Lãnh đạo Bộ KH và CN, Bộ GD và ĐT, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, UBND Thành phố Hải Phòng và các đại biểu tham dự VCCA 2024 chụp ảnh lưu niệm. |
- Hội nghị Khoa học và Triển lãm Quốc tế về Điều khiển và Tự động hoá (VCCA) được Hội Tự động hoá Việt Nam khởi xướng từ năm 2011. Đến nay, đã trải qua 7 lần tổ chức. Vậy việc ra đời của VCCA mang lại ý nghĩa như thế nào cho hoạt động của Hội, thưa ông?
PGS.TS Thái Quang Vinh: VCCA 2011 là một sự kiện quan trọng trong hoạt động của Hội Tự động hoá Việt Nam. Lần đầu tiên, một diễn đàn lớn về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực Điều khiển và Tự động hoá (ĐK&TDH) được tổ chức bởi Hội Tự động hoá Việt Nam, một tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Không chỉ thay đổi đơn vị tổ chức, mà còn thay đổi cả cơ chế tổ chức hội nghị, đó là cơ chế xã hội hóa, khác biệt với cơ chế bao cấp trước đây. Kinh phí hội nghị được huy động từ các nguồn tài trợ (cá nhân, doanh nghiệp, các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu,...) và hội phí tham dự. Đây là điểm khác biệt so với các diễn đàn trước đây như VICA, do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp với các chương trình KH&CN của nhà nước tổ chức. Cơ chế xã hội hóa đã đặt lên vai Hội Tự động hoá nhiệm vụ tự tạo nguồn tài chính cho diễn đàn của mình. Dù gặp nhiều khó khăn và thách thức, lãnh đạo Hội đã quyết tâm tổ chức VCCA dựa trên tinh thần tự nguyện đóng góp của các cá nhân và tổ chức trong cộng đồng tự động hoá Việt Nam.
PGS.TS.Thái Quang Vinh (bên phải) cùng các nhà khoa học dự Lễ Khai mạc Hội nghị VCCA 2024 tại Hải Phòng |
VCCA với 7 kỳ hội nghị thành công trong 13 năm qua đã chứng minh hướng đi đúng đắn của Ban lãnh đạo Hội qua các thời kỳ. Các kỳ hội nghị không chỉ đảm bảo chất lượng chuyên môn mà còn mở rộng quy mô với các hình thức hoạt động đa dạng như Hội nghị Khoa học, Diễn đàn doanh nghiệp và Triển lãm quốc tế. Hội Tự động hoá Việt Nam, thông qua hội nghị, đã đóng vai trò cầu nối giữa các nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần làm phong phú các hình thức trao đổi khoa học và triển khai ứng dụng thực tiễn. Đây cũng là điểm đặc trưng tạo nên sức hấp dẫn của VCCA trong cộng đồng tự động hoá.
- Ông cũng là người gắn bó với VCCA từ những kỳ đầu tiên. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông đánh giá thế nào về sự trưởng thành của sự kiện?
PGS.TS Thái Quang Vinh: Từ năm 2011 đến nay, VCCA đã tổ chức được 7 kỳ hội nghị, diễn ra hai năm một lần. Đây là một chặng đường dài với khởi đầu khó khăn, nhưng nhờ nỗ lực của các tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, VCCA đã đạt được thành công và phát triển bền vững.
Trước hết, VCCA vẫn là diễn đàn lớn nhất quốc gia về ĐK&TDH. Các kỳ hội nghị đã thu hút một lượng lớn bài báo khoa học, trung bình từ 150 đến gần 200 bài mỗi kỳ, cùng sự tham gia của 300 đến 400 đại biểu từ mọi miền đất nước và cả các nhà khoa học quốc tế. Ngoài ra, các kỳ VCCA ngày càng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực tự động hoá, thông qua các hoạt động "Diễn đàn doanh nghiệp" và "Triển lãm quốc tế" tại hội nghị. Quy mô của VCCA phát triển qua từng kỳ, phản ánh sự lớn mạnh của ngành tự động hoá tại Việt Nam – một trong những lĩnh vực mũi nhọn của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Quang cảnh tại một phiên Diễn đàn doanh nghiệp trong khuôn khổ VCCA 2024. |
Tính liên tục của các kỳ hội nghị là yếu tố quan trọng đảm bảo thành công. Việc tổ chức đều đặn 2 năm một lần giúp các công trình nghiên cứu được công bố kịp thời, đồng thời tạo điều kiện để các nhà quản lý và doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm công nghệ một cách nhanh chóng và ứng dụng vào thực tiễn. Sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học trong cộng đồng tự động hoá đối với diễn đàn KHCN cũng là một yếu tố quan trọng.
Cuối cùng, VCCA còn thể hiện xu hướng hội nhập với các hội nghị khoa học quốc tế thông qua cơ chế xã hội hóa tổ chức, đảm bảo tính tự chủ về tài chính và độc lập trong công tác tổ chức. Điều này cũng là thước đo nhu cầu thực tiễn và sự quan tâm của cộng đồng khoa học, quản lý và doanh nghiệp đối với diễn đàn. VCCA đã áp dụng các công cụ tiên tiến trên thế giới để quản lý toàn bộ quá trình hội nghị trực tuyến, từ khâu nhận bài, đánh giá phản biện đến trao đổi thông tin với các tác giả. Hội nghị cũng luôn bám sát các chủ đề khoa học thời sự và cố gắng mời các chuyên gia quốc tế tham gia trình bày tại hội nghị.
Sau 7 kỳ tổ chức, VCCA đã trở thành niềm tự hào của cộng đồng tự động hoá Việt Nam, và xứng đáng được duy trì và phát triển để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Đại biểu tham dự Hội nghị Khoa học và Triển lãm Quốc tế về Điều khiển và Tự động hoá 2024 (VCCA 2024) chụp ảnh lưu niệm. |
- Mong muốn của ông đối với VCCA trong chặng đường tiếp theo của Hội là gì?
PGS.TS Thái Quang Vinh: Mong muốn đầu tiên là VCCA sẽ tiếp tục phát triển đều đặn, liên tục và duy trì vai trò là diễn đàn lớn nhất quốc gia trong lĩnh vực ĐK&TDH, trở thành một thương hiệu uy tín của Hội Tự động hoá Việt Nam.
Để đạt được điều đó, cần có các biện pháp nhằm thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà khoa học và doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực tự động hoá mà còn trong các lĩnh vực khoa học công nghệ liên quan. Hội cũng cần mở rộng các hình thức liên kết sau hội nghị giữa các nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp để các kết quả khoa học được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Tiếp theo là mong muốn hội nhập quốc tế, đưa VCCA trở thành diễn đàn khoa học lớn của quốc gia và giới thiệu các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam ra thế giới. Hội nghị cần khuyến khích các bài viết bằng tiếng Anh, chọn lọc và xuất bản các ấn phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời học hỏi các mô hình tổ chức hội nghị khoa học kỹ thuật của nước ngoài để nâng cao chất lượng và uy tín của VCCA. Đây là một vấn đề lớn cần được thảo luận giữa các nhà tổ chức và các nhà khoa học.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Lê Minh Loan