Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2024 thu hút hơn 2000 đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước |
Hội nghị mang tầm nhìn và tư duy toàn cầu
Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội tổ chức, diễn ra trong 02 ngày 02-03/12.
Tham dự sự kiện có đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; đồng chí Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; cùng hơn 700 đại biểu đến từ 28 tỉnh thành phố trên cả nước và đại diện 18 quốc gia, nền kinh tế trong khu vực trên thế giới; cùng các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức CNTT và ứng dụng CNTT.
Ông Hà Minh Hải phát biểu khai mạc Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hà Minh Hải - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội chia sẻ: “Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, đồng thời là diễn đàn lớn để Hà Nội và các địa phương khác tại Việt Nam và quốc tế cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến một tương lai đô thị thông minh, hiện đại”.
Với chủ đề xuyên suốt: “Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững”, hội nghị lần này không chỉ gắn với ba mục tiêu chiến lược mà còn phản ánh những trụ cột chính trong tầm nhìn chiến lược, “tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu” trong phát triển Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong khu vực.
“Sự kiện hôm nay chính là cơ hội để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng nhau thảo luận, xây dựng những giải pháp đột phá trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh, năng lượng sạch, và môi trường bền vững… Những kinh nghiệm và bài học thực tiễn được chia sẻ tại hội nghị sẽ là động lực quan trọng để Hà Nội và các địa phương trong khu vực nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các đô thị xanh, thông minh, bền vững”, ông Hải nhấn mạnh.
Hội nghị có sự tham dự của đại biểu 28 tỉnh/ thành phố trong nước và đại diện 18 quốc gia trên thế giới... |
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA cho biết, thống kê đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của Châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Với tốc độ đô thị hóa đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng về chính trị, kinh tế, công nghệ…
“Tôi cho rằng, Kinh tế số, Kinh tế xanh, Công nghệ mới là điểm nhấn xuyên suốt. Ban tổ chức kỳ vọng, hơn 80 diễn giả, chuyên gia cùng hơn 1000 quý vị đại biểu tham gia 7 phiên chuyên đề diễn ra trong hôm nay và ngày mai, sẽ lắng nghe, đóng góp ý kiến hữu ích về chính sách, phương thức, công nghệ để các thành phố của Việt Nam nhanh chóng trở lên thông minh hơn, bền vững hơn, đem lại cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc cho người dân”, ông Khoa bày tỏ.
Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng, Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư, nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.
... ngoài ra, Hội nghị còn thu hút được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước |
Việt Nam đạt gần 43% tỷ lệ đô thị hóa với 902 đô thị
Theo thống kê, đến nay có 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh. Trong đó có 14/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh trước thời điểm ban hành Đề án 950; 20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950; 16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang triển khai lập đề án. Tính đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%. Tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của Châu Á. Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Chia sẻ tại Hội nghị về Các đô thị thông minh, bền vững khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Phó giáo sư Nguyễn Quang Trung đã đại diện nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT, trình bày các kết quả nghiên cứu về thành phố thông minh và bền vững (SSC) ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nghiên cứu của GS. Trung đã chỉ ra sự chênh lệch rõ rệt trong phát triển đô thị thông minh và bền vững tại APAC, Singapore, Seoul, Sydney và Tokyo - là những thành phố dẫn đầu nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiệu quả và có sự tham gia tích cực của người dân.
Trong khi đó, các thành phố như Jakarta, Manila và TP. Hồ Chí Minh cần phải nỗ lực nhiều hơn để vượt qua các thách thức về hạ tầng và nguồn lực, điều này đòi hỏi ưu tiên phát triển SSC và triển khai các hệ thống quản trị thông minh.
Bên lề Hội nghị, còn có các gian hàng triển lãm dành cho các giải pháp, nền tảng, dịch vụ cho Trí tuệ nhân tạo, Thành phố thông minh, Quản lý năng lượng/môi trường thông minh... |
Báo cáo chỉ ra, khu vực APAC thiếu khoảng 500 tỷ đô la Mỹ mỗi năm để đầu tư cơ sở hạ tầng và tích hợp công nghệ số vào giao thông, năng lượng và dịch vụ công.
Theo PGS. Nguyễn Quang Trung, việc học hỏi từ các thành phố như Singapore, Seoul và Sydney là hướng đi quan trọng. Các thành phố này đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý giao thông, tối ưu hóa năng lượng và dịch vụ công, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy hiệu quả kinh tế…
Tại Phiên khai mạc Hội nghị, đại diện Thành phố Hà Nội đã chia sẻ đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với các mục tiêu, tầm nhìn: Phát triển Thủ đô hài hòa, theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Xanh - Thông minh - Hiện đại” vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Hoàn thiện các cơ chế chính sách, kết hợp quy hoạch, quy chế và quy chuẩn trong xây dựng TPTMBV; Xây dựng nền tảng chính quyền số minh bạch, hiệu quả; Xây dựng nền tảng hạ tầng thông tin đô thị thông minh; Đào tạo và tuyển dụng đủ nhân lực cần thiết, chất lượng cao. Trong đó, 03 lĩnh vực trọng tâm của Thành phố được xác định là giao thông đô thị; bảo tồn và phát triển di sản, văn hoá, du lịch; bảo vệ môi trường nước, không khí.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Lễ trao Giải thưởng Thành phố thông minh, Lễ Trao Giải thưởng Sáng tạo tương lai (VietFuture) – Giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho các sinh viên và Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản (Japan ICT Day) sẽ được tổ chức.
Bên cạnh các hội thảo, chương trình còn có các gian hàng triển lãm dành cho các giải pháp, nền tảng, dịch vụ cho Trí tuệ nhân tạo, Thành phố thông minh, Quản lý năng lượng/môi trường thông minh; hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng CNTT.
Trong 02 ngày diễn ra Hội nghị, có Phiên Khai mạc và 7 hội thảo chuyên đề với đóng góp nội dung của gần 80 diễn giả, tập trung phân tích những vấn đề nội tại, các thách thức và cơ hội trong nhiều lĩnh vực như: Quản trị; điều hành linh hoạt dựa trên dữ liệu; xây dựng và phát triển hạ tầng số; chiến lược công nghiệp bán dẫn; môi trường và năng lượng…, cùng các hệ sinh thái số nhằm mang đến những tiện ích ngày càng thông minh hơn cho người dân. Riêng Phiên khai mạc với chủ đề: “Thành phố thông minh - Kinh tế số – Phát triển bền vững”, gồm 2 hội thảo: “Thành phố thông minh: Quản trị, Điều hành linh hoạt dựa trên dữ liệu”, và “Giải pháp, Hạ tầng số - Nền tảng thúc đẩy kinh tế số và phát triển bền vững”. Các hội thảo còn lại: “Chiến lược công nghiệp bán dẫn: Động lực mới cho Việt Nam và Hà Nội”, “Giải pháp công nghệ xuất sắc thúc đẩy thành phố xanh, thông minh”, “Di chuyển xanh, thông minh cho đô thị thông minh, phát triển bền vững”, “NetZero - Môi trường và năng lượng hướng tới đô thị không phát thải 2050”, “Nhà thông minh cho sức khoẻ và tiện ích” được bố trí trong ngày thứ hai diễn ra hội nghị. |