Tọa đàm “Tự động hóa trong sản xuất” là một trong 3 chủ đề của chuỗi hội thảo thuộc Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 được tổ chức vào chiều 22/9 tại Hà Nội.
•AI: cơ hội để doanh nghiệp công nghệ tăng năng suất bứt phá trong bối cảnh hiện nay
•Muốn thu hút người học: đừng để Trí tuệ nhân tạo trở thành nghề quá cao siêu
•Nguồn nhân lực AI hay Blockchain và cơ hội vàng cho Việt Nam
Tự động hoá là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển của nền công nghiệp sản xuất. Trong thời gian gần đây công nghệ tự động hoá đã trở thành xu thế trong các hệ thống điều khiển công nghiệp. Nhờ có tự động hoá mà năng suất, chất lượng sản phẩm đã nâng cao, mang lại giá trị cạnh tranh lớn.
Nói về xu hướng tự động hóa hiện nay, TS. Đỗ Mạnh Cường – Phó Tổng thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam nhận định rằng, tự động hoá là chìa khoá để ngành sản xuất tăng tốc tạo ra nhiều sản phẩm với cùng một mức đầu tư. Trên thế giới, đặc biệt là những tập đoàn lớn đã sử dụng dữ liệu, trí tuệ nhân tạo để tạo giá trị gia tăng, giúp doanh nghiệp giảm tổn thất, rủi ro, kéo dài hiệu quả đầu tư.
Việc ứng dụng tự động hoá kết hợp các công nghệ số đặc biệt là công nghệ mới để tăng tốc, giúp tối ưu hoá nhanh hơn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tự động hoá chuyển sang thông minh hoá dựa trên dữ liệu, trí tuệ nhân tạo dựa trên công nghệ số tích hợp giữa công nghệ vận hành và công nghệ thông tin thổi luồng gió mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ở Việt Nam, chúng ta đang bước vào giai đoạn tự động hoá thông minh – giai đoạn 3 bao gồm: ứng dụng các công nghệ số; hoạt động dựa vào dữ liệu và kết nối tốc độ cao; tự động hoá thông minh dựa vào AI; sự kết hợp của OT và IT; tự ra quyết định/tự động hoá tiến tới tự chủ hoá. Chính vì sự phát triển này mà cũng gây ra các ảnh hưởng như tự đông hoá kỹ thuật số sẽ dẫn đến bần cùng hoá lao động, liên quan đến thất nghiệp và giảm lương. Sự ra đời của các công nghệ tự động hoá sẽ tạo ra lực tự điều chỉnh để hướng tới sự ổn định. Yêu cầu những kỹ năng mới đáp ứng nhu cầu sản xuất mới. TS. Đỗ Mạnh Cường cho biết thêm.
Nhu cầu sản xuất công nghiệp luôn tạo ra giá trị đặc biệt cho cuộc sống. Hiện nay công nghệ ngày càng phát triển, sự giao thoa công nghệ với nhau ngày một mạnh mẽ. Đặc biệt sử dụng dữ liệu, các công nghệ mới để gia tăng sản xuất, tự động hoá các công đoạn và giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị tốt hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Ông Vũ Hồng Chiên – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo AI Quy Nhơn, FPT Software cũng đưa ra các trường hợp cụ thể để thấy bức tranh tổng quan ứng dụng AI trong nhà máy, đồng thời dẫn ví dụ cụ thể chứng minh AI có thể giúp nhà máy tự động hóa dây chuyền sản xuất và công tác quản lý, nâng cao chất lượng, tạo hiệu quả tốt hơn. Tại thị trường Việt Nam, FPT Software đang chia sẻ ứng dụng AI cho nhiều doanh nghiệp trong nước một cách hiệu quả.
Ông cũng chia sẻ cho doanh nghiệp những yếu tố để ứng dụng tự động hoá, ứng dụng AI vào doanh nghiệp, những giá trị tự động hoá và AI mang lại rõ ràng nhất. Theo ông Chiên, không nên lựa chọn cái quá phức tạp mà hãy chọn cái đơn giản không cần phối hợp nhiều bên, nhiều quy trình mà hãy đơn giản sau đó hãy mở rộng. Các tính toán dựa trên nhu cầu của thị trường, có đội ngũ kỹ sư để vận hành được trong nhà máy, biết sử dụng khai thác được trí tuệ nhân tạo, và cuối cùng là có cơ sở hạ tầng để triển khai hiệu quả như: data, AI,…
Doanh nghiệp buộc phải tự chuyển mình
Chúng ta có các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với nguồn lực hạn chế. Việc đầu tư vào công nghệ mới hay tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là khó khăn thách thức. Vậy cần có chiến lược, kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ hoá trong việc tạo ra sản phẩm sự cạnh tranh lớn. Tích hợp và đưa AI, công nghệ mới vào sản xuất là thách thức lớn.
