nội từ những năm sau hòa bình 1954. Bia đựng trong chai thủy tinh nhỏ, màu xanh, cổ chai bịt giấy bạc. Sau này, có dịp sang Tiệp Khắc (cũ), tôi thấy loại bia này vẫn được bày bán. Ở nước bạn, kiểu dáng, nhãn mác và chất liệu của từng loại bia được trân trọng gìn giữ từ đời này qua đời khác như một thứ quốc bảo về ẩm thực.
Thú thật, ngụm bia đầu tiên tôi được uống sao mà đắng thế. Bia vừa vào miệng đã suýt phải nhổ ra vì đắng. May mà tôi chưa kịp thực hiện cái phản xạ đáng xấu hổ ấy trước mặt ông tôi. Thế rồi, dần dần cũng quen, tôi uống được hết phần bia mà ông tôi rót cho và cũng cảm thấy nó là lạ, có một hương vị dễ chịu mặc dầu có đắng tí chút. Sau này trưởng thành, tôi là một trong số những người rất thích bia, yêu văn hóa bia nhưng nếu như không có bia dăm bảy tháng thì cũng chẳng hề gì. Tôi không hẳn là nghiện bia nhưng từ lâu tôi đã mắc phải chứng nghiện cái không khí cộng đồng của bia. Người uống bia luôn có bè có bạn. Người ta uống với bạn, uống vì bạn. Đôi khi làm thơ, sáng tác ngay trên bàn bia với bạn bè.
Ông tôi bảo rằng trước đây, Hà Nội cũng có nhà máy bia Hommel do người Pháp xây dựng ở đường Hoàng Hoa Thám. Hồi ấy người ta bán hai loại bia, một loại gọi là cổ vàng và loại khác là cổ trắng (cổ chai được bọc bởi hai loại giấy bạc khác màu), có độ đậm nhạt khác nhau. Xe ô tô xitec bán bia và nước cam có ga đỗ ở cạnh vườn hoa Chí Linh, gần nhà dây thép, luôn sơn màu vàng với nhãn hiệu con hổ màu đỏ trong vòng tròn. Khách qua đường có thể ghé lại, ghếch chân trên xe đạp làm một bốc bia.
Nghe nói phải tìm mãi, người ta mới thấy được vùng Hoàng Hoa Thám - Ngọc Hà là vùng có nguồn nước thích hợp để nấu bia. Trong công nghệ nấu bia, nước là nguyên liệu quan trọng bậc nhất. Dù có hoa Hublông (hoa bia), lúa mạch thứ thiệt, máy móc và quy trình sản xuất hiện đại đến mấy mà nguồn nước không ra gì thì cũng coi như bỏ.
Thuở trước, người Pháp làm ra bia chủ yếu là để phục vụ cho tầng lớp trên trong xã hội. Người dân thường Hà Nội hầu như rất ít khi được uống bia. Đại đa số không biết bia là gì.
Từ cuối những năm 50, nhà máy bia Hà Nội đã ra đời trên nền nhà máy bia của Pháp xây dựng trước đây ở đường Hoàng Hoa Thám. Nhà máy mở các đại lý bia ở khắp Hà Nội để phục vụ nhân dân với giá bao cấp là ba hào một vại bia lớn. Trong các đại lý này, người ta đem đến từ nhà máy bia những thùng bia hình trụ có đóng đai sắt, mỗi thùng khoảng 50 lít. Bia được rót cho khách qua những chiếc vòi to có khóa cố định trên quầy theo kiểu châu Âu. Bên quầy còn có những bình CO2 để sục khí làm lạnh bia và tạo thêm ga cho bia. Ngoài bia hơi, nhà máy còn sản xuất bia chai với các nhãn hiệu bia Trúc Bạch và bia Hữu Nghị.
