Nếu như năm 2021 trầm lắng ít hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì 2022 là một năm sôi động của Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA), với nhiều hoạt động ý nghĩa mang lại lợi ích cho hội viên cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Trên đà đó, năm 2023, VAA đã có những kế hoạch hành động mới. Trước thềm năm mới, ông Dương Nguyên Bình – Phó chủ tịch thường trực VAA có những chia sẻ cùng Quý độc giả.
PV: Năm 2023 có thể nói là một năm sôi động của Hội Tự động hoá Việt Nam với nhiều hoạt động nổi bật và có ý nghĩa, ông có thể điểm qua những hoạt động nổi bật đó?
Ông Dương Nguyên Bình: Đúng vậy, riêng trong năm 2022 Hội Tự động hoá Việt Nam đã thực hiện thành công 4 sự kiện lớn.
Thứ nhất, là Hội nghị khoa học và Triển lãm quốc tế về điều khiển và tự động hoá (VCCA 2021) với chủ đề “Tự động hoá trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia – thông minh và sáng tạo” Hội nghị diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh được từ ngày 7-9/4/2022. Sự kiện này đã thành công ở mọi phương diện, được thành uỷ và UBND Tp. Hồ Chí Minh đánh giá rất cao và coi là hoạt động KH-CN quan trọng của địa phương. Với 138 bài báo cáo NCKH, hơn 300 đại biểu dự lễ khai mạc và hàng nghìn người tham gia trực tuyến, với hơn 50 gian hàng trưng bày sản phẩm và giải pháp công nghệ thông minh sáng tạo của các doanh nghiệp, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước (Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha,…) với hơn 30 bài tham luận ở 5 tiểu ban Diễn đàn doanh nghiệp đã nói lên sức hấp dẫn và lan toả của sự kiện này.
Thứ hai là Hội thảo quy mô vùng Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Công nghệ thông minh với tiến trình chuyển đổi số” được tổ chức vào tháng 7/2022. Sự kiện này được VAA phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức, thu hút sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hàng trăm doanh nghiệp trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy hoạt động về chuyển đổi số và cách mạng Công nghiệp 4.0 của tỉnh Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt sau hội thảo đã có đơn đặt hàng của TP. Bến Tre về Đề án xây dựng nông thôn thông minh cho 2 xã thí điểm.
Thứ ba là triển khai các hoạt động của Sàn Công nghệ Tự động hóa tại 24 Lý Thường Kiệt. Tại sàn này hàng tháng đều tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề như: “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất”, “Quản trị số doanh nghiệp”, “Giải pháp số thông minh”, “Chuỗi cung ứng thông minh”, “Nông nghiệp thông minh”, “Ngôi nhà thông minh”, “Tự động hoá và chuyển đổi số trong lĩnh vực Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng”,… Bên cạnh đó, vào sáng thứ 7 có hoạt động của “Cà phê Công nghệ” với các phiên giao dịch, tọa đàm Be to Be, với nội dung phong phú về y tế, giáo dục, khai khoáng, an ninh, giao thông,… Các hoạt động tại Sàn Công nghệ Ttự động hoá đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm chuyên gia và các doanh nghiệp trong và ngoài nước (cả online và trực tiếp).
Thứ tư là Chương trình biểu dương Top công nghiệp 4.0 Việt Nam (VNI 4.0 Awards). Đây là sáng kiến của Hội Tự động hóa Việt Nam và Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số Việt Nam, Liên hiệp các Hội Việt Nam chủ trì. Mặc dù là năm đầu tiên nhưng Ban tổ chức đã xét duyệt trên 150 hồ sơ dự tuyển để vinh danh 6 tỉnh thành phố và 35 doanh nghiệp tiêu biểu trong cuộc Cách mạng 4.0 và chuyển đổi số quốc gia.
PV: Có thể nói xúc tiến thương mại là lĩnh vực nổi bật trong hoạt động Hội năm 2022, những kết quả cụ thể nào đáng được nhắc đến, thưa ông?
