Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. |
Trên đây là phát biểu của Bộ trưởng Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa – thể thao TP.HCM năm 2024 diễn ra ngày 15/10.
Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Đây là nhóm ngành có giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa được nêu tại Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM đã ưu tiên tập trung đầu tư 8 ngành để phát triển, nâng chất, tăng hàm lượng chất xám và khoa học - công nghệ cao trên từng sản phẩm.
Qua số liệu ước tính tại Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP. HCM đến năm 2030, doanh thu đạt khoảng 7 - 8% GRDP, tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Thành phố đã tổ chức thành công nhiều chương trình, lễ hội, sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế. Qua đó đã góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
TP.HCM với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành quả rất quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Tại Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Nghị quyết đã trao cho Thành phố nhiều cơ chế chính sách mới, khá toàn diện, tạo đà cho Thành phố tăng tốc, phát triển. Việc hiện thực hóa Nghị quyết không chỉ tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy kinh tế, xã hội của Thành phố mà còn là trọng trách, sứ mệnh của Thành phố đối với cả nước.
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa - thể thao TP.HCM năm 2024 diễn ra ngày 15/10. |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: “Thành phố đã có nhiều mô hình, giải pháp, nỗ lực mời gọi đầu tư xây dựng các cụm công trình, khu liên hợp đa năng, hiện đại. Trong đó, việc tổ chức Hội nghị là một trong số nhiều giải pháp để Thành phố lắng nghe các ý kiến, hiến kế của quý vị nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, đưa Thành phố hướng tới một đại đô thị thông minh, mang đẳng cấp khu vực và quốc tế”.
“Trong thời gian tới, để TP.HCM tiếp tục phát huy tốt vai trò tiên phong trong liên kết, phát triển văn hóa và thể thao, TP.HCM cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan để thực hiện tốt 5 nội dung trọng tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh. Theo đó, 5 nội dung bao gồm:
Thứ nhất, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển, tăng cường giao lưu, ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của đất nước và Thành phố trên trường quốc tế; phát huy mọi nguồn lực để phát triển văn hóa thể thao.
Thứ hai, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao. Quan tâm, đồng hành, hỗ trợ và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng và có chính sách mới, đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để ngành văn hóa và thể thao bứt phá đi lên; quan tâm thành lập trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối thực hiện chức năng hỗ trợ, kết nối, quy tụ nguồn lực, phát huy giá trị sáng tạo, mở rộng thị trường, dịch vụ văn hóa.
Thứ ba, phát triển một cách đồng bộ hệ thống về công nghệ, năng lực hoạt động, khai thác hiệu quả trí tuệ, sức sáng tạo để phục vụ cho mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố. Khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đa dạng, liên kết đa ngành, lĩnh vực; lựa chọn tinh hoa và tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực.
Thứ tư, hoàn thiện hồ sơ gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới. Phát triển các loại hình lễ hội dân gian, hiện đại, khẳng định bản sắc văn hoá; hình thành các sự kiện lớn mang tính chất thường niên đặc trưng, đặc sắc, tạo động lực phát triển kinh tế.
Thứ năm, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa và thể thao; hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa và thể thao từ thành phố đến cơ sở; trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình văn hóa thể thao có ý nghĩa chiến lược, mang tính liên vùng, xứng tầm quốc tế. Rà soát, bổ sung vào quy hoạch thành phố các quỹ đất có quy mô lớn để xây dựng các khu công nghiệp văn hóa, các phim trường, quy hoạch khu Bình Quới - Thanh Đa trở thành tổ hợp dịch vụ văn hóa; xây dựng Khu Liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tại Phú Thọ.