Trong thời kỳ kỷ nguyên số mô hình doanh nghiệp truyền thống sẽ bị xoá bỏ thay thế bằng mô hình quản trị doanh nghiệp mới. Doanh nghiệp không thay đổi sẽ tự bị đào thải bằng những sản phẩm chất lượng giá cả rất cạnh tranh trong thời kỳ khốc liệt như hiện nay. Hàng loạt sản phẩm không chỉ đẹp về mẫu mã, rẻ về giá thành mà còn phải thông minh hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của người dùng. Trước những thực trạng này buộc các doanh nghiệp phải tự chuyển mình, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Văn Vượng- Phó tổng giám đốc Karofi nói: Tính tự động hoá trong nhà máy còn rất thấp, và bản thân các doanh nghiệp rất khát thông tin về tự động hoá, ứng dụng AI vào sản xuất và không ngại khi chuyển đổi. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn mang tính chất sản xuất thì điều này là rất cần thiết.
Ông Vượng cũng nhấn mạnh thêm: “Đây là sự cần thiết của doanh nghiệp, nó không còn là xu hướng mà là bắt buộc doanh nghiệp phải tự động hoá, phải ứng dụng AI vào sản xuất nếu không muốn bị loại bỏ. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bắt buộc phải chuyển mình và tự thay đổi”.
Ông Đỗ Mạnh Cường cũng chung quan điểm: các chính sách mang tính chất định hướng để thúc đẩy cách mạng công nghệ, nhưng việc triển khai phải xác định từ nội lực hiện tại của doanh nghiệp. Chuyển đổi số, tự động hoá ứng dụng AI phải từ nhu cầu của doanh nghiệp chủ động tham gia, đưa ra yêu cầu gắn kết các hoạt động, và thêm nữa là cần sự đồng hành từ các đơn vị, doanh nghiệp, từ các bộ, ban, ngành.
Khó khăn và những giải pháp cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay
Trong vai trò điều phối tọa đàm, TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam chia sẻ về các khó khăn, thách thức hiện nay của doanh nghiệp. Theo TS. Nguyễn Quân: Sản xuất thông minh không thể thiếu được vai trò của AI. Các doanh nghiệp sản xuất đặc biệt là sản xuất công nghiệp thì vấn đề ứng dụng AI có ý nghĩa quan trọng và khó hơn rất nhiều.
Chia sẻ trong tham luận vì sao chúng ta phải quan tâm đến AI, hiệu quả của ứng dụng AI trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, TS. Đỗ Mạnh Cường có đánh giá: Tự động hoá giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng sản lượng. Tuy nhiên ta thấy trên thế giới đặc biệt hãng lớn họ đã tập trung đẩy mạnh công nghệ số, sử dụng dữ liệu nhân tạo giảm tổn thất kéo dài hiệu quả đầu tư. Vì vậy mà AI là con đường bắt buộc phải đi nếu không muốn bị loại. Lợi ích trước mắt ứng dụng tự động hoá, ứng dụng AI mang lại giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng quản trị, dự báo trước nhu cầu, đánh giá được tổn thất giúp doanh nghiệp đối phó nhanh trước những biến động kinh tế.
Ở phần thảo luận này, ông Vượng cũng cho biết thêm các khó khăn chính mà doanh nghiệp gặp phải: Cần thay đổi tư duy người lãnh đạo, chỉ khi thay đổi tư duy thì mới đi vào thực tiễn được; tiếp đó là khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, doanh nghiệp nắm bắt được rất ít thông tin, thậm chí là khát thông tin. Còn khó khăn về tài chính thì không hẳn vì khi chúng ta đã thay đổi được tư duy, đầu tư vào sản xuất thì giá trị doanh nghiệp mang lại rất lớn và hiệu quả cao.
Cùng chung quan điểm trên, ông Vũ Hồng Chiên nhận định: việc ứng dụng AI trong nhà máy còn rất hạn chế và khó khăn bởi sự nhận thức về AI, ông ví dụ như nhận thức của công nhân họ cho rằng khi ứng dụng tự động hoá, ứng dụng AI thì họ sẽ mất việc. Kèm theo đó là hạ tầng, dữ liệu nhà máy có đủ để triển khai không, nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng và vận hành,….
Qua đây, ông Chiên cũng có những kiến nghị đối với cơ quan nhà nước: Thứ nhất, những người làm công nghệ AI mong muốn tạo kho dữ liệu cho cộng đồng công nghệ, tạo hành lang cho người làm công nghệ khai thác tạo ra các sản phẩm giá trị cho doanh nghiệp. Thứ hai, các dự án đầu tư của nhà nước rất nhiều nhưng các doanh nghiệp khó tiếp cận, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vì vậy mà có cơ chế cho các Staup tham gia dự án theo định hướng nhà nước thì sẽ kích thích tạo ra nhiều sản phẩm có giải pháp mới cho Việt Nam.
Ông Vượng, đại diện Karofi lại đề xuất ở một góc cạnh khác đó là cần có quy hoạch ngành và có cơ chế thúc đẩy ngành một cách có trọng tâm cho những ngành mũi nhọn, tránh đầu tư dàn trải.
Đỗ Phương