Ông Dương Nguyên Bình: 2022, VAA đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như tham dự diễn đàn công nghiệp và công nghiệp phụ trợ do Công ty RX Tradex tổ chức vào tháng 6. Tại diễn đàn, VAA đã cùng Công ty RX Tradex Việt Nam, Hiệp Hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam ký kết MOU phối hợp thực hiện Dự án Cộng đồng sáng kiến Doanh nghiệp (Business Innovation Zone); Ngày 24/10, VAA tiếp đón Hiệp hội Robot và trí tuệ Tự động hóa Đài Loan (Tairoa) thăm và làm việc. Thông qua sự kiện này hai bên thúc đẩy hoạt động đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp Đài Loan, kết nối thị trường cho các doanh nghiệp Đài Loan trong lĩnh vực Tự động hóa tại Việt Nam; VAA đã tham dự đoàn giao thương do Cục xúc tiến TM tổ chức, đoàn đã tổ chức tham dự giao thương với các doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel; Ngày 7/12, VAA kết hợp cùng Tập đoàn phát triển Viễn Đông và Bắc Cực tổ chức tọa đàm với chủ đề “khai thác khoáng sản”. Qua đó, hai bên đã cùng nhau tìm hiểu tiềm năng hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng ở vùng Viễn Đông Nga.
Mới đây nhất là ngày 14/12/2022, VAA phối hợp với Trung tâm Giao dịch thông tin và Công nghệ, Hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu tổ chức tuần lễ kết nối giao thương hàng hóa ứng dụng khoa học và công nghệ. Ngày 15-16/12/2022, VAA tham gia diễn đàn thương mại “Nga -Việt” do Bộ Công thương Nga tổ chức tại Hà Nội. VAA chủ trì Tọa đàm với 2 chủ đề: “Chủ quyền số và đổi mới cho ngành công nghiệp” và “Chế tạo máy năng lượng – đổi mới và triển vọng”.
PV: Thế giới 4 năm qua với nhiều biến động, thách thức nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, theo ông với vai trò vị thế của Hội Tự động hoá Việt Nam, Hội sẽ thúc đẩy những hoạt động nào cho năm tới để góp phần cùng đất nước ứng phó các thách thức cũng như nắm bắt cơ hội phát triển?
Ông Dương Nguyên Bình: sang năm 2023, Hội TĐH Việt Nam vẫn duy trì và đẩy mạnh các hoạt động về cách mạng 4.0 và chuyển đổi số, đặc biệt là mở rộng quan hệ quốc tế, xúc tiến thương mại, tư vấn phản biện KH-CN, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản phẩm giải pháp và công nghệ vào thực tế sản xuất kinh doanh. Chúng tôi sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp là hội viên của VAA tiếp cận và triển khai các nội dung mà VAA đã ký biên bản hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc quan trọng nữa là chuẩn bị tích cực cho Hội nghị VCCA 2024 tại Hải Phòng.
PV: Trọng tâm hoạt động của Hội năm 2023 là gì thưa ông?
Ông Dương Nguyên Bình: Hội Tự động hoá Việt Nam luôn chú trọng tới việc phát triển hội viên, nhất là các hội viên tập thể là các doanh nghiệp đi đầu đổi mới sáng tạo gắn với các chương trình Chuyển đổi số quốc gia và tự động hóa toàn diện. Hội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hội viên được phát triển thông qua các liên kết, kết nối và mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh các hoạt động nhằm khai thác thế mạnh của Sàn Công nghệ Tự động hoá cũng như Cà phê Công nghệ; kiện toàn toàn tổ chức và phương thức hoạt động của Tạp chí Tự động hoá ngày nay và chuyên san Đo lường – Điều khiển và Tự động hoá.
Triển khai công việc của các ban, các bộ phận chức năng chuẩn bị cho Hội nghị và Triển lãm quốc tế về Điều khiển và Tự động hoá VCCA 2024.
Cảm ơn ông về những chia sẻ trước thềm năm mới!
Trà Giang – Phương An (thực hiện)