Lễ khai mạc Sea Games vào tối nay (12/5) hứa hẹn sẽ là bữa tiệc của âm thanh và ánh sáng với sự xuất hiện của những thiết bị công nghệ hiện đại nhất từ trước đến nay.
Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc Sea Games 31 sẽ là sự kiện được kỳ vọng sẽ mang đến cho khán giả trong và ngoài nước những hình ảnh đẹp về văn hóa, truyền thống, con người Việt Nam, lan tỏa tinh thần, truyền tải thông điệp của Sea Games 31 – “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” (For a stronger Southeast Asia). Sẽ có 5 đại cảnh được biểu diễn trong lễ khai mạc, thể hiện đậm nét văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á.
Điểm nhấn của Lễ khai mạc Sea Games 31 chính là sự kết hợp của các màn đồng diễn và công nghệ hiện đại, qua đó tạo nên những hình ảnh đặc biệt ấn tượng, chưa từng xuất hiện trong bất kỳ sự kiện nào tại Đông Nam Á trước đây. Những biểu tượng của đất nước, con người Việt Nam như cây tre, hoa sen, áo dài, nón lá, tranh Đông Hồ,… sẽ được khắc họa trên siêu màn hình rộng 7000m2 trên mặt sân Mỹ Đình. 40 môn thể thao của Sea Games 31 thể hiện qua hình ảnh linh vật Sao la, cũng sẽ được “vẽ” bằng ánh sáng.
Theo ông Hoàng Công Cường-đạo diễn sân khấu sự kiện, lễ khai mạc Sea Games 31 là màn trình diễn của các loại công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới như công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa (Mapping), công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality – AR), công nghệ thực tế mở rộng (Extended Reality – EX),… Những công nghệ này sẽ làm sân khấu trở nên hoành tráng hơn, cập nhật với xu hướng của thế giới.
Theo đó, sân khấu chương trình được thiết kế đảm bảo tính chất của một sự kiện tầm cỡ quốc tế, sở hữu công nghệ trình diễn hiện đại với 44 máy chiếu công nghệ cao, trình diễn công nghệ trình chiếu 3D và AR (từng được sử dụng rất nhiều tại các sự kiện lớn trên thế giới).
Công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa Mapping
3D Mapping là công nghệ được sử dụng phổ biến nhất trong các sự kiện văn hóa trên thế giới. 3D Mapping là sự kết hợp giữa 3D và công nghệ làm phim. Kỹ thuật làm Mapping sẽ dựng một mô hình có tỷ lệ kích thước giống hoàn toàn 100% so với vật thể thật, sau đó, từ mô hình trên máy tính, kỹ thuật viên sẽ tạo các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng 3D để trình chiếu cho người xem.
Còn nhớ, tại kỳ Olympic Tokyo 2020, công nghệ 3D Mapping đã tạo nên những hình ảnh tuyệt đẹp trong các phần thi chung kết của bộ môn điền kinh.
Công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality – AR)
Công nghệ AR (Augmented Reality) là công nghệ thực tế tăng cường, nói chính xác hơn là “công nghệ tích hợp đồ họa máy tính và mạng internet vào thế giới thực”. AR được định nghĩa là sự mở rộng thực tế vật lý bằng cách thêm các lớp thông tin do máy tính tạo ra. Công nghệ AR đang từng bước thay đổi những trải nghiệm thưởng thức của chúng ta và đang được phát triển để ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như giải trí, giáo dục, kỹ thuật,… đặc biệt là biểu diễn trong các sự kiện lớn.
Công nghệ này đã từng khiến khán giả kinh ngạc khi lần đầu được ứng dụng trong Lễ Khai mạc Chung kết thế giới giải game Liên minh huyền thoại tại sân Tổ chim, Trung Quốc. Hãng Riot Games đã sử dụng công nghệ AR để mô phỏng hình ảnh một con rồng khổng lồ bay lượn trên sân vận động. Để làm được điều này, các kỹ sư của Riot đã ghi hình trực tiếp bằng AR, sau đó dùng công nghệ CGI (kỹ xảo điện ảnh) để xử lý hình ảnh con rồng. Thực tế, các khán giả trên sân không thể trực tiếp nhìn thấy hình ảnh này, nhưng có thể chiêm ngưỡng màn xuất hiện hoành tráng thông qua màn hình. Tối nay, hình ảnh rồng thời nhà Lý cũng sẽ xuất hiện tại Lễ khai mạc Sea Games 31 bằng công nghệ thực tế tăng cường AR.
Bình An