Chiều 9/11/2021, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì phối hợp cùng Bộ Công Thương, Hội Tự động hóa Việt Nam tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với chủ đề “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
• Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là cách tiếp cận thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam
• Nhà máy số: Đường đến Công nghiệp 4.0
Hội thảo chuyên đề 2 được tổ chức nhằm mục đích tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất cung cấp công nghệ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy chuyển đổi công nghệ số hóa và tự động hóa trong quy trình sản xuất.
Chuyển đổi số là cần thiết để doanh nghiệp phát triển
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển – Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2025 thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao. Đồng thời xác định rõ yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH) trên nền tảng tiến bộ KHCN và đổi mới sáng tạo.
Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm từ năm 2021 đến 2030 của Việt Nam đã xác định nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số xã hội số sản xuất thông minh, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ thương mại điện tử thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong tất cả các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “Đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh. Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật sản xuất thông minh”.
Nghị quyết 52- NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã xác định thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để Việt Nam sớm trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương công bố vào tháng 11/2021, công nghiệp chế biến chế tạo của các doanh nghiệp Việt Nam đến 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ có 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản xuất lắp ráp 3D. Hơn 75% doanh nghiệp vừa và nhỏ và 2/3 doanh nghiệp lớn được khảo sát bày tỏ còn sự hoài nghi về lợi ích kinh tế về sự đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ mới.
Chính vì vậy, chương trình này sẽ đem lại những cái nhìn khách quan, những hướng đi đúng đắn để doanh nghiệp có thể vận dụng và đầu tư trong tương lai – ông Hiển nhấn mạnh.
Phải có cơ sở dữ liệu quốc gia để chuyển đổi số thành công
Theo ông Đào Trọng Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH dựa trên nền tảng của KHCN, đổi mới sáng tạo với những thành tựu KHCN của CMCN lần thứ 4. Cuộc cách mạng tạo ra tiền đề rất quan trọng, đột phá trong tư duy đẩy mạnh CNH – HĐH có những cốt lõi như: thúc đẩy chuyển đổi về tư duy và phát triển nguồn lực từ bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực từ bên trong và đẩy mạnh sáng tạo vươn lên làm chủ công nghệ, nhấn mạnh những ĐMST và chuyển đổi mạnh mẽ từ nền công nghiệp sang nền kinh tế số dựa trên nền tảng tri thức trọng tâm là quá trình CĐS phát triển sản xuất thông minh nhấn mạnh vào thực hiện CNH-HĐH đặt trong xu thế của phát triển công nghiệp toàn cầu và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo ông Il Dong Kwon – Tổng giám đốc BCG Vietnam, việc lựa chọn và chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh thì trước hết cần có nền tảng mạnh mẽ. Không nên tập trung quá nhiều vào điểm cốt lõi, phải cân bằng được chi phí và sự tăng trưởng, các doanh nghiệp cần có sự cân bằng giữa chi phí và sự tăng trưởng, có một chiến lược về sự tăng trưởng, thích ứng nhanh trong một thời gian ngắn là 1 tuần chứ không phải là 1 tháng. Khi chúng ta làm được điều đó chúng ta sẽ CĐS thành công.
Hiện nay CĐS đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, nhưng việc thiết lập một cơ sở dữ liệu chung để các doanh nghiệp có nền tảng tiếp cận một cách nhanh chóng, chính xác đang được nhiều người quan tâm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam cho biết: cơ sở dữ liệu chung, khởi nguồn của CĐS nhất là hệ thống quốc gia chúng ta phải có cơ sở dữ liệu chung mà chúng ta thường gọi là cơ sở dữ liệu quốc gia. Cơ sở quốc gia là tổng hợp của cơ sở dữ liệu, tất cả các lĩnh vực các ngành trong đó có các DN.
Ở Việt Nam tính tại thời điểm này gần như chưa có được một cơ sở dữ liệu quốc gia, chúng ta đã bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu trong một số lĩnh vực ví dụ như: quản lý dân cư, quản lý đất đai, quản lý công nghệ cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu hết là do cơ quan quản lý của nhà nước ở TW và địa phương tự xây dựng. Hiện nay rất nhiều địa phương, tỉnh thành phố cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu riêng của mình. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ TT&TT nên đứng ra có hướng dẫn về khung cũng như kết cấu của cơ sở dữ liệu quốc gia để cho các doanh nghiệp, địa phương, các ngành, các lĩnh vực khi xây dựng cơ sở dữ liệu của mình có thể tích hợp chung vào được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tránh tình trạng mỗi nơi làm một cái cấu hình khác nhau, đến lúc tích hợp lại nó sẽ rất khó khăn và không phản ánh được đầy đủ các dữ liệu số của quốc gia.
Trong quá trình chuyển đổi số, khởi nguồn cho việc tiếp cận những công nghệ số mới nhất kể cả trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT,… nếu không có cơ sở dữ liệu thì tất cả những công nghệ ấy cũng không thể khai thác được và không thể sử dụng nó cho quá trình CĐS cho doanh nghiệp được và doanh nghiệp sẽ rất khó để đưa tự động hóa vào, rất khó để đưa các hệ thống thông minh vào. Chính vì thế chúng tôi đánh giá rất cao các sáng kiến của Bộ TT&TT, Bộ sẽ giao cho một số doanh nghiệp công nghệ thông tin chủ trì xây dựng những tiền đề cơ bản để có thể phổ biến cho doanh nghiệp, trong các lĩnh vực có thể sử dụng tiền đề đó, có thể áp dụng cho doanh nghiệp của mình sau khi đã có những ứng dụng phù hợp.
“Chỉ khi chúng ta làm được điều này mới có thể có được những nền tảng cơ bản thống nhất, phù hợp với doanh nghiệp của mình cũng như tích hợp được vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào Bộ TT&TT, phụ thuộc vào các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng như ý chí của lãnh đạo, của các địa phương, của các bộ ngành đặc biệt là các doanh nghiệp” – ông Quân nhấn mạnh.
Ông Quân cũng mong muốn, cơ sở dữ liệu phải được khai thác một cách hiệu quả nhất, muốn như thế thì mức độ công khai, mức độ mở để tất cả các doanh nghiệp, các cơ quan có thể sử dụng được là yếu tố rất quan trọng. Nếu cơ sở dữ liệu không mở, không thể tiếp cận được, hoặc gọi là phần đóng kín thì chắc chắn các hệ thống thông minh không đủ điều kiện để có thể vận hành.
Duyên Nguyễn