Tự động hóa luôn là lĩnh vực thầm lặng, không nóng như AI, bán dẫn nhưng luôn có đóng góp không nhỏ trong nền kinh tế hiện nay – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh tại Khai mạc Hội nghị Khoa học và Triển lãm quốc tế lần thứ 7 vào ngày 10/5, tại Đại học Hàng Hải Việt Nam.
• 3 đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ cho Hội Tự động hóa Việt Nam
• Khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 7 về Điều khiển và Tự động hóa
Đến dự chương trình có ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ; ông Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ; ông Phạm Ngọc Linh – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Về phía Ban tổ chức có ông Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị VCCA 2024; ông Dương Nguyên Bình, Phó Chủ tịch thường trực VAA, Trưởng Ban tổ chức VCCA 2024; ông Thái Quang Vinh, Trưởng ban Chương trình Hội nghị VCCA 2024; ông Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng trường ĐH Hàng Hải Việt Nam và hơn 300 người là các nhà khoa học, các báo cáo viên, nghiên cứu sinh, học viên. Ngoài ra, hội nghị cũng thu hút các doanh nghiệp quan tâm đến sự kiện cùng nhiều sinh viên đến từ các trường đại học kỹ thuật.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Chủ tịch VCCA 2024 Việt Nam cho biết, Việt Nam đang bước vào năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bước sang năm thứ 4 thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã rất quyết liệt thực hiện và đã có những thành công bước đầu.
Chính Phủ đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Theo báo cáo, năm vừa rồi, kinh tế số của chúng ta đã đạt được xấp xỉ 16% GDP. Đây là mục tiêu đầy khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, có thuận lợi là cộng đồng các nhà khoa học luôn quan tâm đồng hành cùng Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Hiện nay hầu hết dịch vụ công đã được thực hiện trên môi trường số, xã hội số bước đầu cùng có những tiến bộ. Tuy nhiên, kinh tế số – một trong ba trụ cột của Chính phủ số còn nhiều thách thức. Hoạt động chuyển đổi số còn nhiều khó khăn, măc dù có sự đồng hành nhưng nhận thức cũng như năng lực thực hiện còn có hạn chế. Hội Tự động hóa Việt Nam nhận thức được điều đó. Sự kiện này hôm nay là dịp kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp,… để cùng nhau thảo luận, giới thiệu các kết quả nghiên cứu, công nghệ mới để tiến tới đạt mục tiêu đặt ra.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị khoa học, Bộ trưởng Bộ KH và CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao Hội Tự động hóa Việt Nam, với bề dày 30 năm hoạt động đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc kết nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, các tổ chức và doanh nghiệp lĩnh vực điều khiển, tự động hóa, tạo điều kiện phát huy hiệu quả mọi nguồn lực của ngành trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, diễn đàn VCCA là hoạt động thường niên của Hội Tự động hóa Việt Nam, qua 13 năm triển khai, VCCA đã trở thành một diễn đàn lớn, có uy tín trong nước và quốc tế, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, nhà sản xuất hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Hoàng Minh Sơn đánh giá cao những hoạt động mà Hội Tự động hóa Việt Nam đã làm được trong thời gian qua. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, tự động hóa luôn là lĩnh vực thầm lặng, không nóng như AI, bán dẫn nhưng luôn có đóng góp trong nền kinh tế.
“Chúng tôi luôn đánh giá cao vai trò của các nhà khoa học, các nhà đào tạo, đặc biệt vai trò của Hội Tự động hóa Việt Nam trong vai trò kết nối được các nhà khoa học, doanh nghiệp. Mỗi kỳ Hội nghị hàng năm luôn có sự đổi mới, gắn kết 3 nhà, từ đó gắn kết nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết nghiên cứu với đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Chúng tôi kỳ vọng vai trò của Hội tiếp tục được phát huy để gắn kết đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đất nước chúng ta đang đứng trước cạnh tranh mạnh mẽ trên trường quốc tế, trong đó có nguồn nhân lực. Suy cho cùng chúng ta vẫn cần nhân lực chất lượng cao”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng đề nghị trong thời gian tới cần tập trung vào những nội dung sau:
Thứ nhất, trong xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vai trò của các kỹ sư tự động hóa là không thể thiếu do đó cần vai trò gắn kết các nhà để tăng chất lượng và số lượng đào tạo ngành Điều khiển – Tự động hóa. Trong những năm gần đây nguồn đào tạo tiến sĩ ngành có xu thế giảm là đang đi ngược lại với xu thế công nghệ;
Thứ hai, tranh thủ tận dụng được các tiến bộ của các ngành khác như AI, bán dẫn, công nghệ số để làm sao tận dụng được các tiến bộ công nghệ đó phát triển tự động hóa;
Thứ ba, với vai trò kết nối, VAA thu hút được đội ngũ các chuyên gia quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài cùng tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao, tù đó vươn tầm, nâng tâm quốc tế để phát triển công nghệ tự động hóa trong nước.
Ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, VCCA đây là dịp để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế có thể giới thiệu kết quả các công trình nghiên cứu của mình, là dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học thuật cho những người công tác trong lĩnh vực Điều khiển và Tự động hoá.
Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, Hội nghị nên tập trung vào các vấn đề đang được giới khoa học, doanh nghiệp và xã hội quan tâm như: Tương lai của Điều khiển và Tự động hoá; Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và IoT; Giải pháp Điều khiển và Tự động hoá công nghiệp.
Chia sẻ tại Lễ khai mạc, ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, hội nghị Khoa học và Triển lãm quốc tế về Điều khiển và Tự động hóa lần này với nội dung hết sức phong phú, chất lượng cao, với sự tham gia tích cực của đông đảo các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước,…
Hội nghị được tổ chức tại Hải Phòng là cơ hội tốt để các cán bộ quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên tìm hiểu, tiếp cận, tìm hiểu thông tin, giao lưu học hỏi, góp phần đẩy mạnh ứng dụng điều khiển và tự động hóa trong phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Phạm Xuân Dương – Hiệu trưởng trường ĐH Hàng Hải Việt Nam cho biết, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nằm trong chiến lược xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia cho phát triển kinh tế biển. Do đó khoa học công nghệ luôn là chiến lược cho mục tiêu đào tạo của nhà trường, trong đó có chuyên ngành Điều khiển tự động. Đại học Hàng hải Việt Nam vinh dự và tự hào vì được đăng cai VCCA 2024. Sự kiện với 3 hoạt động lớn diễn ra suốt trong 3 ngày là cơ hội lớn để các thầy cô giáo cũng như các nhà khoa học, các sinh viên được tiếp cận những tiến bộ khoa học công nghệ.
Các đại biểu tham gia Hội nghị. Ảnh Hương Duyên
144 công trình khoa học được công bố tại hội nghị
Kinh tế xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường và công bằng xã hội.
Từ tháng 9/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.
Tại văn kiện Đại hội XIII đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”.
Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh của đất nước cũng như hưởng ứng chủ để của VCCA năm nay – Tự động hóa, chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, hội nghị năm nay có số lượng bài nộp nhiều hơn – 168 bài của gần 360 tác giả. Với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm qua các vòng của các ủy viên phản biện đồng thời cũng là ủy viên Ban chương trình là các GS, PGS và TS – cán bộ nghiên cứu, giảng dạy nhiều kinh nghiệm ở các viện và trường đại học, Ban chương trình đã chọn được 144 báo cáo để trình bày tại hội nghị. Quá trình nộp bài, phân phản biện và đánh giá, nhận xét đều thực hiện theo mẫu tiêu chuẩn của các Hội nghị quốc tế và được giám sát bởi các ủy viên phản biện qua trang web của Easychair.
Hội nghị khoa học sẽ tổ chức trong 2 ngày với hình thức trực tiếp, bao gồm Phiên toàn thể với 19 tiểu ban và 4 báo cáo phiên toàn thể đến từ Hàn Quốc, Nhật và Australia và Việt Nam.
Ngoài các chủ đề truyền thống có số lượng bài đề cập nhiều như:Điều khiển các loại máy điện, truyền động; Điều khiển điện tử công suất; Hệ thống năng lượng và năng lượng tái tạo; Mô hình hóa và điều khiển rô bốt công nghiệp, rô bốt di động IoT, bigdata, AI; Mạng cảm biến và hệ thống đo lường, điều khiển thông minh.
Hội nghị lần này còn thu hút được nhiều báo cáo về lĩnh vực Tự động hóa trong công nghiệp tàu thủy không những từ các tác giả của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam mà còn từ nhiều đơn vị khác. Các báo cáo được trình bày tại Tiểu ban Tự động hóa trong công nghiệp tàu thủy và các Tiểu ban khác liên quan.
Ngay sau phiên khai mạc, hội nghị đã được nghe phần trình bày của 4 báo cáo mời về các chủ đề:
– Eco-Friendly Electric Propulsion System Verification Center (MASTC) and the results of the development of inverter drives for propulsion.
– Mobility DX infrastructure developing in Japan.
– Drones: Modelling, Control, Formation and Vision-based Inspection
– National Governance in the Context of the Fourth Industrial Revolution (4.0)
Sau phiên toàn thể là 19 phiên họp của 19 Tiểu ban. Mỗi báo cáo có 15 phút để các tác giả trình bày và thảo luận các kết quả nghiên cứu của mình. Hội nghị khoa học sẽ diễn ra đến hết sáng ngày 11/5. Như thường lệ, sau khi hội nghị kết thúc, Ban chương trình sẽ trao giải cho bài báo hay nhất của hội nghị.
Một số hình ảnh tại hội nghị
Hơn 100 thầy cô, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội – ngành Điều khiển – Tự động hóa tham gia tại Hội nghị VCCA 2024.
Hà An – Hà Anh