Hội thảo Chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp với chủ đề Nhà máy thông minh diễn ra sáng nay tại Sàn giao dịch Công nghệ Tự động hóa (Hội Tự động hóa Việt Nam – VAA).
Mở đầu chuỗi chương trình Cà phê Công nghệ
Hội thảo Chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp là sự kiện khởi đầu cho chuỗi các hội thảo, các phiên Cà phê Công nghệ mà VAA sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm hướng tới giải quyết các bài toán công nghệ cụ thể của doanh nghiệp trong hành trình của nền kinh tế số.
Hội thảo do Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) phối hợp cùng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDTI), Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trên nền tảng online cùng trực tiếp.
Tham dự hội thảo, về phía VAA có ông Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội, ông Bùi Quốc Khánh – Tổng Thư ký, cùng các ông Dương Nguyên Bình, ông Nguyễn Cẩm Tú – Phó Chủ tịch Hội. Ông Lê Xuân Rao – Chủ tịch Liên hiệp Các hội KHKT Hà Nội. Về phía Bộ KH và CN có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường KH và CN, ông Vũ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Thông tin KHCN Quốc gia cùng đại diện Văn phòng Các chương trình KHCN Quốc gia, các đại diện đơn vị phối hợp tổ chức và đông đảo khách tham dự đến từ doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học trên cả hai nền tảng online và trực tiếp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quân, Chủ tịch VAA cho biết: Bộ Chính trị đã có Nghị Quyết 52-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 749/QĐ-TTg về Chuyển đổi số quốc gia, trong đó xác định chuyển đổi số (CĐS) quốc gia có ba trụ cột chính là Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Trong kinh tế số thì CĐS cho doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất vì nếu không CĐS cho doanh nghiệp thành công thì chúng ta không thể có nền kinh tế số. Mục tiêu đến năm 2030 mà Chính phủ đặt ra là Việt Nam có 40% GPD từ kinh tế số. Đây là mục tiêu không dễ dàng đạt được nếu như các doanh nghiệp không CĐS được, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất. Chính vì thế, trong tất cả các hội nghị hội thảo về CĐS, kinh tế số do các bộ/ban/ngành tổ chức hầu hết các doanh nghiệp đều băn khoăn. Có ba việc cần xác định rõ: bắt đầu CĐS từ đâu; làm thế nào CĐS; nguồn lực CĐS có được nhà nước hỗ trợ phần nào?
Hội thảo hôm nay có rất nhiều chuyên gia CĐS tham dự, giới thiệu với quí vị các nội dung chính của quá trình CĐS cho doanh nghiệp để chúng ta biết được nên làm gì trước và trong quá trình CĐS. Đặc biệt là có những ví dụ thành công của các doanh nghiệp tiên phong trong CĐS có thể truyền đạt kinh nghiệm của mình cho các doanh nghiệp mới bước vào quá trình CĐS. Ông Nguyễn Quân cũng cho biết, CĐS là công cuộc lâu dài, không nói hồi kết thúc vì hàng ngày, hàng giờ các doanh nghiệp vẫn phải cập nhật công nghệ, cập nhật cơ sở dữ liệu. “Tuy nhiên, qua các hội thảo chuyên môn về CĐS kỳ vọng đến năm 2025 hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam biết được cơ bản thế nào là CĐS, có được thành công ban đầu về CĐS doanh nghiệp của mình”. Ông Nguyễn Quân kỳ vọng.
Nhà máy thông minh và kinh nghiệm triển khai
Với mục tiêu hướng đến việc xây dựng mô hình nhà máy thông minh, Ông Đỗ Mạnh Cường – Giảng viên Bộ môn Tự động hóa công nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, Phó Tổng thư ký VAA đã trang bị cách nhìn tổng quan về cấu trúc của một nhà máy thông minh. Cho rằng, nhà máy thông minh là một đặc trưng chính của Công nghiệp 4.0.
