Một giờ sử dụng Zoom khi bật camera sẽ thải ra 1 kg carbon dioxide. Các nhà khoa học đã tính toán tác hại môi trường từ các nền tảng trực tuyến và đưa ra lời kêu gọi tới những người đang sử dụng Internet.
Nếu bạn buộc phải tham gia các cuộc họp trên Zoom nhưng lại không thích mở camera, thì giờ đây bạn đã có một lý do tuyệt vời cho mình đó là bảo vệ môi trường.
Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học từ ba trường đại học của Mỹ – Đại học Purdue, Đại học Yale và Viện Công nghệ Massachusetts đã phát hiện ra rằng một giờ sử dụng Zoom với camera hoặc xem video trực tuyến, có tới 1 kg carbon dioxide (tương đương với việc đốt nửa lít xăng) được thải vào khí quyển, từ 2 đến 12 lít nước được sử dụng và gây ra thiệt hại cho bề mặt trái đất có kích thước bằng iPad Mini.
Họ tuyên bố rằng việc tắt camera trong Zoom sẽ làm giảm 96% khí thải carbon. Tuy nhiên, nếu bạn giảm độ phân giải từ cao xuống trung bình trong khi xem video trực tuyến, bạn có thể giảm lượng khí thải carbon dioxide của mình xuống 86%.
Theo các nhà khoa học, lượng điện cần thiết để lưu trữ và truyền tải thông tin trong các trung tâm dữ liệu ngày nay chiếm khoảng 1% lượng điện tiêu thụ toàn cầu, vượt quá tổng nhu cầu năng lượng của từng quốc gia. Đồng thời, sự tăng trưởng về số lượng người dùng Internet trên thế giới càng dẫn đến sự gia tăng tỷ trọng này.
Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 hiện nay, ngành công nghiệp và giao thông tạm ngừng hoạt động nên giảm mạnh lượng khí thải, nhưng mặt khác do sự gia tăng số cuộc họp mà mọi người tổ chức trên Internet, bao gồm cả liên kết video nên kéo theo tăng lượng khí thải carbon dioxide .
Ở một số quốc gia, lượng truy cập Internet đã tăng 20% kể từ tháng 3 năm 2020. Người ta ước tính rằng sự gia tăng lưu lượng truy cập internet trong thời kỳ đại dịch đã khiến lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu tăng 3,7%. Nếu tỷ lệ này không giảm thì lượng điện bổ sung trên quy mô toàn cầu sẽ cần sử dụng lượng nước tương đương với 300 nghìn hồ bơi Olympic- theo các nhà nghiên cứu tính toán.
Hình ảnh của Đại học Purdue / Kayla Wiles.
Trong nghiên cứu của mình, họ đã xem xét lượng khí thải carbon, lượng nước tiêu thụ và thiệt hại trên bề mặt trái đất do chuyển một Gbyte (GB) sang YouTube, Zoom, Facebook, Instagram, Twitter, TikTok và 12 nền tảng Internet khác, bao gồm trò chơi trực tuyến và các công cụ tìm kiếm khác nhau. Theo tính toán của các nhà khoa học, nền tảng càng sử dụng nhiều video thì lượng khí thải carbon của nó càng cao.
Giám đốc nghiên cứu Kaveh Madani cho biết: “Các hệ thống ngân hàng nói về lợi ích môi trường của việc tránh sử dụng tiền giấy, nhưng không ai nói về lợi ích của việc tắt camera hoặc giảm chất lượng video. Do đó, nếu không có sự đồng ý của bạn, các nền tảng này sẽ làm tăng tác động của bạn đến môi trường”.
Các nhà khoa học cho rằng, trong thời kỳ đại dịch mọi người có thể tổ chức các cuộc họp trực tuyến. Tuy nhiên, những nghiên cứu này giúp người dùng và các công ty đánh giá những hậu quả tiềm ẩn tác động tới môi trường từ việc sử dụng Internet.
Phương Vũ (Theo: gazeta.ru)