Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch Hội đồng Trường, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Lômônôxốp; ông Nguyễn Văn Châu - Phó Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Lômônôxốp; Nhà giáo Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Nhà trường; ông Đoàn Ngọc Long - Trưởng ban đại diện Hội cha mẹ học sinh; cùng toàn thể các thầy giáo cô giáo và các em học sinh toàn trường.
Trường THCS VÀ THPT M.V. Lômônôxốp long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học 2024-2025. |
Thầy giáo Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới. |
Phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2024-2025, Thầy giáo Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp đã có những chia sẻ đầy tâm huyết về quyết tâm, khát vọng đổi mới, sáng tạo của thầy và trò nhà trường trong năm học mới này.
Năm học 2024-2025, Trường THCS VÀ THPT M.V. Lômônôxốp đón 823 thành viên mới vào nhập học lớp 6 và lớp 10. Trong đó, 386 học sinh khối 6, gồm 14 lớp và 437 học sinh lớp 10 gồm 12 lớp. Đến nay, khối THCS có 45 lớp với 1549 học sinh, khối THPT có 34 lớp với 1254 học sinh.
Trường THCS và THPT M.V. Lô-mô-nô-xốp mỗi năm học đều lựa chọn chủ đề gắn với mục tiêu, thực tiễn của Nhà trường, hướng tới những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của học sinh mang tinh thần “Nhân văn - Khai phóng. Năm học 2023-2024, Nhà trường đã thực hiện tốt chủ đề: "KỈ LUẬT - TRÁCH NHIỆM - CHÍNH TRỰC", được cha mẹ học sinh đồng thuận, hưởng ứng. Năm học 2024-2025, tiếp nối chủ đề đó, Nhà trường lựa chọn chủ đề: "LỄ PHÉP - KỈ LUẬT - TRÁCH NHIỆM”.
Cô Nguyễn Thị Nhung - Phó hiệu trưởng Nhà trường. |
Lễ phép là thái độ đúng mực của người nhỏ tuổi đối với người lớn tuổi. Sự lễ phép được biểu hiện qua thái độ, lời nói lịch sự, hành vi lễ độ, biết “dạ, thưa”; nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi”; vâng lời cha mẹ, ông bà, thầy cô,... Khi gặp gỡ, giao tiếp với người lớn phải tôn kính, biết chào hỏi lịch sự, ngôn từ đúng mực, đúng vị trí xã hội; chú ý lắng nghe và đáp lời khi giao tiếp; khi đi phải biết chào,… Không to tiếng, lời lẽ thô bạo, vô lễ đối với người lớn. Lễ phép không phải là khúm núm hoặc thiếu tự tin trong giao tiếp. Lễ phép tạo nên nhân cách đẹp ở con người, hướng con người đến “chân - thiện - mĩ”, giúp duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội ngày càng tốt đẹp, bền chặt, xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ và nhân ái. Người biết lễ phép, khiêm nhường luôn được mọi người yêu quý.
Học sinh dự lễ khai giảng. |
Kỉ luật đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cá nhân, cũng như trong việc xây dựng tập thể. Kỉ luật có thể được hiểu bao gồm: kỉ luật cá nhân và kỉ luật trong tổ chức. Kỉ luật cá nhân hay kỉ luật tự thân là sự kiểm soát và tự chủ về hành vi, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, tuân thủ các quy tắc, tiêu chuẩn hoặc lịch trình cụ thể đã đặt ra, giúp con người biết sống có trách nhiệm, phát triển những thói quen tốt, mang lại nhiều giá trị tích cực, đồng thời khiến người khác cảm thấy tin tưởng và tôn trọng hơn. Kỉ luật tự thân giúp mỗi người chinh phục ước mơ, đạt được tự do, hạnh phúc, trở nên hoàn thiện và có thể làm nên thành tựu. Kỉ luật trong tổ chức là việc tuân thủ các quy tắc, quy định và yêu cầu của tổ chức đó. Kỉ luật là sức mạnh, giúp duy trì trật tự, thực hiện tốt các kế hoạch, mục tiêu. Học sinh cần thực hiện tốt Nội quy của Nhà trường, quy định của lớp học, không vi phạm điều cấm trong nhà trường.
Trách nhiệm là việc mà mỗi người phải làm và phải có ý thức đối với những việc làm, lời nói, hành vi của mình, bảo đảm tính đúng đắn, nếu sai trái thì phải chịu hậu quả. Trách nhiệm trước hết với bản thân, tiếp đó là với mọi người, với tập thể, với cộng đồng. Biểu hiện của tinh thần trách nhiệm đó là luôn sẵn sàng, cố gắng, nhiệt huyết để hoàn thành công việc; khi phạm lỗi dám đứng ra nhận lỗi và sửa sai; có lòng bao dung, vị tha, giúp đỡ mọi người khi gặp hoạn nạn, khó khăn. Học sinh cần có trách nhiệm cao trong rèn luyện, học tập, trong các hoạt động tập thể cũng như trong cuộc sống. Người có trách nhiệm là người có nhân cách đẹp và có ích cho tập thể, cho cộng đồng.
Những tiết mục văn nghệ của các em học sinh gây ấn tượng. |
Chủ đề năm học là căn cứ để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện của các bộ phận trong Nhà trường, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm học 2024 – 2025, góp phần xây dựng Trường học hạnh phúc và giúp mỗi học sinh phát triển, hoàn thiện nhân cách.
Quyết định số 1324/QĐ-TCCQ ngày 10/6/1992 của UBND Thành phố Hà Nội, Trường Phổ thông bán công cấp 2-3 Chuyên ngoại ngữ Hà Nội đã ra đời. Mô hình trường bán công tồn tại 11 năm 5 tháng, tới tháng 10/2003 trường đã có 51 lớp với 2.343 học sinh. Ngày 26/11/2003, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 7136/QB-UB xác định lại và đổi tên Trường THPT Bán công Chuyên Ngoại Ngữ thành Trường THPT dân lập Lômônôxốp. Trường dân lập Lômônôxốp phát triển được 8 năm, với dấu ấn xây dựng nhà trường kiên cố và lâu dài tại Khu đô thị Mỹ Đình 2, nhiều lần đạt trường tiên tiến xuất sắc cấp thành phố, số lượng đã lên tới 82 lớp và 2.559 học sinh. Đến tháng 10/2011, trường nằm trong tốp đầu tiên của giáo dục Hà Nội chuyển sang mô hình tư thục theo Quyết định số 5665/QĐ-UBND ngày 15/11/2010 của UBND TP Hà Nội và ngày nay trường mang tên trường THCS&THPT M.V. Lômônôxốp, một thương hiệu lớn của ngành Giáo dục Thủ đô. |
P.V