Trong một nhà máy thông minh sẽ có 4 nhóm công nghệ chính gồm: công nghệ số như: AI, IoT, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, mô phỏng, Robot, tính toán lượng tử, tính toán lưới; Công nghệ sinh học như: Sinh học tổng hợp, công nghệ thần kinh, tế bào gốc, xúc tác sinh học, tin sinh học,….; Công nghệ vật lý gồm: In 3D, AGV, Drone, vật liệu nano,…; và cuối cùng là vật liệu tiên tiến trong đó phổ biến là công nghệ lưu trữ năng lượng, thu thập và tích trữ carbon, lưới điện thông minh, turbin gió, năng lượng đại dương và sóng,…
Ông Đỗ Mạnh Cường cho rằng ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, trong nhà máy chủ yếu thiết lập dây chuyền sản xuất tự động thì CMCN lần thứ 4 đã tiến một bước nhảy vọt với mô hình nhà máy thông minh vận hành dựa trên các dữ liệu, trên các nền tảng CĐS dùng chung, sử dụng các dữ liệu kết nối IoT để đạt được mục tiêu năng lượng thấp nhất, nhanh nhất. Mô hình kết nối của nhà máy thông minh cho phép doanh nghiệp quan sát, giám sát, điều hành sản xuất một cách linh hoạt theo thời gian thực. Thông qua bài trình bày của mình, ông Cường cũng đưa ra các bước cho quá trình CĐS trong doanh nghiệp sản xuất, trong đó việc đầu tiên phải là phải chuẩn bị nguồn lực con người, sau đó mới đến tối ưu hoá và số hoá toàn bộ quá trình trong nhà máy.
Từ mô hình nhà máy thông minh, hội thảo cũng đã trang bị cho các đại hiểu tham dự về các Điều kiện để xây dựng một nhà máy thông minh thông qua bài trình bày của ông Hà Minh Hiệp đến từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất. Ông Hà Minh Hiệp đã nhấn mạnh 6 bước triển khai và xuay quanh câu chuyện thay đổi tư duy: tư duy quản lý nguồn lực con người (gồm lãnh đạo và người lao động); tư duy về quản lý nguồn lực CĐS trong đó chưa tính đến việc thay đổi công nghệ, thiết bị mới mà tối ưu hóa những gì đang có. Việc này cần có công cụ đánh giá thiết bị, công cụ thống kê,…; thay đổi tư duy quản trị tổng thể; quản trị tri thức.
Các bài học kinh nghiệm đã được ông Nguyễn Hoàng Dũng – Giám đốc tư vấn Công ty CP phần mềm Digiwin Software nêu ra thông qua sự thành công của Foxcon Đài Loan. Từ đó, ông Dũng cũng chia sẻ về các sai lầm gặp phải, cách để tránh các tình trạng lạc hướng trong CĐS doanh nghiệp sản xuất. Ông Dũng cũng cho rằng, trong CĐS trước hết chưa cần nghĩ gì đến những vấn đề to lớn mà quan trọng cần biết mình đang ở đâu, từ đó tìm các giải pháp làm thế nào tối ưu hóa được tăng hiệu suất, giảm chi phí, giảm tồn kho.
Bài học thứ 2 được ông Nguyễn Hoàng Kiên đến từ Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông nêu ra là thực hiện CĐS nâng cao nguồn lực nội tại, từ đó tiến tới Make in Vietnam. Ông Kiên cũng cho rằng CĐS không chỉ là công nghệ mà quan trọng là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, mô hình kinh doanh, chuyển đổi sản phẩm. Để làm được điều đó, Công ty Rạng Đông đã nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm bằng cách áp dụng các công nghệ hiện đại như 3D,… nội địa hóa sản xuất để giám giá thành cũng như đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất.
Nhằm trang bị cho doanh nghiệp góc nhìn từ giải pháp công nghệ, từ kinh nghiệm của một đơn vị thường xuyên triển khai công tác CĐS cho doanh nghiệp, ông Hoàng Hữu Hạnh đến từ Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số đề cập đến các xu hướng công nghệ mới nổi trong nhà máy thông minh. Đó là công nghệ 3D, 5G, VR, Drone, Digital Twin, EDGE (điện toán biên). Bài trình bày của ông Hạnh đã giúp đại biểu hiểu rõ hơn về tính năng cũng như ưu điểm của các công nghệ này trong nhà máy thông minh.
Để xem lại nội dung Hội thảo Chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, quí vị truy cập Fanpage của Tạp chí Tự động hóa ngày nay.
Trà Giang – Duy Anh
Cà phê Công nghệ là chương trình do Hội Tự động hóa cùng Tạp chí Tự động hóa ngày nay đồng chủ trì. Mục tiêu của chương trình là tạo ra không gian kết nối, tương tác, chia sẻ các xu hướng công nghệ hữu ích; giải đáp; tư vấn kỹ thuật công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực tế của doanh nghiệp; tạo hệ sinh thái công nghệ cho lĩnh vực ngành nghề cụ thể giúp các nhà đầu tư, kỹ sư công nghệ có thể tiếp cận tốt hơn với số hóa, CĐS, tự động hóa.
Chương trình được truyền thông qua các kênh của Tạp chí Tự động hóa ngày nay và trên Đài TH Kỹ thuật số VTC.