Trong khoảng thời gian gần đây, thuật ngữ Metaverse đang tạo nên một xu hướng và được nhắc đến ở khắp mọi nơi, đặc biệt là khi ông chủ Facebook-Mark Zuckerberg quyết định đổi tên công ty thành Meta, với mục tiêu đi sâu vào thế giới trực tuyến này. Tiếp bước Facebook, các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Microsoft, Nvidia, Tecent,… cũng đã đầu tư vào lĩnh vực này nhằm tạo nên những vũ trụ ảo của riêng mình.
Cả thế giới đang bàn luận về Metaverse nhưng không nhiều người hiểu rõ được bản chất và định nghĩa chính xác được từ khóa này. Chúng ta ở thời điểm hiện tại đang nói và hiểu về “Metaverse” giống như thế hệ trước thảo luận về “internet” có nghĩa là gì trong những năm 1970. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi “Metaverse là gì?” và “Metaverse được ứng dụng thế nào trong đời sống?”
Metaverse là một khái niệm về một không gian ảo 3D, trực tuyến kết nối người dùng trong mọi khía cạnh cuộc sống của họ. Hiểu đơn giản, Metaverse sẽ kết nối nhiều nền tảng, tương tự như internet chứa các trang web khác nhau có thể truy cập thông qua một trình duyệt duy nhất. Trên không gian ảo này, người dùng có thể làm việc, gặp gỡ, chơi trò chơi, buôn bán và và thậm chí là thưởng thức nghệ thuật cùng nhau.
Metaverse sẽ được điều khiển bởi công nghệ thực tế tăng cường (VR,AR), với mỗi người dùng điều khiển một nhân vật trên nền tảng vũ trũ ảo. Ví dụ: bạn có thể tham gia một cuộc họp thực tế hỗn hợp với tai nghe Oculus VR trong văn phòng ảo của mình, hoàn thành công việc và thư giãn trong một trò chơi dựa trên blockchain, sau đó quản lý danh mục đầu tư tiền điện tử và tài chính trong Metaverse.
Ngày nay, chúng ta có thể trải nghiệm một số khía cạnh của Metaverse trong thế giới trò chơi điện tử ảo. Các trò chơi như Second Life và Fortnite hoặc các công cụ xã hội hóa công việc như Gather.town mang nhiều yếu tố thực trong cuộc sống của chúng ta vào thế giới trực tuyến. Năm 2003, ứng dụng Second Life đã cho phép người dùng tạo ảnh đại diện để chơi trò chơi, tham gia các cuộc họp, tiến hành kinh doanh và thậm chí mua bán bất động sản ảo. Ví dụ dễ hình dung nhất về một phần nhỏ của Metaverse chính là tựa game Audition nổi đình đám ở Việt Nam cách đây khoảng 15 năm. Trong trò chơi này, người chơi sẽ tạo ra một nhân vật của riêng mình và sử dụng tiền ảo (Vcoin) để mua các vật phẩm như: quần áo, giầy dép, trang sức,…
Một sản phẩm tương tự Metaverse khác là Pokémon Go, một nền tảng trò chơi thực tế tăng cường phổ biến cho phép mọi người tương tác với hình ảnh do máy tính tạo ra chồng lên thế giới thực thông qua camera trên điện thoại thông minh của họ.
Ngoài ra, có thể khẳng định rằng, bất kỳ ai đã từng sử dụng các nền tảng trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams đề sẽ mong muốn được trải nghiệm phòng học, họp ảo. Với Metaverse, chúng ta có thể tham dự các cuộc họp ở bất cứ đâu mà vẫn có thể cảm nhận đang ngồi ngay bên cạnh những đồng nghiệp của mình.
Bên cạnh việc hỗ trợ chơi game hay truyền thông, mạng xã hội, Metaverse sẽ mang đến những ứng dụng nhằm kết nối kinh tế, danh tính kỹ thuật số, quản trị phi tập trung,… Giờ đây, việc người dùng tạo và sở hữu các vật phẩm và tiền tệ có giá trị sẽ giúp phát triển một thế giới Metaverse thống nhất.
Những công việc nào sẽ phù hợp với thời đại của Metaverse?
Metaverse sẽ kết hợp tất cả các khía cạnh của cuộc sống vào một nơi. Trong xu hướng làm việc tại nhà đang phát triển, những lập trình viên hay các nhà thiết kế có thể làm nên những văn phòng ảo với đa dạng các cảnh quan, nội thất và bán cho các công ty. Các nghệ sĩ có thể tạo ra những sân khấu, buổi biểu diễn hoành tráng trên nền tảng vũ trụ ảo và thu hút hàng triệu khán giả mua vé theo dõi. Những nhà sáng tạo nội dung hoàn toàn có thể tiếp tục phát triển sự nghiệp với thực tế ảo như cách họ đã thích ứng với Tiktok. Đó chính là những tiềm năng mà Metaverse se mang lại trong tương lai.
Còn ở thời điểm hiện tại, đã xuất hiện những công việc mới và đang ngày càng phổ biến trên nền tảng Metaverse. GameFi và các mô hình trò chơi để kiếm tiền hiện đang cung cấp nguồn thu nhập ổn định cho mọi người trên toàn thế giới. Những công việc trực tuyến này chính là những ví dụ minh họa sáng giá cho việc triển khai Metaverse trong tương lai, vì chúng cho thấy mọi người sẵn sàng dành thời gian để sống và kiếm tiền trong thế giới ảo.
Duy Anh