Thoạt đầu, khi mới đem bia ra bán, dân Hà Nội nhiều người còn bỡ ngỡ. Trừ một số công chức hay những người đã sống lâu ở thành thị thì thỉnh thoảng có uống bia, còn đa số người Hà Nội mới về sống ở Thủ đô từ sau giải phóng chưa quen với thứ giải khát này. Cửa hàng bia lúc đầu thưa thớt, vắng tanh. Lúc ấy, thương nghiệp phải tìm đủ mọi cách để tiêu thụ lượng bia sản xuất được. Người ta bán bia hòa lẫn với si rô để có vị ngọt dễ uống hay bia kèm theo một đĩa đường kính. Có cửa hàng kem ở Gia Lâm lại bán bia kèm theo chiếc kem que thả vào trong cốc mà chẳng hiểu sao lũ bạn tôi lại gọi thứ bia kem ấy là “kem cối”.
Sau một thời gian ngắn, người Hà Nội đã dễ dàng chấp nhận và phổ thông hóa thứ nước uống có gốc châu Âu này. Có lẽ lớp người chấp nhận bia sớm nhất ở Hà Nội chính là những người lao động nặng và đội ngũ văn nghệ sĩ. Giới văn nghệ sĩ thường tụ tập quanh bàn bia để bàn chuyện văn chương thế sự. Quán bia Cổ Tân gần Nhà hát lớn, quán "chuồng cọp" đầu Nguyễn Đình Chiểu... là nơi cụ Nguyễn Tuân, họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Mai Văn Hiến và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác thường lui tới.
Càng ngày, công chúng đến với bia càng đông, cầu không đủ cung nên việc mua bia ngày càng khó. Người ta phải xếp hàng rồng rắn tới hai ba trăm mét, người nọ nối người kia để mua một cốc bia. Đứng dẹp trật tự là một anh chàng béo mập, lùn lùn với chiếc loa pin lặp đi lặp lại bài thơ nhắc nhở:
"Muốn uống bia hơi phải xếp hàng
Xin đừng nhường chỗ chớ chen ngang
Chen ngang phát hiện cho màu áo
Kiên quyết mời ra rất nhẹ nhàng."
Khách mua bia đông quá, người ta phải nghĩ ra nhiều kế khác nhau để giữ trật tự khu vực bán bia, chống nạn phe bia, đầu cơ bia. Cuối cùng thì đã có một sáng kiến tuyệt vời để chống chen ngang: làm một dây thép dài để xỏ những đồng xèng nhôm đục lỗ. Mỗi người đến cửa mua vé chỉ được mua một đến hai cốc và nắm tay vào những đồng xèng thay cho chiếc tích kê của mình; người nọ đứng ép sát vào người kia, tay nắm đồng xèng đẩy cho đến cửa rót bia để hưởng cái hạnh phúc có trong tay một hai cốc bia sau hàng giờ xếp hàng trong khấp khởi và hy vọng.
Ngày nay, bất cứ ai đến Hà Nội cũng sẽ dễ dàng nhận ra bản sắc uống mới của người Hà Nội. Đó là bia và bia hơi. Khắp nơi đều mở ra các quán bia hơi. Về khoản bia hơi thì vào thời điểm tôi đang viết bài này, có lẽ Hà Nội là thành phố đứng đầu về sản xuất và tiêu thụ bia hơi trong cả nước. Nhiều nơi khác hình như thích uống bia chai hơn.
Bia tung ra thị trường ngày một nhiều, có cả các thương hiệu liên doanh bên cạnh thương hiệu nội. Các điều kiện phục vụ cho người uống bia đã ngày càng cải tiến. Duy có một điều mà các quán bia hơi ở Hà Nội vẫn tỏ ra vô cùng bảo thủ, đó là những chiếc cốc vại thô kệch làm bằng thứ thủy tinh tái sinh đầy bọt vẫn giữ nguyên hình dạng nguyên thủy từ mấy chục năm nay, khi mà bia hơi mới ra đời ở Hà Nội. Có lần tôi dẫn một anh bạn người Mỹ đi chơi phố, tạt vào quán bia gần Nhà hát lớn. Anh bạn Mỹ của tôi vốn có thú sưu tầm các loại cốc uống bia cứ khẩn khoản nhờ tôi kiếm cho một chiếc cốc vại bia hơi Hà Nội. Theo anh ta, đây là loại cốc uống bia độc nhất vô nhị trên thế giới. Rốt cuộc, bà chủ quán đã tặng khách cả một đôi cốc thủy tinh thô kệch làm kỷ niệm.