Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Diễn đàn “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, định hướng đến năm 2045” do Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 15/7 tại Hà Nội.
Xác lập mô hình tăng trưởng - nhiệm vụ cấp thiết
![]() |
Toàn cảnh diễn đàn |
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế to lớn, được bạn bè và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo đó, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá cao, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, vị thế quốc gia ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đất nước cũng đã có những bước tiến đáng kể trong tái cơ cấu đầu tư công, quản lý nợ công, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo,… Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho rằng, tốc độ đổi mới mô hình tăng trưởng chưa thực sự nhanh và mạnh mẽ như kỳ vọng, tăng trưởng chưa thực sự bền vững, năng suất lao động tuy có cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực; cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực vẫn còn hạn chế, sự phụ thuộc vào yếu tố vốn và lao động giá rẻ vẫn còn nặng nề, khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu,…
Trong bối cảnh thế giới có những biến động sâu sắc về công nghệ, địa kinh tế, địa chính trị và môi trường, Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng để xác lập mô hình tăng trưởng mới phù hợp, tạo nền tảng cho phát triển trong 10 - 20 năm tới. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số, kinh tế xanh và chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, các thách thức như biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược và các vấn đề an ninh phi truyền thống đang tác động ngày càng phức tạp. Trong nước, quá trình tổng kết 40 năm đổi mới và xây dựng Văn kiện Đại hội XIV đòi hỏi phải làm rõ mô hình tăng trưởng phù hợp với thực tiễn mới.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh chia sẻ, mô hình tăng trưởng hiện hành đang tiệm cận giới hạn khi phụ thuộc vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và xuất khẩu gia công. Trong khi đó, các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, kinh tế số, tri thức bản địa vẫn chưa trở thành yếu tố trung tâm trong cấu trúc phát triển. Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không sớm kiến tạo mô hình tăng trưởng mới phù hợp với một thế giới đang tái cấu trúc mạnh mẽ cả về chuỗi giá trị, sản xuất, năng lượng, công nghệ và tài nguyên. Mô hình mới phải là cấu trúc phức hợp, tích hợp đồng thời chuyển đổi số - chuyển đổi xanh - đổi mới sáng tạo và liên kết vùng.
![]() |
Ảnh minh họa |
Đột phá thể chế, chuyển đổi số là trung tâm mô hình tăng trưởng
Chia sẻ tại diễn đàn, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Bá Hùng nêu rõ, điều kiện tiên quyết để mô hình tăng trưởng mới đi vào thực chất là đột phá thể chế. Theo đó, cần thiết lập một sân chơi công bằng, giảm thiểu tình trạng bị chi phối bởi nhóm lợi ích, bất cân xứng thông tin và rào cản cạnh tranh. Khi môi trường thị trường lành mạnh, doanh nghiệp mới có thể đầu tư dài hạn, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, phải cải cách toàn diện hệ thống chính sách tài khóa, tín dụng, đầu tư công theo hướng hỗ trợ khu vực sản xuất, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh và công nghiệp hỗ trợ.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Trần Thọ Đạt cho rằng, chuyển đổi số phải trở thành cấu phần trung tâm của mô hình tăng trưởng mới, không chỉ là công cụ hỗ trợ. Dữ liệu - tri thức - hạ tầng số cần được nhìn nhận là tài sản chiến lược. Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý cho thị trường dữ liệu, tạo lập môi trường cạnh tranh số minh bạch, tăng đầu tư cho hạ tầng số và giáo dục số.
Cùng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới Lê Xuân Sang cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm Đài Loan - một nền kinh tế có sức chống chịu cao nhờ kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp công nghệ cao và thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo. Thành công của Đài Loan đến từ thể chế minh bạch, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo linh hoạt và nhà nước kiến tạo thực chất.
Từ thực tiễn quốc tế, nhiều đại biểu tại Diễn đàn cũng phân tích, mô hình tăng trưởng mới cần chuyển dịch từ khai thác nguồn lực sang phát triển năng lực; từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu; từ mô hình dựa trên sản xuất thâm dụng lao động sang mô hình dựa vào công nghệ, tri thức và sáng tạo. Đặc biệt, cần chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản trị công, hiện đại hóa bộ máy hành chính và nâng cao năng lực hoạch định chính sách.
Đầu tư công cần được tái cấu trúc theo hướng hỗ trợ hạ tầng số, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo và đô thị xanh. Chính sách thu hút FDI thế hệ mới phải gắn với chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển công nghiệp hỗ trợ nội địa. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò các đô thị lớn và cực tăng trưởng như trung tâm sáng tạo và đầu tàu chuyển đổi mô hình. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm.